Sức nóng phủ vây Đông Á vì tên lửa Triều Tiên
Căng thẳng cực độ, thở phào, rồi lo lắng tiếp tục bao trùm. Từng động thái của Triều Tiên như tiếng kim giây của đồng hồ hối thúc từng cuộc cạnh tranh ngoại giao khốc liệt trong im lặng.
Sức nóng phủ vây Đông Á vì tên lửa Triều Tiên
Căng thẳng cực độ, thở phào, rồi lo lắng tiếp tục bao trùm. Từng động thái của Triều Tiên như tiếng kim giây của đồng hồ hối thúc từng cuộc cạnh tranh ngoại giao khốc liệt trong im lặng.
“Một sự thấu hiểu giữa Washington và Bắc Kinh là điều kiện tiên quyết cho việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger
Hôm 31-8, hai chiếc máy bay ném bom siêu thanh B-1B và bốn chiếc tiêm kích tàng hình F35 của Mỹ đã bay đến bán đảo Triều Tiên để tham gia đợt tập trận bắn đạn thật với bốn chiếc máy bay chiến đấu F-15 của Hàn Quốc.
Đổi cách tiếp cận
Đối với những khán giả “yếu tim”, cuộc tập trận trên không khác gì minh chứng cho nhận định rằng một cuộc đụng độ quân sự sắp xảy ra. Vì ngày 30-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng: “Câu trả lời giờ đây không còn là nói chuyện nữa!”.
Ai cũng nhớ rằng trong tháng 8, ông Trump từng tuyên bố sẽ cho Triều Tiên hứng lấy “hỏa lực và cuồng nộ”.
Đáp lại là một nấc căng thẳng mới: Bình Nhưỡng tuyên bố đang lập kế hoạch tấn công lãnh thổ Mỹ ở đảo Guam. Và sau khi Mỹ – Hàn có đợt tập trận thường niên, Triều Tiên ngày 29-8 có ý chứng tỏ họ không nói đùa, bằng việc phóng tên lửa Hwasong-12 bay ngang lãnh thổ Nhật Bản.
Nhưng kế sau hành động của Triều Tiên vừa qua, có thể thấy cả Mỹ và nhiều nước đều phản ứng khá chừng mực.
Bất kể Tổng thống Trump dùng ngôn từ mạnh mẽ trên Twitter, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis chữa lại rằng Mỹ “không bao giờ thiếu giải pháp ngoại giao trong vấn đề Triều Tiên”, BBC trích dẫn.
Từ trước tới nay, mỗi lần Triều Tiên thử tên lửa, vũ khí hạt nhân, Mỹ đều lên án, sau đó chĩa mũi dùi sang Trung Quốc.
Ông Trump cũng đã có động thái trừng phạt các công ty Trung Quốc do làm ăn với Triều Tiên. Nhưng các biện pháp này của Washington đến nay vẫn chưa cho kết quả khả quan.
Chính vì thế, Bloomberg ngày 31-8 phân tích rằng Mỹ phải thay đổi cách tiếp cận với Trung Quốc.
Hãng tin này lấy ý từ ông Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng Mỹ, và là người có vai trò lớn trong việc nối lại quan hệ với Trung Quốc những năm 1970, cho rằng Mỹ phải tìm thấy điểm tương đồng với Trung Quốc, thay vì gây sức ép vô ích.
Con bài kinh tế
Như đã nói, Mỹ trừng phạt chính các công ty Trung Quốc như một kiểu “chặn thượng nguồn”. Nhưng bao nhiêu nước có thể sẵn sàng làm điều tương tự để gây sức ép đủ lớn lên Bắc Kinh? Quá khó, vì Trung Quốc có nền kinh tế mạnh, rộng khắp và chi phối nhiều nước.
Một ví dụ đơn cử như bài viết của CNN ngày 30-8, bản thân Hàn Quốc – đồng minh thân cận của Mỹ – đã chứng kiến hậu quả của việc làm phật ý Trung Quốc trong vấn đề triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Ngay sau khi quân đội Hàn Quốc tuyên bố triển khai THAAD hồi tháng 3, Hãng xe Hyundai của nước này chứng kiến doanh số bán ra ở thị trường Trung Quốc sụt 64% so với cùng kỳ năm ngoái.
CNN cho hay truyền thông Trung Quốc đã kêu gọi người dân tẩy chay hàng của Hàn Quốc. Thậm chí theo số liệu của Cơ quan Du lịch Hàn Quốc, du khách Trung Quốc tới Hàn Quốc đã giảm một nửa trong 7 tháng đầu năm nay, còn 2,5 triệu lượt, so với 4,7 triệu lượt cùng kỳ năm 2016.
Kinh tế cũng giúp Trung Quốc thu được thành quả ngoại giao với các nước và điều này hữu ích trong vấn đề Triều Tiên. Từ ngày 3 đến 5-9, Trung Quốc sẽ là chủ nhà của hội nghị các nền kinh tế mới nổi mở rộng (BRICS Plus).
Khối này bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, nhưng khách mời sắp tới sẽ có thêm Ai Cập và Kenya.
Lãnh đủ vì quan hệ quá tốt với Triều Tiên?
Vì vấn đề nhân quyền, Mỹ tuyên bố cắt viện trợ 290 triệu USD cho Ai Cập. Nhưng hai cây viết Gardiner Harris và Declan Walsh của báo New York Times cho rằng động cơ chính trong vụ này là việc Mỹ không hài lòng với việc Ai Cập quan hệ quá tốt với Triều Tiên.