28/11/2024

Mưu sinh mùa lũ: Làng nghề chộn rộn

Đã lâu lắm mới có đợt lũ lớn về ĐBSCL, mang theo phù sa, tôm cá… và làm “sống lại” những cách mưu sinh tưởng chừng dần đi vào quên lãng do lũ không về…

 

Mưu sinh mùa lũ: Làng nghề chộn rộn

Đã lâu lắm mới có đợt lũ lớn về ĐBSCL, mang theo phù sa, tôm cá… và làm “sống lại” những cách mưu sinh tưởng chừng dần đi vào quên lãng do lũ không về…




 

Đan lưới ở làng nghề Thơm Rơm (Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ)ẢNH: ĐẶNG NGỌC

 

Nương theo con lũ sớm, nhiều làng nghề tất bật với công việc cung cấp dụng cụ bắt cá, tôm… giúp tăng thêm thu nhập cho bà con.
Lưới, lưỡi câu bán chạy
Những ngày này, làng lưới Thơm Rơm (P.Tân Hưng, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) tất bật sản xuất lưới, dớn, lú, chài… (những dụng cụ bắt cá) phục vụ người dân đánh bắt cá tôm mùa lũ. Tại cơ sở sản xuất lưới Tư Quý, gần 30 công nhân chia thành các nhóm đảm nhận từng công đoạn làm lưới như đan tay, dệt máy, kết lưới bắt viền, cột phao kéo chì, dập chì… “Làng lưới Thơm Rơm hoạt động quanh năm nhưng tập trung mạnh nhất từ tháng 3 – 11 âm lịch. Năm nào lũ lớn thì nhu cầu mua lưới của người dân tăng cao. Như năm nay, mỗi ngày cơ sở tôi cung cấp ra thị trường hàng trăm tay lưới các loại”, chị Nguyễn Thị Thu Hà, chủ cơ sở sản xuất lưới Tư Quý, hồ hởi.

Ông Nguyễn Trung Tiến, người có gần 30 năm trong nghề sản xuất lưới ở Thơm Rơm, cho biết lưới Thơm Rơm nổi tiếng khắp vùng ĐBSCL, được nhiều người tìm mua vì lưới dễ dính cá, thích hợp với địa hình kênh, mương, sông, lạch và giá bán hợp lý. Lưới Thơm Rơm có nhiều loại, từ loại lưới mắt nhỏ dùng bắt cá linh, cá rô… đến lưới mắt lớn hoặc lưới ba màn bắt các loại cá lớn. Năm nay, do chi phí nguyên vật liệu, nhân công, điện… đều tăng nên giá lưới cũng nhích nhẹ từ 10 – 15%. Tuy vậy, tới thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất lưới ở Thơm Rơm rơi vào cảnh cháy hàng do lũ lớn về sớm.

Tương tự, làng lưỡi câu Mỹ Hoà (TP.Long Xuyên, An Giang) cũng nhộn nhịp với trên 900 lao động làm nghề. Theo ông Trần Thiện Tâm, Tổ trưởng làng lưỡi câu Mỹ Hòa, đây là nghề truyền thống gắn bó với người dân địa phương hơn 40 năm qua. Làng nghề hoạt động quanh năm nhưng đến mùa lũ, không khí làm việc lại càng rộn ràng. Năm nay nước lũ về sớm nên mỗi hộ đều sản xuất tăng số lượng. Ngoài làm lưỡi câu cá đồng, người dân còn sản xuất thêm lưỡi câu rùa, ếch… Nghề này không kén lao động; người già, trẻ em đều làm được, thu nhập từ 30.000 – 80.000 đồng/ngày. Hiện sản phẩm của làng lưỡi câu Mỹ Hoà được tiêu thụ khắp các tỉnh ĐBSCL và cả khu vực miền Trung.
Mưu sinh mùa lũ: Làng nghề chộn rộn - ảnh 2

Sản xuất lọp cá linh ở H.An Phú (An Giang)ẢNH: ĐẶNG NGỌC

Thức đêm đan lọp
Cồn Cốc (thuộc ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng, H.An Phú, An Giang) nổi tiếng với nghề đan lọp cá linh, chủ yếu cung cấp cho người dân trong vùng. Theo ông Nguyễn Văn Tòng (Út Tòng), Tổ trưởng tổ đan lọp ở cồn Cốc, cồn có 120 hộ thì có đến 82 hộ làm nghề đan lọp. Năm nay nước lũ lên cao, người dân vùng này sống khoẻ, vì vừa làm lọp vừa tranh thủ đánh bắt cá tôm. Từ đầu vụ đến nay, tổ đã cung cấp hàng ngàn cái lọp cho thị trường, tính ra mỗi hộ thu nhập trung bình 1,5 triệu đồng/tháng.
Còn tại Hậu Giang, bà con cũng đang tranh thủ đan lọp lươn, xà di… để bán. Ông Võ Thành Nam (ngụ ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Tường, H.Vị Thuỷ) cho biết: “Số lượng đặt hàng năm nay tăng cao mà nhà chỉ có 2 vợ chồng làm nên phải tranh thủ làm ngày đêm mới kịp giao”. Nghề này đã gắn bó với gia đình ông Nam gần 6 năm qua. Bình quân mỗi ngày, 2 vợ chồng làm được 20 – 30 cái lọp. Năm trước, vợ chồng ông bán ra được 4.000 cái, năm nay tăng thêm khoảng 1.000 cái. Mùa lũ năm nay, với giá bán lọp lươn 28.000 đồng/cái, xà di 16.000 đồng/cái, sau khi trừ chi phí, vợ chồng ông thu lời hơn chục triệu đồng.
“Cầu mong cho năm nào cũng có lũ lớn về mang theo nhiều tôm cá, để không chỉ nghề đan lọp sống khoẻ mà người dân mình mưu sinh cũng đỡ vất vả, cá tôm lại đầy đồng như xưa”, ông Nam chia sẻ.
Nhớ mùa cá đồng
Mưu sinh mùa lũ: Làng nghề chộn rộn - ảnh 3

Ông Ngáo đã có 45 năm sống với nghề cáẢNH: THANH DŨNG

Dù lũ về sớm và được đánh giá lớn “bất thường” so với nhiều năm qua, nhưng với nhiều lão ngư, tôm cá theo con nước về đã vơi hẳn…

Nhìn cánh đồng đục màu nước lũ, lão ngư Nguyễn Văn Ngáo (60 tuổi, ngụ xã Bình Thạnh Đông, H.Phú Tân, An Giang), chặc lưỡi thở ra: “Cá vẫn vào đồng nhưng những mùa cá đồng giờ gần như không còn nữa”.
Ông Ngáo sống với nghề cá hơn 45 năm. Ở miệt này, ông được ví như “từ điển sống” về cá tôm vì biết tường tận các loài cá nước ngọt. Bạn cùng thời với ông nhiều người đã bỏ nghề, còn ông vẫn gắn bó với nghề hạ bạc.
Cánh đồng ở cù lao Phú Tân được bao bọc bởi 3 con sông lớn là sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao và vàm Cái Đầm nên ngày xưa cá vào đồng nhiều vô số. Ông Ngáo nhớ, loài cá mở đầu cho mùa cá đồng là cá leo. “Cá leo là cá da trơn, thích đi con nước đêm, lên đồng đẻ trứng. Từ sông rạch, chúng bắt cặp từng đôi “leo” qua bờ đất vào ruộng rồi quấn nhau giao tình quậy nước tung toé. Tụi tôi ngồi rình, thấy cá vào sâu trong đồng trở ra sông không kịp liền cầm nơm rượt chụp. Ai cũng nói, cá gì dại thiệt, đi có cặp, chạy chết cũng có đôi nên bắt thường dính 2 con, mỗi con nặng từ 1,5 – 3 kg”, lão ngư hồi tưởng.
Sự rành mạch về cá đồng của ông Ngáo làm cánh ngư dân trẻ kính nể. Ông Ngáo cho biết loài cá cũng phân định rạch ròi “đẳng cấp”. Nếu cá leo, cá ngựa  “tiên phong” mở đường cho các loài cá linh, lóc, rô, trê, chạch, sặc, lòng tong, chốt, mè vinh… tràn vào đồng thì cá hô đất là con cá đánh dấu kết thúc mùa hội cá. Ngư dân thả lưới trên đồng, bắt được cá hô đất thì biết rằng các loài cá vào đồng đã hết. “Cá hô đất lạ lắm, vào đồng trễ nhưng ra sông đầu tiên. Tháng 10 (âm lịch) bắt được nó trên sông rạch, ngư dân liền chuẩn bị ngư cụ vì biết đó là dấu hiệu cá sắp từ đồng trở ra sông. Cá hô bắt được, con to lắm khoảng 4 kg nhưng đem thả nuôi trong ao, đìa vài mùa sau nặng mấy chục ki lô gam”, ông Ngáo nói.
Theo ông Ngáo, từ lúc làm đê bao, cá leo, cá ngựa và các loài cá khác kéo đi mất biệt. Ngày xưa, người dân làm lúa mùa nổi nên đúng ngày 10.10 (âm lịch) là cá linh ra sông. Lúc này, nước trong đồng chuyển sang màu vàng au như nước trà quạu nhưng có mùi thúi hăng hắc khó chịu, cá tôm bị trúng nước thúi nổi chết lềnh bềnh; trong đó tôm là con chết đầu tiên vì chúng là loài ăn dơ nhưng ở phải sạch. Nước thúi đuổi tháo cá linh và các loài cá khác cuống cuồng ra sông, người dân gọi con nước đó là “mùa cá dại”. Giờ thì mùa cá dại không còn, cá linh tuy còn nhưng không tìm thấy được luồng cá ồ ạt như xưa.
Chỉ tay về những ngư dân đang thả lưới trên vàm Cái Đầm, ông Ngáo chậm rãi nói: “Ngày xưa sống bằng nghề cá không sợ đói, cá có mãn năm, hết mùa cá đồng lại đến cá sông. Cá sông có cá sửu, cá hú, cá tra, cá lăn, cá sát… bắt không ngớt tay. Tôi và bao ngư dân khác xây được nhà, mua được đất ruộng cũng nhờ tôm cá tự nhiên. Còn ngày nay, đi bắt cá có khi về tay không”. Chìa cho chúng tôi xem mớ cá rô, cá sặc nong vừa bắt được, ông Ngáo lắc đầu: “Hồi đó, vào mùa lũ, dù có túng bấn mấy cũng không ai bắt cua đồng ăn. Còn bây giờ ăn cua, ốc đã thành đặc sản”.
Thanh Dũng


 

Đặng Ngọc