Nằm trong số những dòng tộc giàu nhất Thái Lan, nhà Shinawatra sớm dấn thân vào chính trị, để lại dấu ấn đậm nét lẫn gây nhiều tranh cãi và chia rẽ. Từ năm 2001 đến nay, đã có 3 người thuộc gia tộc này ngồi vào ghế thủ tướng gồm ông Thaksin (2001 – 2006), bà Yingluck (2011 – 2014) và ông Somchai Wongsawat (em rể ông Thaksin, tháng 9 – 12.2008). Họ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đông đảo dân nghèo ở các tỉnh phía bắc, đông bắc và tầng lớp lao động ở thủ đô Bangkok, mang lại kết quả là các đảng phái liên quan đến nhà Shinawatra đã chiến thắng trong mọi cuộc tổng tuyển cử từ năm 2001. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ phúc lợi mang tính dân túy cũng như cáo buộc nhập nhằng giữa chính trị và kinh doanh khiến gia tộc Shinawatra trở thành “cái gai” trong mắt giới quân sự, giới bảo hoàng và tầng lớp tinh hoa Thái Lan. Cả 3 vị thủ tướng nói trên đều kết thúc sự nghiệp chính trị trong sóng gió và đối mặt những bản án nặng nề.
Đế chế kinh doanh
Dòng họ Shinawatra xuất thân là di dân gốc Hoa. Cuối những năm 1860, ông Seng Sae Khu (Khâu Xuân Thịnh) từ Quảng Đông (Trung Quốc) đến Xiêm La lập nghiệp. Ông lấy vợ người Thái và sinh con đẻ cái, hình thành nên dòng họ Sae Khu ở tỉnh Chanthaburi, giáp biên giới Campuchia. Đến năm 1938, chính quyền của Thủ tướng Plaek Phibunsongkhram thi hành chính sách dân tộc chủ nghĩa, bài trừ người Hoa nên gia tộc Sae Khu đổi sang họ Shinawatra để yên ổn sinh sống.
Những năm tháng đầu trên đất khách quê người, ông Seng Sae Khu chỉ là lao động làm thuê, sau đó hành nghề thu thuế cho quan chức địa phương. Có thời gian, ông đưa gia đình vào Bangkok nhưng chỉ lưu lại được một thời gian ngắn, rồi trở ra Chiang Mai, bắt đầu học theo nhiều đồng hương khác làm nghề dệt lụa. Ông nhanh chóng thành công, gầy dựng được xưởng sản xuất, nhuộm sợi và may gia công. Sau khi đổi sang họ mới, tơ lụa Shinawatra càng nổi tiếng hơn, cung cấp khắp cả nước và rất được người trong hoàng gia ưa thích. Dòng họ này bắt đầu lấn sang những lĩnh vực khác, trong đó có bất động sản. Tài sản ngày càng gia tăng, con cái được gửi ra nước ngoài du học rồi trở về giúp cơ ngơi dòng họ phát triển thêm.
Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan Chalermchai Sitthisad bác thông tin quân đội đã để cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra bỏ trốn.
Nhà Shinawatra bắt đầu phát triển vượt bậc từ đời thứ ba, tức thời của ông Lert Shinawatra, cha của ông Thaksin và bà Yingluck. Ông Lert có 7 con gái và 3 con trai, gồm Yaowalak, Thaksin, Yaowares, Piyanut, Udon, Yaowapha, Payap, Yaomal (tên sau này là Monthatip), Thatsanee và Yingluck. Ông sớm dấn thân vào nghiệp kinh doanh và sở hữu 2 rạp chiếu phim, một hệ thống xe buýt, đại lý xe máy lẫn xe hơi, một trạm xăng và nhiều mảnh đất ở Chiang Mai, theo sách Thaksin: The Business of Politics in Thailand (tạm dịch: Thaksin: Kinh doanh chính trị ở Thái Lan). Nối bước cha, ông Thaksin rời ngành cảnh sát để thành lập Tập đoàn Shinawatra Datacom năm 1989 và nhanh chóng biến nó trở thành một đế chế viễn thông ở Thái Lan.
Ông Lert và các con gái, bà Yingluck đứng thứ ba từ trái
Bước vào chính trường
Ông Lert Shinawatra là thành viên đầu tiên trong gia tộc dấn thân vào chính trị, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng lập pháp Chiang Mai năm 1967 và trở thành nghị sĩ quốc hội 2 năm sau đó. Ông còn trở thành người đứng đầu đảng Independent, gồm nhiều thành viên là đại gia kinh tế và chủ ngân hàng. Sau cuộc đảo chính quân sự năm 1971, ông rời bỏ chính trường cho đến năm 1975 thì tái đắc cử nghị sĩ. Song song đó, em trai ông Lert là Suraphan cũng liên tục thăng tiến và giữ chức Thứ trưởng Bộ Giao thông trong giai đoạn 1986 – 1988.
Người con đầu tiên của ông Lert theo đuổi sự nghiệp chính trị là con gái lớn Yaowalak Shinawatra, Thị trưởng Chiang Mai và là nữ thị trưởng đầu tiên của Thái Lan. Tuy nhiên, bà lâm trọng bệnh và qua đời năm 2009 ở tuổi 63. Bà Yaowapha, em gái ông Thaksin từng là nghị sĩ quốc hội, đại diện cho đảng Thai Rak Thai của anh trai. Ngoài 3 thủ tướng nói trên, nhà Shinawatra còn có nhiều thành viên từng giữ các vị trí cao trong chính phủ như Chaiyasit Shinawatra, anh họ ông Thaksin, cựu Tư lệnh bộ binh và Tổng tham mưu trưởng quân đội Hoàng gia Thái Lan và Preopan Damapong, em vợ ông Thaksin, giữ chức Phó giám đốc Cảnh sát hoàng gia.
Ngày 30.8, cảnh sát Thái Lan cho biết họ đã gửi thông tin truy lùng bà Yingluck Shinawatra đến các nước láng giềng, được cho là có thể nằm trên đường đào thoát của cựu thủ tướng. Theo Tổng trưởng Cảnh sát Hoàng gia Chakthip Chaijinda, nhà chức trách đã liên hệ với Lào, Campuchia, Myanmar, VN và Singapore để xác minh thông tin. Trước đó, cảnh sát Thái Lan phát lệnh truy nã quốc tế đối với cựu thủ tướng trên 190 quốc gia.
Cùng ngày, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai bà Yingluck, bất ngờ đăng lên Twitter những bình luận chỉ trích “chế độ chuyên chế dưới sự che chở của luật pháp”. Theo AFP, đây là lần đầu tiên ông Thaksin xuất hiện trở lại trên Twitter từ năm 2015. Ông Thaksin lưu vong ở nước ngoài từ năm 2008 để tránh bản án 2 năm tù giam về tội tham nhũng mà ông cho là có động cơ chính trị.