Phải đền bù cho ngư dân có tàu vỏ thép hỏng
Đó là ý kiến của nhiều ngư dân tại hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67/2014 – những vấn đề cần đặt ra” do Hội Nông dân VN, Bộ NN-PTNT và UBND TP.Đà Nẵng phối hợp tổ chức vào sáng 29.8.
Phải đền bù cho ngư dân có tàu vỏ thép hỏng
Đó là ý kiến của nhiều ngư dân tại hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67/2014 – những vấn đề cần đặt ra” do Hội Nông dân VN, Bộ NN-PTNT và UBND TP.Đà Nẵng phối hợp tổ chức vào sáng 29.8.
“Công ty đóng tàu quá vô trách nhiệm”
Phát biểu tại hội thảo, ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân VN, cho hay sau 3 năm thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, bên cạnh những kết quả đạt được khi có gần 2.000 con tàu được nâng cấp, đóng mới thì thời gian qua đã xảy ra sự cố với hơn 40 tàu bị hỏng máy, gỉ sét. “Các tàu nằm bờ, ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đời sống của ngư dân. Tôi khảo sát và được biết ngư dân muốn đóng tàu gỗ hơn là tàu vỏ thép vì giá rẻ, nếu có hư hỏng, va chạm thì có thể khắc phục được ngay… Trong khi đó, tàu vỏ thép có trị giá hơn 10 tỉ đồng. Đáng lẽ ngư dân phải là chủ tàu thì họ lại là những “chủ hờ” vì từ khi thiết kế, thi công đến nghiệm thu không được tham gia hoặc bị giới hạn ở mức độ nào đó”, ông Môn nói.
Tại hội thảo, nhiều ngư dân đã phản ứng mạnh mẽ trước cách làm gian dối của một số công ty đóng tàu. Ngư dân Đinh Công Khánh, chủ tàu BĐ 99086 (Bình Định) bức xúc: “Tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý mạnh tay hành vi gian dối với ngư dân. Là ngư dân, ngoài làm ăn trên biển, chúng tôi mong muốn mỗi người đều là những lá chắn bảo vệ cho Hoàng Sa, Trường Sa nhưng công ty đóng tàu họ quá vô trách nhiệm. Chúng tôi kiến nghị xử lý thật nghiêm những hành vi gian dối này”.
Đề nghị giãn nợ, hỗ trợ ngư dân
Tại hội thảo, nhiều ngư dân có tàu vỏ thép bị hư hỏng đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành chỉ đạo ngân hàng có biện pháp giãn nợ để chờ tàu sửa xong lại ra khơi bám biển. Ông Nguyễn Công Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT Bình Định) cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước VN hướng dẫn kéo dài thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi vay, điều chỉnh thời gian trả nợ trong năm hoặc giữ nguyên nhóm nợ đối với một số tàu vỏ thép đóng mới bị hư hỏng phải nằm bờ để sửa chữa.
Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cho biết Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP ven biển đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở đóng tàu và hướng dẫn thực hiện sửa chữa; các địa phương tổng rà soát các cơ sở đóng tàu, các tàu vỏ thép đã và đang đóng để chấn chỉnh.
Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: “Đề nghị Chính phủ sớm xem xét ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 quy định thêm việc hỗ trợ chi phí giám sát đóng tàu để chủ tàu thuê tư vấn; quy định cơ chế xử lý đối với các trường hợp bất khả kháng…”.
Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Lại Xuân Môn khẳng định: “Những tàu nằm bờ và hỏng hóc cần phải xem xét, phải có chính sách hỗ trợ những thiệt hại. Đơn vị hỗ trợ có thể là ngân hàng, những công ty đóng tàu chịu trách nhiệm”. Cũng theo ông Môn, cần phải xử lý nghiêm các đơn vị đóng tàu làm ăn gian dối. Tiếp thu những ý kiến tại hội thảo, ông Môn cho biết sẽ có báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ để nghị định sửa đổi sắp tới đi vào cuộc sống, giúp ngư dân không chỉ đánh bắt mà còn thực hiện các nhiệm vụ khác.
Kiến nghị bỏ thế chấp sổ đỏ vay vốn đóng tàu
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho rằng việc thế chấp ngân hàng để vay vốn đóng tàu nên được điều chỉnh theo hướng chỉ cần thế chấp chính con tàu được đóng là đủ. “Chúng tôi đề nghị thế chấp bằng sự bảo lãnh của chính quyền, của con tàu chứ không nên thế chấp sổ đỏ vào ngân hàng, như vậy mới khuyến khích người dân hăng hái tham gia”, ông Đồng nói.
|
Hoàng Sơn