Cơ hội và thách thức từ sáng kiến Vành đai con đường
Giới học thuật Trung Quốc và Việt Nam đã cùng nhau thảo luận các cơ hội hợp tác từ sáng kiến Vành đai con đường tại cuộc toạ đàm diễn ra ở Hà Nội sáng 25-8.
Cơ hội và thách thức từ sáng kiến Vành đai con đường
Giới học thuật Trung Quốc và Việt Nam đã cùng nhau thảo luận các cơ hội hợp tác từ sáng kiến Vành đai con đường tại cuộc toạ đàm diễn ra ở Hà Nội sáng 25-8.
Ảnh: LAN CHI |
“Vấn đề gay cấn nhất đối với Việt Nam và Trung Quốc là những căng thẳng trong tranh chấp Biển Đông. Yếu tố này làm tổn thương lớn nhất đến lòng tin chính trị của hai nước, gây trở ngại không nhỏ đến tiến trình hợp tác Vành đai con đường |
PGS.TS Phùng Thị Huệ |
Đồng tổ chức bởi Học viện Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Trung Quốc, tọa đàm thu hút sự tham dự của khoảng 80 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, các cơ quan nghiên cứu và một số doanh nghiệp, cùng với hơn 30 cơ quan báo chí của Việt Nam và Trung Quốc.
Phát biểu tại tọa đàm, TS Sử Dục Long – Viện nghiên cứu vĩ mô, Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc – cho rằng một số khu vực trên thế giới như Nam Á, châu Phi, Đông Nam Á gặp khó khăn về phát triển cơ sở hạ tầng tạo ra vùng xám phát triển, thách thức kinh tế toàn cầu.
Ông Long cho rằng sáng kiến Vành đai con đường do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng năm 2013 đã giúp thúc đẩy hợp tác và liên kết khu vực theo nguyên tắc cùng bàn, cùng xây và cùng hưởng, nhằm kết nối giao thông, năng lượng và thông tin.
“Sáng kiến này khả thi và hiệu quả rõ ràng, những thành tựu kinh tế của Trung Quốc trong 40 năm qua đã tạo nền tảng vững chắc cho sáng kiến này” – chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh.
PGS.TS Đặng Hoàng Linh – phó trưởng khoa kinh tế, Học viện Ngoại giao – cho rằng tham gia sáng kiến Vành đai con đường, Việt Nam có cả lợi ích lẫn thách thức.
Về mặt lợi, Việt Nam sẽ tiếp cận được nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông, gia tăng cơ hội hội nhập, trao đổi thương mại đầu tư với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, gia tăng tiềm năng du lịch giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc, cũng như duy trì lợi thế là cầu nối giao thương trong khu vực châu Á và hỗ trợ phát triển kinh tế theo chiều Đông – Tây.
Ngược lại, Việt Nam sẽ gặp nhiều rủi ro về nợ công. Bên cạnh đó, nhân công Trung Quốc sang lao động tại thị trường Việt Nam, chất lượng các dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện như dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông cũng là vấn đề đáng lo ngại.
Trong bài tham luận, PGS.TS Phùng Thị Huệ – Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – cho rằng phần đông các quốc gia dọc tuyến đường Vành đai con đường đều tồn tại tâm lý “bất thông” trên một số phương diện: an toàn môi trường, chất lượng hạ tầng, độ minh bạch trong đầu tư thương mại, đặc biệt là lòng tin về an ninh chính trị.
Trao đổi bên lề với Tuổi Trẻ, ông Lăng Đức Quyền (Trung tâm nghiên cứu các vấn đề thế giới thuộc Tân Hoa xã) nói: “Là người quan sát Việt Nam lâu năm, tôi nhận thấy Việt Nam có nhiều thành tích nổi bật và tiến bộ rõ rệt sau 30 năm đổi mới.
Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ mới trên 2.000 USD, trong khi Trung Quốc là hơn 8.000 USD.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ hơn các quốc gia như Lào, Campuchia, tụt hậu so với Thái Lan, Singapore, Malaysia. Chính vì thế Việt Nam còn nhiều việc phải làm”.