29/11/2024

Đặc khu được dành cơ chế vượt trội, thuê đất 99 năm

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định cho biết sẽ xây dựng thể chế cho các đặc khu theo hướng tăng thẩm quyền, tăng tính chịu trách nhiệm với nhiều cơ chế ưu đãi vượt trội…

 

Đặc khu được dành cơ chế vượt trội, thuê đất 99 năm

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định cho biết sẽ xây dựng thể chế cho các đặc khu theo hướng tăng thẩm quyền, tăng tính chịu trách nhiệm với nhiều cơ chế ưu đãi vượt trội…

 

 

 

Đặc khu được dành cơ chế vượt trội, thuê đất 99 năm
Một góc Phú Quốc – Ảnh: DUY KHÁNH

Đối với vấn đề nhất thể hóa chức danh, một số ý kiến thảo luận cũng ủng hộ phương án bí thư đặc khu kiêm trưởng cơ quan hành chính đặc khu để trao quyền cho người đứng đầu quyết định các nhiệm vụ, quyền hạn và chịu trách nhiệm hoàn toàn với quyết định của mình. Tuy nhiên, việc thực hiện nhất thể hóa chức danh sẽ thực hiện theo quy định riêng của Đảng, không nằm trong quy định của luật này

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định: “Trong quá trình 25 năm phát triển, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế ở nước ta có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương. Nhưng đến nay, việc phát triển và thu hút đầu tư của các mô hình kinh tế này có dấu hiệu chậm lại, gặp nhiều khó khăn, hạn chế”.

Tạo “sân chơi mới” 
hấp dẫn, thông thoáng

* Thưa Bộ trưởng, định hướng phát triển các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt có ý nghĩa thế nào trong thời điểm này?

– Việc khai thác các tiềm năng tĩnh của đất nước như tài nguyên thiên nhiên, lợi thế tự nhiên, lao động giá rẻ đã dần tới hạn, cần chuyển sang phát huy các tiềm năng động thông qua cải cách thể chế, sáng tạo, tiềm năng trí tuệ để tạo ra năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn.

 

Vì vậy, việc xây dựng mô hình đặc khu với các cơ chế, chính sách về hành chính, kinh tế đột phá, vượt trội, có đủ sức hợp tác và cạnh tranh quốc tế nhằm tạo động lực phát triển mới, có tác động lan toả tích cực ở Việt Nam là hết sức cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Chủ trương xây dựng đặc khu đã được đề cập tại Hiến pháp năm 2013, văn kiện Đại hội VIII, XI, XII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2016-2020. Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương xây dựng ba đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang). Theo đó, mục tiêu là các đặc khu của Việt Nam sẽ tạo được “sân chơi mới” hấp dẫn, minh bạch, thông thoáng, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư khu vực tư nhân, nhất là nhà đầu tư chiến lược toàn cầu.

Các đặc khu sẽ đủ sức cạnh tranh với các đặc khu kinh tế thế giới, khắc phục được những hạn chế, khó khăn mà mô hình khu kinh tế đang gặp phải.

Các đặc khu cũng sẽ có thể chế kinh tế và hành chính phù hợp với thể chế chính trị, Hiến pháp của Việt Nam để tạo một cực tăng trưởng mới, nhanh và ổn định, có tác động lan tỏa tích cực với khu vực xung quanh, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu kinh tế.

* Để đạt mục tiêu trên thì việc xây dựng thể chế hoạt động cho các đặc khu phát triển có ý nghĩa rất quan trọng. Các chuyên gia cho rằng mô hình đặc khu nên trực thuộc trung ương thay vì trực thuộc tỉnh, vậy định hướng trong dự thảo luật thiết kế mô hình tổ chức đưa ra là gì?

– Theo quy định của Hiến pháp, đặc khu có thể trực thuộc trung ương hoặc trực thuộc tỉnh. Qua thảo luận, Bộ Chính trị đã đồng ý các đặc khu trực thuộc tỉnh. Các đặc khu kinh tế này được thành lập dựa trên các khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc hiện do địa phương quản lý.

Mặc dù trực thuộc tỉnh nhưng chính quyền đặc khu có những thẩm quyền “đặc biệt”. Bên cạnh những thẩm quyền tương đương với thành phố trực thuộc tỉnh, còn được phân quyền thực hiện một số quyền và nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh trong các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư, kinh tế, tài chính, xây dựng, lao động…

Mục tiêu là giải quyết nhanh nhất các thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công cho nhà đầu tư và người dân.

Ví dụ chính quyền đặc khu là đầu mối quản lý trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh từ đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, quản lý dự án sau đầu tư…

Người đứng đầu chính quyền sẽ quyết định đầu tư nếu dự án đó phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy người đứng đầu đặc khu đòi hỏi phải có năng lực, kinh nghiệm điều hành, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư quốc tế và do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.

Đối với vấn đề nhất thể hóa chức danh, một số ý kiến thảo luận cũng ủng hộ phương án bí thư đặc khu kiêm trưởng cơ quan hành chính đặc khu để trao quyền cho người đứng đầu quyết định các nhiệm vụ, quyền hạn và chịu trách nhiệm hoàn toàn với quyết định của mình.

Tuy nhiên, việc thực hiện nhất thể hoá chức danh sẽ thực hiện theo quy định riêng của Đảng, không nằm trong quy định của luật này.

Trả lương theo yêu cầu vị trí

Tương tự các mô hình đặc khu trên thế giới, các trung tâm hành chính công sẽ được thành lập để giải quyết tất cả các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” và qua mạng. Cơ chế tiền lương sẽ thực hiện chế độ tự chủ, cán bộ công chức được hỗ trợ thêm phụ cấp, được tuyển dụng và trả lương theo yêu cầu vị trí việc làm đối với cán bộ, nhà khoa học, chuyên gia.

Đặc khu được dành cơ chế vượt trội, thuê đất 99 năm
Một góc Vân Đồn – Ảnh: HÙNG SƠN

Đề xuất không có 
HĐND ở cấp đặc khu

* Vậy dự kiến mô hình tổ chức của các đặc khu sẽ được xây dựng thế nào? Đâu là những lợi thế của mô hình này, thưa Bộ trưởng?

– Hiện nay dự thảo luật thiết kế mô hình tổ chức theo hai phương án để xin ý kiến Chính phủ. Với phương án 1, tổ chức cơ quan hành chính không có HĐND ở cấp đặc khu.

Các thẩm quyền của HĐND (là cấp huyện trước đây) sẽ được rà soát theo hướng phân quyền tối đa =cho người đứng đầu cơ quan hành chính. Một số chức năng nhiệm vụ về giám sát và quyết định các vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng, chính quyền và an sinh xã hội sẽ được giao cho HĐND cấp tỉnh thực hiện.

Ở cấp xã, phường cũng sẽ không tổ chức HĐND và UBND mà tổ chức thành các khu hành chính với chức năng là cánh tay nối dài của cơ quan hành chính cấp đặc khu, thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công cho khu vực đó.

Phương án 2 là tổ chức chính quyền địa phương một cấp có đầy đủ gồm HĐND và UBND. Tuy nhiên sẽ phân quyền tối đa cho UBND và chủ tịch UBND đặc khu trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, đất đai…

Một số nhiệm vụ về giám sát, quyết định các vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng, chính quyền và an sinh xã hội được giao cho HĐND đặc khu. Ở cấp xã, phường sẽ tổ chức thành các khu hành chính như phương án 1.

* Hiện trong quy định vẫn còn giới hạn nhiều ngành nghề đầu tư kinh doanh. Vì vậy nhiều nhà đầu tư quan tâm là ở các đặc khu có áp dụng quy định về các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hay không?

– Hoạt động đầu tư kinh doanh được đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước với nước ngoài.

Dự thảo luật cũng cho phép nhà đầu tư được lựa chọn luật nước ngoài để điều chỉnh hợp đồng đầu tư, thương mại, dân sự có yếu tố nước ngoài; hoặc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn giải quyết tranh chấp tại tòa án nước ngoài có thẩm quyền.

Đặc khu cũng sẽ áp dụng các chính sách mở cửa thị trường, như mở cửa lĩnh vực phân phối cho một số sản phẩm chưa được quy định trong WTO và một số hiệp định thương mại tự do.

Các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện với 243 danh mục ngành nghề cũng sẽ được rút xuống tối đa, chỉ giữ lại một số ngành thật sự đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe.

Đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng và UBND cấp tỉnh; các dự án PPP và dự án đầu tư ra nước ngoài sẽ không cần phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư cũng như cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Thời hạn sử dụng đất đến 99 năm

* Cơ chế về đầu tư đã mở nhưng điều quan trọng nhất vẫn là các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, liệu có gì vượt trội hơn so với các địa phương?

– Một trong những chính sách quan trọng là đất đai, sở hữu nhà ở. Theo đó, sẽ cho phép thời hạn sử dụng đất tối đa 99 năm đối với một số ngành nghề ưu tiên phát triển nếu được Thủ tướng đồng ý.

Tuy nhiên, xin lưu ý là không phải nhà đầu tư nào cũng được hưởng ưu đãi này, mà tùy vào từng lĩnh vực và địa bàn, ví dụ như ở Vân Đồn thì chỉ các nhà đầu tư lĩnh vực công nghệ cao mới có được ưu đãi này.

Các tổ chức kinh tế trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài. Người nước ngoài cũng được sở hữu nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng tại đặc khu gắn với một số điều kiện.

Ngoài ra, các chính sách ưu đãi đầu tư sẽ áp dụng hấp dẫn, linh hoạt từng ngành nghề. Cụ thể, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, đất đai, sử dụng đất theo hai mức là đối với ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư như khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, khởi nghiệp và sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, dự án y tế, giáo dục chất lượng cao… sẽ được hưởng ưu đãi cao nhất, vượt các ưu đãi áp dụng cho các khu kinh tế, khu công nghệ cao hiện nay.

Chưa kể sẽ có chính sách bầu trời mở, cho phép các hãng hàng không quốc tế được vận chuyển hàng không kết hợp nhiều điểm, trong đó có ít nhất một điểm đến tại đặc khu để thu hút khách du lịch.

Bộ Chính trị cũng đã đồng ý về mặt nguyên tắc việc xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp có casino tại ba khu vực này. Hiện một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực như Singapore, Macau, Hong Kong, Campuchia đều áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với casino thấp hơn quy định hiện hành. Do đó, ban soạn thảo đang đánh giá, so sánh để nghiên cứu và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định phương án phù hợp.

Đặc khu được dành cơ chế vượt trội, thuê đất 99 năm
Dự kiến nguồn thu và các giá trị tạo ra tại các đặc khu đến năm 2020 – Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Mỗi đặc khu sẽ khai thác lợi thế riêng

– Vân Đồn: Phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, công nghiệp văn hóa, dịch vụ hàng không và hậu cần hàng không, dịch vụ thương mại và mua sắm quốc tế.

– Bắc Vân Phong: Phát triển các ngành công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí; phát triển cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế; dịch vụ hậu cần cảng biển; trung tâm thương mại – tài chính gắn với cảng biển.

– Phú Quốc: Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế, dịch vụ thương mại và mua sắm quốc tế cao cấp; dịch vụ quản lý tài sản; dịch vụ y tế.

Ông Nguyễn Đức Long (chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh):

Nhà đầu tư đang 
rất mong chờ

Đặc khu được dành cơ chế vượt trội, thuê đất 99 năm

Ông Nguyễn Đức Long

Việc các cơ quan trung ương vừa qua đưa ra lấy ý kiến của các chuyên gia về dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt để trình Quốc hội trong thời gian tới đã tác động tích cực đến việc các nhà đầu tư lớn quan tâm đầu tư vào khu hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

Hiện nay, Vân Đồn đã có một số nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư hoặc nghiên cứu tìm hiểu như Sun Group đang đầu tư vào sân bay Vân Đồn, khu lõi nghỉ dưỡng phức hợp, FLC nghiên cứu quy hoạch đảo Ngọc Vừng…

Tuy nhiên, một số đơn vị, đặc biệt là những nhà đầu tư lớn nước ngoài có tiềm lực kinh tế, mới chỉ dừng ở mức thăm dò, khảo sát, họ rất mong muốn có một cơ sở pháp lý, chính sách hấp dẫn đặc biệt có tính ổn định lâu dài để yên tâm đầu tư.

Ông Trần Thanh Việt 
(giám đốc Sở Nội vụ Kiên Giang):

Áp dụng mô hình lãnh đạo công – quản trị tư

Đặc khu được dành cơ chế vượt trội, thuê đất 99 năm

Ông Trần Thanh Việt

Một trong những nội dung mang tính đột phá trong tổ chức bộ máy ở đặc khu Phú Quốc là sẽ áp dụng mô hình lãnh đạo công – quản trị tư.

Trên cơ sở phân tích các hình thức hợp tác công tư, đề án đề xuất theo hướng khuyến khích mở rộng tối đa sự tham gia của khu vực tư nhân và giảm thiểu sự tham gia quản lý, điều hành của khu vực nhà nước.

Trên nguyên tắc phù hợp với khả năng kiểm soát rủi ro của Nhà nước và hiệu quả xã hội, vai trò, vị trí của khu vực tư nhân sẽ được cụ thể hóa trong Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Trước hết, tập trung vào các lĩnh vực: cung cấp dịch vụ công, các lĩnh vực có thể áp dụng phương thức đối tác công – tư (PPP).

Ông Hoàng Đình Phi (trưởng ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong):

Khánh Hòa đề xuất 
thực hiện “bầu trời mở”

Đặc khu được dành cơ chế vượt trội, thuê đất 99 năm

Ông Hoàng Đình Phi

Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong đặt tham vọng sẽ trở thành cảng biển quốc tế, trung tâm tài chính, du lịch hiện đại có casino, dịch vụ y tế, giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế, phát triển và chuyển giao công nghệ ngang tầm thế giới. Để đạt những điều này, tỉnh Khánh Hoà xin Chính phủ cho đặc khu này hưởng cơ chế đặc thù đối với chính quyền cảng biển.

Theo đó, Khánh H xin được áp dụng “bầu trời mở” trong hoạt động xuất nhập cảnh ở đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong để bảo đảm thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch và đi lại. Người nước ngoài được miễn thị thực với thời gian lưu trú đến 30 ngày, thương nhân có nhu cầu lưu trú dài hạn thì được cấp thẻ tạm trú theo quy định.

Khánh H đề xuất Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế chỉ định nhà đầu tư phát triển đặc khu có năng lực, kinh nghiệm tham gia cùng địa phương lựa chọn tư vấn quốc tế để nghiên cứu xây dựng định hướng phát triển ngành nghề, cơ chế, chính sách cũng như quy hoạch, đầu tư phát triển đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong…

Đức Hiếu – Trung Tân 
- Khoa Nam ghi


NGỌC AN