26/12/2024

Vũ khí thế giới dồn về châu Á

Chiến tranh và xung đột đã thúc đẩy nhiều nước thuộc châu Á, châu Đại Dương và Trung Đông gia tăng nhập khẩu vũ khí trong 5 năm qua.

 

Vũ khí thế giới dồn về châu Á

Chiến tranh và xung đột đã thúc đẩy nhiều nước thuộc châu Á, châu Đại Dương và Trung Đông gia tăng nhập khẩu vũ khí trong 5 năm qua.


 
 
Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2013 - 2017
 
Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2013 – 2017

 
Ngày 12.3, Viện Nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển) công bố dữ liệu mới cho thấy lượng giao dịch vũ khí trên thế giới từ năm 2013 – 2017 tăng 10% so với giai đoạn 2008 – 2012. Châu Á và châu Đại Dương là khu vực mua vũ khí lớn nhất, chiếm 42% tổng giá trị nhập khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn này.
 
Trong đó, Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất, với khí tài Nga chiếm tới 62% tổng giá trị các hợp đồng. Ngoài ra, lượng vũ khí Mỹ chảy vào Ấn Độ cũng tăng lên hơn 6 lần trong 5 năm qua. “Căng thẳng giữa Ấn Độ với Pakistan và Trung Quốc đang góp phần làm gia tăng nhu cầu sắm vũ khí của Ấn Độ, nước vẫn chưa đủ sức chế tạo các dòng khí tài chủ lực”, chuyên gia SIPRI Siemon Wezeman nhận định trong thông cáo đăng trên website của viện nghiên cứu này. Trong khi đó, cũng theo ông Wezeman, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh sản xuất vũ khí nội địa, đồng thời tăng cường quan hệ với Myanmar, Pakistan và Bangladesh thông qua hoạt động cung cấp vũ khí. Từ năm 2013 – 2017, Trung Quốc cung cấp lần lượt 68%, 70% và 71% vũ khí nhập khẩu của Myanmar, Pakistan và Bangladesh.
 
Trong khi đó, Trung Quốc đã giảm mua vũ khí 19% trong giai đoạn 2013 – 2017, nhưng vẫn là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ năm thế giới, đứng trên Úc. Cũng theo SIPRI, một diễn biến đáng chú ý khác ở châu Á là lượng vũ khí nhập khẩu của Indonesia đã tăng 193% so với giai đoạn 2008 – 2012.
 
 
Vũ khí thế giới dồn về châu Á1

Trung Quốc cung cấp 70% lượng vũ khí nhập khẩu của Pakistan từ năm 2013 – 2017  ẢNH: AFP

 
Ngoài châu Á và châu Đại Dương, Trung Đông, với nhiều quốc gia đang dính vào các cuộc xung đột, cũng nằm trong số khu vực có sự gia tăng đáng kể về nhập khẩu vũ khí. Theo SIPRI, lượng vũ khí nhập khẩu của các nước Trung Đông từ năm 2013 – 2107 tăng 103% so với giai đoạn 2008 – 2012, chiếm 32% trong tổng số vũ khí nhập khẩu trên toàn thế giới. Trong đó, Ả Rập Xê Út, đang tiến hành cuộc chiến chống lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen, là quốc gia nhập khẩu lớn thứ 2 trên thế giới, với mức mua sắm khí tài trong năm 2013 – 2017 tăng 225% so với giai đoạn 2008 – 2012. Hơn 60% lượng vũ khí nhập khẩu của Ả Rập Xê Út do Mỹ cung cấp và 23% đến từ Anh. Đứng sau Ả Rập Xê Út là Ai Cập, với lượng khí tài nhập khẩu tăng 215%, còn vị trí thứ tư thuộc về UAE. Qatar, quốc gia nhập khẩu vũ khí đứng thứ 20 trên thế giới, cũng đã gia tăng mua mặt hàng này và ký nhiều hợp đồng lớn trong 5 năm qua.
 
Lượng vũ khí nhập khẩu của các nước châu Phi, châu Âu và châu Mỹ từ năm 2013 – 2017 giảm trung bình lần lượt 22%, 29% và 22% so với giai đoạn 2008 – 2012. Đáng chú ý là Venezuela đã giảm lượng khí tài quân sự nhập khẩu tới 40%, theo SIPRI.
 
Những “đại gia” xuất khẩu vũ khí
Theo dữ liệu của SIPRI, xuất khẩu vũ khí của Mỹ trong giai đoạn 2013 – 2017 tăng 25% so với 5 năm trước đó, chiếm 35% tổng lượng vũ khí xuất khẩu toàn cầu. Tổng giá trị vũ khí Mỹ bán cho các nước từ năm 2013 – 2017 cao hơn Nga, quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu khí tài quân sự, tới 58%. Lượng vũ khí xuất khẩu của Nga lại giảm 7,1% so với giai đoạn 2008 – 2012. Trong khi đó, xuất khẩu vũ khí của Pháp từ 2013 – 2017 tăng tới 27% so với 5 năm trước, trở thành quốc gia đứng thứ 3 thế giới về lĩnh vực này, trên cả Đức (chiếm vị trí thứ tư). Quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 thế giới là Trung Quốc, với mức tăng 38% so với giai đoạn 2008 – 2012. Ngoài ra, Israel, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có sự gia tăng xuất khẩu vũ khí đáng kể, với các mức tăng tương ứng là 55, 65 và 145%, so với giai đoạn 2008 – 2012.

VĂN KHOA