Khu đô thị bán đảo Linh Đàm khổ vì thiếu nước
Hàng nghìn cư dân ở khu đô thị bán đảo Linh Đàm (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) đang khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt kéo dài.
Khu đô thị bán đảo Linh Đàm khổ vì thiếu nước
Hàng nghìn cư dân ở khu đô thị bán đảo Linh Đàm (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) đang khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt kéo dài.
Phải thuê nhà nghỉ để tắm
Đưa vào sử dụng hơn 10 năm nay, khu đô thị (KĐT) bán đảo Linh Đàm (do Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị – HUD, làm chủ đầu tư) được coi là hình mẫu của KĐT văn minh, hiện đại. Nhưng gần 3 tháng qua, cuộc sống của hàng nghìn cư dân ở chung cư Nơ 4, Nơ 6A, Nơ 6B, Nơ 8, Nơ 9A, Nơ 9B và Nơ 10 của KĐT này bị đảo lộn vì thiếu nước sinh hoạt.
Ông Đặng Ngọc Sợi, Trưởng ban Quản trị chung cư Nơ 8 cho biết từ khoảng cuối tháng 7 đến nay, bể ngầm của đa số các nhà chung cư nêu trên gần như không có nước sạch chảy vào. Ban Quản trị toà nhà Nơ 8 không ít lần phản ánh tới đơn vị cấp nước là Xí nghiệp 1 thuộc Công ty TNHH MTV dịch vụ nhà ở và khu đô thị (HUDS, công ty con của HUD) nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để. “HUDS cam kết mỗi ngày cung cấp 5 xe téc nước sạch cho bà con nhưng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu vệ sinh tối thiểu. Nước tắm, giặt, nấu ăn gần như không có, các hộ phải mua nước đóng bình với giá cao hoặc đi ăn ngoài”, ông Sợi nói.
“Vợ tôi phải đưa 2 con sang nhà ngoại ở Q.Đống Đa, còn tôi thì tắm ở cơ quan. Ông, bà nội tranh thủ hứng được ít nước từ xe téc thì tắm tạm. Hôm nào muốn tắm kỹ, cả nhà phải ra nhà nghỉ thuê phòng. Quần áo đưa ra tiệm giặt ủi, tốn kém lắm”, anh Trần Văn Tùng (40 tuổi, ngụ chung cư Nơ 6B) cho hay.
Một số cư dân ở KĐT bán đảo Linh Đàm cho rằng hệ thống cấp nước sạch do HUDS đầu tư nhiều năm, nay đã xuống cấp. Cư dân tăng nhanh, đặc biệt từ khi các tòa chung cư VP5, VP3… bàn giao cho cư dân mới về ở, nhưng hạ tầng cấp nước cứ “mòn” đi, tình trạng thiếu nước sinh hoạt là khó tránh.
TIN LIÊN QUAN
Dân chung cư Hà Nội điêu đứng vì ‘khát’ nước
Thời gian gần đây, nhiều khu dân cư ở Hà Nội bị mất nước sinh hoạt kéo dài, khiến cuộc sống của người dân khốn khổ.
Thiếu nước là hiển nhiên !
Trả lời Thanh Niên, lãnh đạo HUDS thừa nhận tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng tại các chung cư nêu trên ở KĐT bán đảo Linh Đàm. Nguyên nhân do gần đây nguồn cấp từ Công ty CP đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco) cho KĐT này bị sụt giảm từ 2.300 m3/ngày đêm xuống còn chưa đầy 2.000 m3/ngày đêm. Thêm vào đó, đường ống nước sạch sông Đà gặp sự cố vào cuối tháng 7 vừa qua, trong khi KĐT này ở cuối nguồn nên tình trạng thiếu nước là khó tránh. Hiện lượng nước sạch của KĐT do nhà máy sản xuất nước của HUDS cấp là hơn 1.300 m3/ngày đêm, không có khả năng sản xuất được thêm vì giếng đã cạn kiệt nước ngầm. HUDS đã dùng xe téc cấp nước bổ sung nhưng không thể đáp ứng đủ.
Ông Nguyễn Anh Việt, Tổng giám đốc Viwaco, cho biết trước đây nước sạch cấp cho KĐT bán đảo Linh Đàm do HUDS đảm trách. Do nhu cầu tăng nhanh nên HUDS mua bổ sung nước sạch từ Viwaco. Tuy nhiên, giếng ngầm cấp nước của HUDS bị cạn kiệt nên hiện nước sạch của Viwaco trở thành nguồn chính cho KĐT này. “Trước đây, nước từ Viwaco chỉ là nguồn bổ sung nên hạ tầng đường ống vào khu Linh Đàm chỉ lắp đặt ống nhỏ. Đến nay, nhu cầu nước sạch tăng cao thì hạ tầng cấp nước không thể đáp ứng kịp. KĐT thiếu nước sạch là hiển nhiên”, ông Việt nói.
Theo ông Việt, trước mắt Viwaco không thể đẩy mạnh cấp nước cho KĐT bán đảo Linh Đàm vì ngoài nguyên nhân hạ tầng thì chính nguồn cấp nước sạch từ sông Đà cũng hạn chế bởi đường ống nước sạch sông Đà yếu, dễ gặp sự cố. Lãnh đạo Viwaco cho biết hiện công ty đã cấp nước trực tiếp cho toàn bộ khu chung cư HH, VP6, khu tây nam hồ Linh Đàm. Khoảng cuối tháng 8, sẽ cấp trực tiếp thêm cho chung cư VP5 và VP3. Từ đó, nguồn nước sạch của HUDS có thể tập trung hơn cho các khu chung cư Nơ 6, Nơ 8, Nơ 9, Nơ 10 thì tình trạng thiếu nước sẽ được cải thiện hơn. Về lâu dài, cần rà soát, tính toán đầu tư thêm hạ tầng đường ống cấp nước cho toàn bộ KĐT.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư VN chỉ ra nguyên nhân sâu xa của tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt ở KĐT bán đảo Linh Đàm là quy hoạch xây dựng bị phá vỡ, dân số tăng nhanh trong thời gian ngắn, hạ tầng xã hội, trong đó có hệ thống cấp nước không đáp ứng kịp. “Thiếu nước sinh hoạt là biểu hiện rất rõ của tình trạng quy hoạch xây dựng bị phá vỡ. Trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan chức năng liên quan đã buông lỏng quản lý, để mật độ dân số tăng nhanh, gây sốc cho hạ tầng, kéo lùi chất lượng cuộc sống của cư dân KĐT từng được coi là kiểu mẫu của cả nước”, kiến trúc sư Tùng nói.
|
Lê Quân