Sôi động cuộc thi robot khởi nghiệp
Diễn ra từ 18 – 20.8, cuộc thi Sáng tạo robot dành cho học sinh THPT Đà Nẵng mở rộng (ROBODNIC 2017) đã tạo dấu ấn về một sân chơi khoa học công nghệ, sáng tạo dành cho học sinh miền Trung.
Sôi động cuộc thi robot khởi nghiệp
Diễn ra từ 18 – 20.8, cuộc thi Sáng tạo robot dành cho học sinh THPT Đà Nẵng mở rộng (ROBODNIC 2017) đã tạo dấu ấn về một sân chơi khoa học công nghệ, sáng tạo dành cho học sinh miền Trung.
Qua 5 lần tổ chức, ROBODNIC 2017 không chỉ lan tỏa tinh thần sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong học sinh mà còn truyền cảm hứng khởi nghiệp, thúc đẩy tự động hóa, ứng dụng khoa học công nghệ với chủ đề “Khởi nghiệp vươn đến tương lai”. Theo đó, 2 robot tham gia thi phải gắp những cấu kiện xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, và một trong hai robot sẽ có nhiệm vụ leo lên đài vinh quang, gắp dùi trống và đánh 3 tiếng trống khởi nghiệp để ghi chiến thắng tuyệt đối.
TIN LIÊN QUAN
Cậu học trò thành phố ‘nằm trên bàn nghe giảng’ sáng chế robot siêu thông minh
Từ lúc mới biết đi, đôi chân của Hải đã không được bình thường. Thấy con đi không vững, thân hình lại nhỏ hơn so với tuổi, gia đình cứ tưởng Hải bị suy dinh dưỡng. Năm lên 4 tuổi, đang đi tự dưng bị ngã và không đứng lên được, từ đó Hải ngồi một chỗ.
Ngay từ những trận đấu đầu tiên, LQD-Inventors (Đà Nẵng) đã thể hiện là một trong những đội mạnh trong số 26 đội chơi, với những màn đấu bất bại của cặp robot. Đội trưởng LQD-Inventors là Nguyễn Nhật Quang, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng, cho biết ở sân chơi năm nay, LQD-Inventors nghiên cứu chủ đề rất kỹ và đưa ra chiến thuật đặc biệt. Thay vì các robot làm nhiệm vụ gắp cấu kiện và leo lên đài vinh quang thì một robot của LQD-Inventors được thiết kế chức năng nâng đỡ robot còn lại lên bục cao 25 cm với độ dốc 30 độ. “Robot tự leo dốc sẽ rất rủi ro nên LQD-Inventors nghiên cứu bộ nâng đỡ này, như vậy cặp robot sẽ phối hợp nhịp nhàng để giành chiến thắng và trở thành hàng độc vì không đội nào có”, Nhật Quang tự tin cho biết.
Tham gia cuộc thi, các đội còn học được cách hoàn thiện sáng chế của mình qua các trận đấu. Thành viên đội ReAlumium (Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng), cho biết qua các trận, robot của ReAlumium hoạt động ổn định dần, điều chỉnh động tác cũng chính xác hơn. “Bài học ở đây là phải tự mình làm và tự mình hoàn thiện từng bước, từ đó sẽ có những bước tiến vững chắc”, Đỗ Văn Thành Lễ, thành viên ReAlumium cho biết.
Xuất hiện khá ấn tượng ở sân chơi này là đội 3T.Full HD (với các thành viên Trường THPT Hoàng Diệu và THPT Phạm Phú Thứ, tỉnh Quảng Nam). Một cặp robot khá thô sơ với những cử động khá cứng nhưng là sản phẩm được làm từ những cấu kiện tự chế, thu lượm từ một số chi tiết máy móc bỏ đi. “3T.Full HD được đội mày mò làm theo những kiến thức đã học và hoàn toàn không có người hướng dẫn nhưng hoạt động khá ổn định và linh hoạt. Các thành viên chỉ cần được chơi, được thỏa mãn đam mê là đủ”, Trương Minh Xuân Tùng, thành viên 3T.Full HD, hào hứng.
Đây là sân chơi có thể khai thác, phát huy kiến thức của học sinh THPT như cơ học, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện tử. Mỗi thành viên trong đội đều có những thế mạnh nhất định như thiết kế 3D, cơ khí, mạch điện… và điểm chung là đam mê nghiên cứu khoa học, có tinh thần đồng đội, làm việc tập thể để phát huy hiệu quả tối ưu.
Với các học sinh yêu thích sáng tạo, đam mê khoa học công nghệ ở miền Trung thì sân chơi này đáng được trông đợi nhất, bởi đằng sau những trận đấu quyết liệt là sự nhiệt huyết, đam mê. “Đó là sự tự tin của những bạn trẻ mong muốn làm chủ công nghệ, tự mình làm ra sản phẩm phục vụ nền công nghiệp cơ giới hóa, tự động hoá, và phát triển trí tuệ nhân tạo. Và đích đến của sân chơi chính là tinh thần khởi nghiệp, muốn tiếng trống khởi nghiệp bằng chính trí tuệ của người trẻ, của sức mạnh công nghệ được vang xa…”, ông Huỳnh Phước, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học – kỹ thuật TP.Đà Nẵng, đơn vị tổ chức cuộc thi 5 năm liền, khẳng định.
TIN LIÊN QUAN
Robot nông nghiệp của 3 chị em
3 chị em là Nguyễn Thị Thùy Trang, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM; Nguyễn Thị Bích Vân, cựu học sinh Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng và Nguyễn Công Minh, học sinh lớp 11 Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng đã nghiên cứu và phát triển dự án Gardenbot – Robot nông nghiệp.
Kết quả, chức vô định ROBODNIC 2017 đã thuộc về đội DNL (Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) với giá trị giải thưởng là 15 triệu đồng. Xếp thứ nhì là đội SPN 55 (Trường THPT Nguyễn Trãi, Đà Nẵng) với giá trị giải thưởng 8 triệu đồng. Giải ba thuộc về LQD Inventors (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng) với giá trị giải thưởng 5 triệu đồng. Giải khuyến khích là đội QN CKT (Quảng Nam), giải Sáng tạo thuộc về đội ELNINO (THPT Tôn Thất Tùng và Ngô Quyền, Đà Nẵng), giải Phong cách thuộc về đội 7UP (THPT chuyên Lê Quý Đôn), với đồng giá trị giải thưởng là 2 triệu đồng.
|
An Dy