Ra mắt bộ sử Việt lớn nhất từ trước đến nay
Trong bộ Lịch sử Việt Nam do Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN biên soạn, giới thiệu sáng 18.8, đã có phần nói về chiến tranh biên giới, nêu rõ cuộc chiến tranh biên giới phía bắc là Trung Quốc xâm lược VN.
Ra mắt bộ sử Việt lớn nhất từ trước đến nay
Trong bộ Lịch sử Việt Nam do Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN biên soạn, giới thiệu sáng 18.8, đã có phần nói về chiến tranh biên giới, nêu rõ cuộc chiến tranh biên giới phía bắc là Trung Quốc xâm lược VN.
Được in xong và nhận giải thưởng sách hay của năm 2015, tuy nhiên, phải đến hôm qua (18.8), bộ sách Lịch sử Việt Nam do Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN (VASS) biên soạn mới được làm lễ ra mắt. Theo VASS, do kinh phí, ở lần xuất bản đầu tiên chỉ có 500 bản sách được in. Chính vì thế, lần tái bản đầu tiên này cũng là dịp đầu tiên để bộ sách dày hơn 10.000 trang (bộ sử VN lớn nhất từ trước tới nay) có thể tiến ra thị trường, tiếp cận độc giả nhiều hơn. TS Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH-TT-DL), cũng cho rằng bộ sách này khi tái bản, đưa tới các thư viện sẽ trở thành nguồn tư liệu tham khảo quý về lịch sử.
“Bộ sách Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến năm 2000 được hoàn thành trên cơ sở Chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp bộ, do Viện Sử học là cơ quan chủ trì… Bộ sách kế tục những tri thức cơ bản trong các công trình nghiên cứu, các sách, hoặc các bộ sách đã xuất bản trước đây về lịch sử VN. Sách cũng chú trọng việc bổ sung những kết quả nghiên cứu mới nhất của các ngành khoa học xã hội và nhân văn như: sử học, khảo cổ học, dân tộc học, tôn giáo học và văn hóa học”, PGS-TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học, nói.
Chân thực, khách quan về chiến tranh biên giới
PGS-TS Trần Đức Cường, nguyên Phó chủ tịch VASS, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, nhấn mạnh: “Trong sách, hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía tây nam và biên giới phía bắc được nhắc đến, không phải chỉ có 8 dòng như trong sách giáo khoa mà nói kỹ hơn nhiều”.
Cụ thể, PGS-TS Trần Đức Cường cho biết phần chiến tranh biên giới được khẳng định quan điểm rõ ràng: “Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới tây nam là rất rõ rồi. Rõ ràng, chúng ta từ 1975 sau khi thống nhất đất nước thì tập đoàn Pol Pot, Khieu Samphan, Ieng Sary đánh sang VN ngay. Và chúng ta có cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của mình. Thứ hai nữa là đáp ứng yêu cầu của những người yêu nước Campuchia, chúng ta cho quân tình nguyện sang giúp các bạn đánh bọn diệt chủng, giải phóng đất nước, rồi lại trao lại cho họ”.
Về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc, ông Cường nói: “Khi Trung Quốc gây nên cuộc chiến tranh ở phía bắc nước ta, chúng ta đã có cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc trên toàn tuyến biên giới từ Lai Châu cho đến Quảng Ninh. Cuộc chiến đấu ấy đã rất quyết liệt. Trong cuốn sử này, chúng tôi nói rõ bao nhiêu quân Trung Quốc (600.000 quân); bao nhiêu xe tăng, bao nhiêu đại bác. Điều ấy nói rõ đó là cuộc chiến tranh xâm lược. Anh vào sâu đất nước người ta 30 cây số mà không bảo là xâm lược thế nào được. Trận chiến đó cũng không gói gọn trong tháng 2.1979 mà còn kéo rất dài. Cán bộ chiến sĩ của chúng ta còn phải hy sinh rất nhiều xương máu để đến khoảng năm 1988 mới thực sự có hoà bình ở biên giới phía bắc. Bộ sử cũng nói rõ điều đó”.
Theo PGS-TS Đinh Quang Hải, các nhà nghiên cứu của bộ sách này muốn phản ảnh chân thực nhất, khách quan nhất, đặc biệt là về chiến tranh biên giới phía bắc. “Chúng tôi tin tưởng các số liệu tư liệu công bố trong bộ này đảm bảo tính khách quan tương đối cao”.
Toàn diện hơn
Theo PGS-TS Trần Đức Cường, bộ lịch sử mới đã bổ khuyết được nhiều vấn đề mà các bộ sử, các công trình sử học trước đó chưa có điều kiện nghiên cứu. “Chưa có điều kiện là cả về tư liệu lẫn nhận thức. Vấn đề nhận thức cũng có cả của giới sử học lẫn của xã hội. Ngày xưa, chúng ta vẫn gọi là ngụy quân ngụy quyền. Nhưng bây giờ chúng ta viết là chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn. Cái đó có phải là ngay một chốc một lúc mà được sự ủng hộ của người đọc đâu. Bây giờ viết trung tính hơn như vậy nhưng chúng ta cũng biết người đọc còn có những đánh giá khác cần trao đổi”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, bộ sử mới này có nhiều điểm mới. Thứ nhất, tuy vẫn khẳng định văn hóa VN, nhà nước VN hình thành sớm song đất nước VN đã được nhìn nhận trên cơ sở của 3 vương quốc cổ đại đã từng tồn tại. “Đó là văn hoá Đông Sơn với vương quốc Âu Lạc. Văn hoá Sa Huỳnh mà biểu hiện của nó là sự hình thành và phát triển của vương quốc Chămpa. Văn hóa Óc Eo với sự phát triển của vương quốc Phù Nam. Chúng ta tránh được điều trước đó nhiều nhà sử học mắc phải là viết về lịch sử VN nhưng thực tế là lịch sử của người Việt, của vương quốc Âu Lạc”, ông Cường nói.
Điểm mới thứ hai là các quan điểm mới trong đánh giá các vương triều, trong đó có nhà Nguyễn, nhà Mạc… Chẳng hạn, với vương triều Mạc, các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận đó là một trong những vương triều có đóng góp trong lịch sử VN. Vương triều này đã giúp giải quyết được các vấn đề khủng hoảng kinh tế xã hội thời Lê. Hay triều Nguyễn cũng được nhìn nhận với cả những thành tựu lẫn sai lầm. Họ có công lớn lao là thống nhất đất nước, khẳng định chủ quyền quốc gia. Nhưng họ cũng không chấp nhận cải cách khiến đất nước chúng ta lạc hậu đi, vì thế, khi đối diện với cuộc xâm chiếm với thế lực tư bản lúc bấy giờ thì họ để đất nước rơi vào tay ngoại bang. “Đánh giá nhà Nguyễn như thế là rõ ràng. Cái gì ưu điểm thì nói rõ. Đánh giá khách quan hơn so với trước đây. Bộ sử này bước đầu đã nêu được những điều đó”, ông Cường nói.
Cũng trong sáng 18.8, VASS còn công bố những bộ sách trọng điểm khác. Đó là bộ sách Văn hoá biển đảo Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa dân gian gồm 2 tập, tuyển chọn 189 bài viết.
VASS còn công bố bộ sách Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gồm 60 tác phẩm, như: Cốt cách Hồ Chí Minh, Văn hoá minh triết Hồ Chí Minh, Tấm gương tự học của Bác Hồ, Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề học tập…
Một số cuốn sách khác cũng ra mắt cùng ngày: 400 năm chữ quốc ngữ, phát triển và đóng góp vào văn hoá VN, Lược sử Việt ngữ học.
|
Trinh Nguyễn