Happyland trong vòng xoáy nợ nần
Năm 2011, Happyland được khởi công rầm rộ với tuyên bố 3 năm sau dự án “vui chơi, giải trí lớn nhất Đông Nam Á” này sẽ đưa vào khai thác, tuy nhiên đến thời điểm này nhiều hạng mục xây dựng vẫn dở dang.
Happyland trong vòng xoáy nợ nần
Năm 2011, Happyland được khởi công rầm rộ với tuyên bố 3 năm sau dự án “vui chơi, giải trí lớn nhất Đông Nam Á” này sẽ đưa vào khai thác, tuy nhiên đến thời điểm này nhiều hạng mục xây dựng vẫn dở dang.
Dự án Happyland – Ảnh: SƠN LÂM |
Chỉ vài ngày nữa là lấy được tiền và sẽ thanh toán mọi khoản nợ ngay |
Bà PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO |
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần xác nhận với Tuổi Trẻ về việc Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An đã được ủy thác để tiến hành kê biên tài sản, thi hành án đối với dự án khu phức hợp giải trí Happyland (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, Long An) với số tiền lên đến gần 800 tỉ đồng.
Chủ đầu tư dự án Happyland chính là Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Phú An (Công ty Phú An) thuộc Công ty CP Tập đoàn Khang Thông nức tiếng một thời.
Khởi công rầm rộ…
Năm 2011, dự án Happyland được khởi công rầm rộ ở xã Thạnh Đức. Vào thời điểm đó, chủ đầu tư – Công ty Phú An – tuyên bố chỉ sau 3 năm, tức năm 2014, dự án “vui chơi, giải trí lớn nhất Đông Nam Á” này sẽ đưa vào khai thác.
Theo thiết kế, dự án trải dài 3,7km dọc theo sông Vàm Cỏ Tây mang tên Happyland này sẽ là khu phức hợp hoành tráng, gồm nhiều hạng mục đẳng cấp như: Disneyland, Universal Studio…
Ngoài ra, dọc theo bờ sông sẽ bố trí đầy đủ các hạng mục giải trí từ khinh khí cầu bay, lâu đài rượu, làng Việt Nam đến phim trường, nhà cổ, thành phố đồ chơi, khách sạn 5 sao…
Để chuẩn bị cho dự án được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á này, Tập đoàn Khang Thông đã đầu tư một cách bài bản: từ việc trả trước toàn bộ chi phí thuê đất 50 năm, tự đào tạo đội ngũ nhân viên… đến việc chuẩn bị 15ha đất tại tỉnh Lâm Đồng để nuôi, trồng cây xanh đáp ứng cho nhu cầu của dự án.
Ngay trong buổi lễ khởi công, chủ đầu tư dự án cho biết đã được hơn 10 nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tham gia cùng dự án. Trong đó, nhà đầu tư Nga tham gia xây dựng hạng mục khu nhà ở và làng Nga.
Một công ty kinh doanh khách sạn của Hong Kong tham gia kết nối mở tour để đưa du khách từ 10 nước đến nghỉ ngơi tại Happyland. Đặc biệt, tại buổi lễ khởi công còn có sự hiện diện của ông Joe Jackson (cha của huyền thoại âm nhạc thế giới Michael Jackson).
Ông là người đại diện cho Tập đoàn Dougherty Sims Investment Macau (Mỹ) đến ký kết xây dựng một khách sạn 5 sao nằm trong Happyland đã làm tăng thêm sự hoành tráng của dự án.
Tài khoản hết sạch tiền
Tuy nhiên, đến thời điểm này khu vui chơi giải trí Happyland vẫn chưa được khai trương như cam kết ban đầu. Dưới đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, dọc theo sông Vàm Cỏ Tây, bên cạnh một số hạng mục về cổng, nhà ở, khinh khí cầu, trường đua… thì vẫn còn một số hạng mục đang xây dựng dở dang.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, phía Thi hành án tỉnh Long An đã xác minh cho thấy Công ty Phú An hiện nay không còn số dư trong tài khoản. Thậm chí chủ dự án còn đang nợ tiền của công nhân và tiền thu hồi đất (do sót thửa, sót diện tích) chưa đền bù xong.
Ngay cả chiếc ôtô mà bà Phạm Thị Phương Thảo (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Khang Thông) đang sử dụng, qua xác minh của Phòng CSGT TP.HCM thì Công ty Phú An và các cổ đông của công ty không phải là người đứng tên sở hữu.
Tháng 5-2017, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An đã thông qua kế hoạch cưỡng chế thi hành án để kê biên tài sản đối với Công ty Phú An.
Tài sản phải kê biên gồm quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tổng cộng hơn 74ha và toàn bộ tài sản sẽ hình thành trong tương lai của hơn 86,4ha đất trong khu công nghiệp tại xã Thạnh Đức (Bến Lức, Long An).
Tuy nhiên, khi đoàn cưỡng chế đến thực hiện, đại diện Công ty Phú An đã xin tạm dời lại 2 tháng với lý do đang xúc tiến việc chuyển nhượng cổ phần của công ty.
Đến đầu tháng 8-2017, đại diện Công ty Phú An lại tiếp tục xin gia hạn đến cuối tháng 8 để giải quyết nợ nần vì công ty đã ký được hợp đồng với một đối tác từ nước ngoài.
Ngày 13-8, trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, bà Phương Thảo xác nhận thông tin trên. “Hiện chúng tôi đang tiến hành thủ tục bán cổ phần, chỉ vài ngày nữa là lấy được tiền và sẽ thanh toán mọi khoản nợ ngay”.
Được biết, Công ty Phú An được Sở Kế hoạch – đầu tư tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần gồm 4 cổ đông sáng lập là anh chị em ruột, do bà Phạm Thị Phương Thảo làm chủ tịch HĐQT, hoạt động với 46 ngành, nghề kinh doanh.
Tuy nhiên từ tháng 2-2015, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam tại TP.HCM đã ra 2 phán quyết buộc Công ty Phú An phải trả cho một công ty từ Nga số tiền hơn 5,125 triệu USD (gồm 4,5 triệu USD tiền gốc và hơn 0,5 triệu USD tiền lãi chậm trả và phí trọng tài).
Năm 2016, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã có 2 quyết định uỷ thác cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An thi hành án. Ngoài ra, Công ty Phú An còn phải thi hành hơn 674 tỉ đồng do nợ của nhiều doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị khác.
Trong quá trình xác minh tài sản của Công ty Phú An, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định đã có văn bản xác minh, thông báo giá trị chi phí đầu tư công trình khu phi thuế quan của Công ty CP Tập đoàn Khang Thông tại Khu kinh tế Nhơn Hội là hơn 120 tỉ đồng. Văn bản này cũng nêu rõ số tiền đó sẽ được trả cho Khang Thông trong trường hợp nếu có nhà đầu tư khác đủ năng lực muốn đầu tư và Khang Thông đồng ý chuyển nhượng. Trong trường hợp Khang Thông không nhất trí chuyển nhượng thì tiếp tục hoàn thiện hạ tầng và thu hút đầu tư trên phần diện tích đã san lấp, phần diện tích còn lại tỉnh Bình Định sẽ thu hồi để thu hút nhà đầu tư khác. |