Người nước ngoài nghĩ gì chuyện nhiều ‘đại gia’ Việt vướng lao lý?
Câu chuyện nhiều “đại gia” VN bị khởi tố, xét xử, dưới cái nhìn của các doanh nhân người nước ngoài,là do lối làm ăn chỉ thấy lợi trước mắt của nền kinh tế mới nổi và do luật pháp không nghiêm.
Người nước ngoài nghĩ gì chuyện nhiều ‘đại gia’ Việt vướng lao lý?
Câu chuyện nhiều “đại gia” VN bị khởi tố, xét xử, dưới cái nhìn của các doanh nhân người nước ngoài,là do lối làm ăn chỉ thấy lợi trước mắt của nền kinh tế mới nổi và do luật pháp không nghiêm.
* Ông Jacob Hoyeon Won (giám đốc điều hành Locus Capital Partner, Hàn Quốc): Hàn Quốc từng trải qua giai đoạn làm ăn nhờ quan hệ
Ở Hàn Quốc, hầu hết các công ty nhỏ và trung bình được thành lập vào những năm 1960 – 1970. Do lịch sử tương đối ngắn của nền kinh tế hiện đại Hàn Quốc, chúng tôi cũng từng trải qua thời kỳ làm ăn mà sự thành công được quyết định bởi ai có mối quan hệ tốt hơn, thân cận hơn.
Đến nay, tình trạng này không còn phổ biến trong nền kinh tế Hàn Quốc. Hạn chế được tình trạng này là do sự can thiệp của Chính phủ Hàn Quốc vào khu vực kinh tế tư nhân đã khá hạn chế, khác với VN hay những quốc gia có nền kinh tế mới nổi – nơi chính phủ có khá nhiều ảnh hưởng đến các công ty tư nhân.
Gần đây, tại Hàn Quốc cũng có những vụ bắt giam và kết án liên quan đến quan hệ không minh bạch giữa các tập đoàn lớn và quan chức chính phủ. Như vậy, tuy tình hình đang ngày càng cải thiện và doanh nghiệp Hàn Quốc đã tự quản trị, xác định mô hình phát triển bền vững cho mình nhưng khó tránh được những “tàn dư” sót lại trong thời kỳ đầu của một nền kinh tế dựa vào quan hệ.
Trong quá khứ, những việc làm của doanh nghiệp như gây quỹ đen, hỗ trợ các chiến dịch hoạt động cho lãnh đạo chính phủ… nhằm nhận được những ưu ái lớn đã được thực hiện như là một hành vi thông thường. Nhưng rồi xã hội, cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi không chấp nhận điều đó.
Những nhà làm luật, những doanh nghiệp làm ăn minh bạch đã nỗ lực trong thời gian dài, chiến đấu để buộc nhà cầm quyền thừa nhận đó là hành vi phạm pháp. Kết quả là bây giờ quản trị doanh nghiệp đã đòi hỏi sự minh bạch nhiều hơn.
Nước Mỹ cũng đã trải qua quá trình trên trước khi tự điều chỉnh để có những cuộc cách mạng khoa học công nghệ, dẫn đến sự xuất hiện của những tỉ phú tự thân. Chúng ta đều biết giao dịch nội gián hay vận động hành lang đã diễn ra ở Mỹ từ lâu.
Nước Mỹ chỉ đơn giản có lịch sử doanh nghiệp lâu hơn, họ đã có thời gian để khắc phục nó dần dần. Trong khi hầu hết các nước châu Á chưa có đủ thời gian để tự sửa chữa những thứ đã được thực hiện như là một thực tế thông thường.
Câu chuyện “đại gia” vướng vào vòng lao lý của VN khó có thể giải thích nguyên nhân một cách cặn kẽ, nhưng doanh nghiệp VN cần sớm nhận thấy để không đi theo vết xe đổ nữa.
Các bài học kinh doanh đã chỉ ra rằng việc xây dựng mô hình quản trị đúng, tạo ra những sản phẩm giá trị chất lượng và xác lập được chỗ đứng trong đời sống tiêu dùng của người dân sẽ đảm bảo doanh nghiệp phát triển lâu dài, bền vững hơn là những mối quan hệ không chuẩn mực.
Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) – Ảnh: T.L |
* Một doanh nhân người Hà Lan: Luật pháp cần minh bạch và nghiêm khắc
Là người có gần 10 năm đầu tư và kinh doanh ở VN, thông qua báo chí tôi biết VN xảy ra nhiều vụ án mà các “đại gia” lợi dụng kẽ hở của pháp luật, quan hệ với người có chức có quyền… để trục lợi dẫn đến hậu quả lớn.
Theo tôi, đó là do những quy định pháp luật của VN chưa rõ ràng, chưa đủ sức răn đe các hành vi gian dối, cấu kết để trục lợi. Điều này cũng dễ hiểu bởi VN là quốc gia đang phát triển nên mọi thứ cần phải xây dựng và điều chỉnh dần dần.
Còn ở Hà Lan quê tôi thì khác. Luật pháp của Hà Lan rất rõ ràng, nghiêm khắc với cả người hối lộ và người nhận hối lộ.
Ví dụ một doanh nghiệp nào đó cho tiền một nhân viên nhà nước để được giải quyết công việc của họ một cách không minh bạch, nếu nhân viên nhà nước báo lên cấp trên thì thông tin của công ty gửi quà biếu sẽ được công bố lên website do chính phủ lập ra chuyên để liệt kê các doanh nghiệp có hành vi không đàng hoàng. Chính vì vậy các công ty không dám đưa tiền cho nhân viên nhà nước.
Đối với nhân viên nhà nước của Hà Lan thì có quy định không được phép nhận quà có giá trị lớn hơn 20 euro (khoảng 500.000 đồng). Nếu nhận một món quà lớn hơn mức này, ví dụ một chai rượu giá 30-40 euro, mà bị phát hiện sẽ bị đuổi việc.
Chưa kể lâu lâu có một bộ phận thuộc chính phủ giả làm người đưa hối lộ để thử tính trung thực của công chức nhà nước trong quá trình hoạt động. Với những quy định rõ ràng như thế trong thời gian dài nên việc đưa và nhận hối lộ hầu như không có ở Hà Lan.
Số lượng nhân viên nhà nước tại Hà Lan ít hơn nhiều so với cùng quy mô như ở VN và những nhân viên nhà nước được hưởng một mức lương cao, trách nhiệm rõ ràng. Ngược lại, tôi thấy ở VN số lượng nhân viên nhà nước quá nhiều và thu nhập theo quy định lại quá thấp.
Chính vì vậy họ phải tìm cách lợi dụng vị trí của mình trong bộ máy chính quyền để kiếm thêm, nhỏ thì “cà phê cà pháo”, còn lớn hơn thì có những khoản lớn như báo chí đã đăng tải.
Công ty chúng tôi có nhiều chi nhánh ở các địa phương tại VN. Chúng tôi muốn tạo ra cho công ty một văn hóa minh bạch và trung thực. Là người đứng đầu, tôi ý thức rằng nếu mình làm theo cách tận dụng các mối quan hệ mà nhiều công ty VN đang làm để đẩy nhanh việc xin phép đầu tư, mở nhà máy… thì sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho cấp dưới của mình tìm cách “kiếm chác” từ các hoạt động của công ty.
Ngược lại, nếu cứ máy móc áp dụng cách làm việc của châu Âu với cơ quan chức năng địa phương cũng sẽ tốn thời gian. Chính vì vậy, chúng tôi chọn cách sử dụng một đơn vị tư vấn hay dịch vụ của VN để làm những công việc ấy.
Hà Văn Thắm trả lời thẩm vấn tại toà – Ảnh: THÂN HOÀNG |
* Ông Samuel K. (doanh nhân Pháp): Nhiều người làm cẩu thả nhưng muốn hưởng lợi lớn
Theo tôi thấy, người VN khi làm kinh doanh thường chú trọng đến lợi nhuận trước mắt, không để ý đến đường dài. Chính vì vậy, trong cách thức làm ăn lẫn xây dựng mối quan hệ đôi lúc đều rất “chụp giật” khiến đối tác nước ngoài khó lòng tin tưởng.
Trong kinh doanh, nếu nói hoàn toàn trong sạch, không sử dụng mánh khóe nào thì tôi nghĩ không thực tế lắm. Tuy nhiên, dù làm gì, bạn cũng cần phải tôn trọng đạo đức kinh doanh.
Tôi từng làm việc với các đối tác VN và nhận thấy rất nhiều người có xu hướng làm cẩu thả nhưng lại muốn hưởng lợi lớn, muốn “đánh nhanh rút gọn”. Chính từ thái độ không nghiêm túc trong kinh doanh sẽ dẫn đến những hành vi thiếu tôn trọng pháp luật.
Tôi cho rằng Chính phủ VN cần siết chặt hơn các quy định để tránh việc người làm kinh doanh lách luật. Ngoài ra, trường học cần giáo dục sinh viên về đạo đức trong kinh doanh, bên cạnh việc giảng dạy các kiến thức chuyên môn.
* Ông Nigel Denscombe (chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Denscombe): Môi trường đầu tư kinh doanh chưa đủ minh bạch Kinh tế VN đang trong quá trình tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ, quy mô nền kinh tế ngày càng lớn đòi hỏi Chính phủ phải làm việc vất vả hơn do những vấn đề phát sinh trong quá trình đó. Về phía doanh nghiệp VN, họ đứng trước cơ hội tìm kiếm lợi nhuận, phát triển kinh doanh quá lớn, một số doanh nghiệp không muốn bỏ qua thời cơ vàng, muốn tăng trưởng nhanh nhất, thậm chí tăng trưởng bằng mọi giá, đã tìm đến con đường quan hệ với những người có chức quyền để tìm kiếm sự ưu ái và vận động hành lang những chính sách có lợi… Ở Mỹ hay ở Nhật Bản, nơi công ty chúng tôi đang triển khai các hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp nhận thức rất rõ những rủi ro khi họ quá thân với một đảng phái chính trị như thế nào. Trong các buổi tiếp xúc doanh nghiệp VN, điều tôi ngạc nhiên là họ thường khoe quan hệ với người này, biết quan chức kia – điều mà theo tôi đôi khi rủi ro hơn là lợi thế. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu tâm lý này xuất phát từ việc doanh nghiệp cảm thấy an toàn hơn khi có một mối quan hệ như vậy. Rõ ràng môi trường đầu tư kinh doanh VN chưa đủ minh bạch để tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp VN cần hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nhưng theo tôi, VN chưa thiết lập được hệ thống này cho dù VN đang có rất nhiều hiệp hội, tổ chức, đoàn thể doanh nghiệp. |