Trung Quốc xoá giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước
Trung Quốc tuyên bố động thái mới “sẽ không dẫn tới độc tài, khủng hoảng chính trị và thanh trừng nội bộ”.
Trung Quốc xoá giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước
Trung Quốc tuyên bố động thái mới “sẽ không dẫn tới độc tài, khủng hoảng chính trị và thanh trừng nội bộ”.
Chủ tịch Tập Cận Bình bỏ lá phiếu đầu tiên trong tiếng vỗ tay của các đại biểu REUTERS
Tại phiên họp ngày 11.3 ở Bắc Kinh, khoảng 3.000 đại biểu quốc hội Trung Quốc bỏ phiếu cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp bao gồm 21 nội dung. Trong đó, chỉ có 2 đại biểu bỏ phiếu chống, 3 người không bỏ phiếu và 1 phiếu không hợp lệ, theo Tân Hoa xã. Như vậy đề xuất được thông qua với điều khoản đáng chú ý nhất là xoá bỏ quy định “không được phục vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tục” đối với chức danh chủ tịch và phó chủ tịch nước áp dụng kể từ năm 1982.
Một số điều khoản cũng được bổ sung nhằm tạo ra khung pháp lý và mở đường cho việc thành lập “siêu cơ quan chống tham nhũng” là Ủy ban Giám sát quốc gia. Tờ South China Morning Post dẫn lời một số nhà phân tích nhận định những sửa đổi lần này nhìn chung đều hướng tới mục tiêu tiếp tục thể chế hóa quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), làm mờ lằn ranh giữa đảng và nhà nước. Bên cạnh đó, Hiến pháp sửa đổi cũng đưa vào “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”.
Những diễn biến trên được cho là có thể giúp Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục lãnh đạo sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2023, cũng như tạo tiền đề cho các phụ tá thân tín của ông giữ những vị trí then chốt trong hệ thống nhà nước, theo tờ South China Morning Post.Chẳng hạn, “cánh tay phải” của Chủ tịch Tập là ông Vương Kỳ Sơn vừa được bầu làm đại biểu quốc hội ở tuổi 70 và được dự đoán sẽ giữ chức phó chủ tịch nước. Đây là bước đi gây bất ngờ vì trước đó, ông Vương đã rời khỏi mọi chức vụ trong Ban Chấp hành Trung ương CPC sau Đại hội đại biểu toàn quốc của đảng hồi tháng 10.2017. Giới phân tích nhận định Chủ tịch Tập tin rằng sửa đổi Hiến pháp là cần thiết vì những thách thức mà Trung Quốc đối mặt ngày nay đòi hỏi phải có một vị lãnh đạo tập trung được quyền lực và một đảng cầm quyền vững mạnh.
Tuy nhiên, trong buổi họp báo chiều 11.3, Chủ nhiệm Uỷ ban Công tác pháp chế thuộc Ban Thường vụ Quốc hội Thẩm Xuân Diệu bác bỏ những ý kiến cho rằng cơ chế mới có thể dẫn đến chế độ độc tài, khủng hoảng chính trị hoặc thanh trừng nội bộ. Trong bài xã luận cùng ngày, tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của CPC, cũng khẳng định “không có chuyện nhiệm kỳ trọn đời”.
PHÚC DUY