Để nâng cấp hệ thống hạ tầng trên địa bàn TP.HCM, nhiều ‘lô cốt’ công trình mọc trên đường phố từ các quận trung tâm đến vùng ven khiến giao thông thêm phần tồi tệ.
Khốn khổ vì ‘lô cốt’ bủa vây
Để nâng cấp hệ thống hạ tầng trên địa bàn TP.HCM, nhiều ‘lô cốt’ công trình mọc trên đường phố từ các quận trung tâm đến vùng ven khiến giao thông thêm phần tồi tệ.
Kẹt xe như cơm bữa
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, dọc các tuyến đường gần khu vực chợ Bến Thành (Q.1) là hàng rào “lô cốt” dài hàng trăm mét của dự án Xây dựng tuyến đường sắt số 1 (tuyến Bến Thành – Suối Tiên) dựng trên đường Trần Hưng Đạo, Lê Lợi. Do phần lớn mặt đường bị chiếm dụng nên thường xuyên xảy ra ùn ứ xe cộ, nhất là những giờ cao điểm.
Q.4 có 10 “lô cốt” chiếm dụng mặt đường để phục vụ thi công gói thầu G (xây dựng hệ thống cống bao thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 2) trên các tuyến đường như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Thần Hiến, Bến Vân Đồn, thời gian tồn tại các lô cốt lâu nhất là đến tháng 5.2018. Cũng tại Q.4 còn có 2 dự án đào đường khác gồm dự án giải quyết ngập do triều có xét tới biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) và dự án di dời tuyến cáp ngầm 220 kV Nhà Bè – Tao Đàn. Trong đó, dự án giải quyết ngập do triều có 2 “lô cốt” trên công viên đường Bến Vân Đồn và đường Trương Đình Hợi. Theo kế hoạch, 2 “lô cốt” này tồn tại đến tháng 11.2018.
Từ khi lô cốt này xuất hiện, doanh thu của cửa hàng tôi sụt giảm tới 50%. Ban đêm, khi công nhân thi công công trình thì ồn ào kinh khủng. Mấy tháng nay tôi phải sang nhà người quen ngủ nhờ
Bà Trần Thị Ngọc Hồng, chủ cửa hàng tạp hoá khu vực ngã ba Bình Thới – Lạc Long Quân, Q.11
Ngay ngã sáu Gò Vấp (Q.Gò Vấp), “lô cốt” được dựng quanh vòng xoay dưới chân cầu vượt. Khu vực này mật độ phương tiện lưu thông dày đặc nên kẹt xe xảy ra hằng ngày, nhất là giờ cao điểm sáng và chiều tối. Trên tuyến đường Phạm Ngũ Lão (đoạn giao cắt với đường Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp), “lô cốt” chiếm hơn 1/2 mặt đường, chưa kể vật tư xây dựng chiếm một phần vỉa hè của người đi bộ.
Trên địa bàn Q.11, tại góc ngã ba đường Bình Thới và Lạc Long Quân là “lô cốt” dựng dài gần 100 m để thi công dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM, lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – Đôi Tẻ giai đoạn 2. Trên bảng thông tin công trình này, chủ đầu tư ghi thời gian thi công đoạn rào chắn là từ ngày 25.4 – 30.6 nhưng đến thời điểm này, rào chắn vẫn sừng sững giữa đường. Công trình này nằm phía trước trường học, Chi cục Thuế Q.11 nên thường xuyên gây ùn tắc nghiêm trọng.
Tại Q.12 có đến 21 lô cốt phục vụ thi công các dự án hạ tầng như hầm chui An Sương, mở rộng nâng cấp đường, cống hộp… Nhiều đoạn trên QL1 bị chiếm dụng gây nên tình trạng ùn ứ xe cộ và ngập nước, ô nhiễm môi trường trên QL1 luôn thường trực.
Đóng cửa đi ngủ nhờ vì quá ồn
Phản ánh với Thanh Niên, nhiều người dân bức xúc cho biết việc dựng “lô cốt” trong thời gian dài gây khó khăn cho sinh kế của họ. “Từ khi lô cốt này xuất hiện, doanh thu của cửa hàng tôi sụt giảm tới 50%. Ban đêm, khi công nhân thi công công trình thì ồn ào kinh khủng. Mấy tháng nay tôi phải sang nhà người quen ngủ nhờ”, bà Trần Thị Ngọc Hồng (chủ một cửa hàng tạp hóa gần ngã ba Bình Thới – Lạc Long Quân, Q.11) than phiền. Theo bà Hồng, các đơn vị thi công cần nhanh chóng hoàn thành công việc, trả lại mặt đường để lưu thông và môi trường cho người dân yên tâm làm ăn. “Chứ kéo dài như vậy sao dân làm ăn gì được nữa”, bà Hồng bức xúc.
Trong khi đó, anh Nguyễn Xuân Quý (ngụ Q.12) cho biết ngày nào đi làm anh cũng bị ám ảnh khi qua các “lô cốt”. “Dù chủ đầu tư, nhà thầu đã tỏ ra rất lịch sự khi dựng bảng có đề dòng chữ “Chúng tôi xin lỗi về sự bất tiện này”, nhưng ngày nào cũng “được” xin lỗi thế này thì chẳng vui vẻ gì”, anh Quý nói và cho rằng cách “xin lỗi” thành thật nhất là nhà thầu thi công hoàn thành đúng tiến độ, đừng để kéo dài gây quá nhiều thiệt hại cho xã hội.
Tăng cường ứng dụng công nghệ đào ngầm
Để hạn chế tình trạng rào chắn đào đường tràn lan ảnh hưởng xấu đến giao thông và sinh hoạt, buôn bán của người dân, kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường cho rằng nên tăng cường ứng dụng công nghệ khoan ngầm khi đào đường, trừ những trường hợp bất khả kháng. Ở các nước phát triển, việc thi công công trình ngầm thường sử dụng công nghệ rô bốt khoan ngầm nên thời gian thi công rất nhanh, an toàn và không ảnh hưởng đến giao thông bên trên. “Tại TP.HCM cũng đã thí điểm sử dụng công nghệ khoan ngầm của Nhật Bản tại một số dự án như metro Bến Thành – Suối Tiên. Một dự án khác là thi công 15 km thuộc dự án camera quan sát an toàn giao thông ứng dụng công nghệ khoan ngầm dẫn ống ở độ sâu 2 m, thậm chí có nhiều đoạn sâu tới 5 m đoạn từ ngã tư An Sương đến địa bàn Q.Bình Tân. Công trình đã hoàn thành trong 57 ngày đêm và ít ảnh hưởng đến việc lưu thông của hơn 30.000 lượt ô tô mỗi ngày đêm, chưa kể xe máy và các phương tiện thô sơ khác; không phải di dời hạ tầng kỹ thuật hiện hữu trên toàn tuyến, chi phí xã hội giảm tối đa… Nếu thi công theo đào mở truyền thống thì mất thời gian 1 năm hoặc hơn. Ngày 17.7 vừa qua, một chủ đầu tư cũng đã khởi công khoan ngầm băng đường Mai Chí Thọ, Q.2”, ông Trường nói.
Còn theo Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường, để giảm thiểu ảnh hưởng của việc thi công trên đường, Sở đang áp dụng giải pháp thi công cuốn chiếu. “Trong thời gian qua, Sở chỉ cấp giấy phép đào đường mỗi lần 100 m dài, không cấp phép quá chiều dài đó. Khi thi công xong mới cấp phép tiếp”, ông Cường nói. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận thực trạng mỗi lần thi công xong 100 m đó, nhà thầu phải tịnh tiến rào chắn đến đoạn kế tiếp, rồi phải tập kết thiết bị, vật tư để thi công cho nên lúc nào cũng thấy rào chắn tồn tại trên tuyến đường đó. Hơn nữa, có những công trình đào đường phải mất rất nhiều thời gian do quy mô lớn, trên tuyến đường dài, có khi phải xử lý các tình huống như đào xuống bên dưới gặp phải những hạ tầng khác với hồ sơ quản lý, mất thời gian hơn so với dự kiến.
Về giải pháp đào ngầm, theo ông Cường, TP cũng đã áp dụng rất nhiều trong thời gian qua, như ở các dự án vệ sinh môi trường trên đường Trần Hưng Đạo, dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, hay đào ngang đường để đặt cống trên QL1, xa lộ Hà Nội… “Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ triển khai nhiều hơn, tuy nhiên cũng không thể triển khai đại trà. Bởi vì giải pháp đào ngầm chỉ thực hiện đối với những công trình có độ sâu từ 5 – 7 m trở xuống dưới mặt đường để không đụng phải những hạ tầng đang nằm ở tầng nông. Dự án metro hiện đang đào ngầm vì công trình này ở độ sâu 15 – 20 m”, ông Cường nói.