29/11/2024

Thí điểm bỏ giấy phép xây dựng nhà riêng lẻ

UBND TP.HCM đã giao UBND Q.7 nghiên cứu thực hiện không cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ.

 

Thí điểm bỏ giấy phép xây dựng nhà riêng lẻ\

UBND TP.HCM đã giao UBND Q.7 nghiên cứu thực hiện không cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ.




Việc miễn cấp phép xây dựng sẽ giảm phiền hà cho người dân nhưng không dễ triển khai đại trà	 /// Ảnh: Gia Khiêm

Việc miễn cấp phép xây dựng sẽ giảm phiền hà cho người dân nhưng không dễ triển khai đại tràẢNH: GIA KHIÊM

Theo đó khi làm nhà, người dân chỉ cần đăng ký xây dựng dựa trên những chỉ tiêu quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch hoặc thiết kế đô thị đã công bố.
Bỏ với những khu có quy hoạch 1/500
Việc thí điểm chỉ áp dụng đối với những khu dân cư đã được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (quy định rõ số tầng, chiều cao, lộ giới đường, hẻm, quy mô xây dựng…). Theo lãnh đạo UBND Q.7, sau khi được giao nhiệm vụ, UBND Q.7 đang tiến hành thuê đơn vị tư vấn thực hiện việc lập quy chế quản lý kiến trúc cho một số khu vực đã ổn định để thực hiện chủ trương này.
Thí điểm bỏ giấy phép xây dựng nhà riêng lẻ - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

TP.HCM gỡ cấp phép xây dựng chưa có quy hoạch 1/500

Theo luật Xây dựng, điều kiện cấp phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ phải phù hợp quy hoạch chi tiết xây dựng, tức quy hoạch 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Nếu chủ trương này được áp dụng rộng rãi sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho người dân TP.HCM. Bởi hiện nay thủ tục xin phép xây dựng đối với khu dân cư hiện hữu phải qua 6 bước. Đầu tiên là người dân phải lập bản vẽ nội nghiệp (ranh, mốc, toạ độ), sau đó vẽ bản vẽ kỹ thuật căn nhà (mặt dựng, chiều ngang, chiều cao), hồ sơ xin cấp phép xây dựng nộp vào một cửa của Phòng Quản lý đô thị, từ đây Phòng Quản lý đô thị sẽ đi kiểm tra thực tế khu đất về chiều cao, khoảng lùi có đúng trong bản vẽ kỹ thuật và bản vẽ nội nghiệp hay không. Nếu đúng, theo quy định khoảng 21 ngày sau, Phòng Quản lý đô thị sẽ cấp phép xây dựng (CPXD). Tuy nhiên, thông thường 1 tháng sau sẽ mới có CPXD trong đó quy định cụ thể với chiều cao, khoảng lùi theo quy hoạch 1/2.000.

Thí điểm bỏ giấy phép xây dựng nhà riêng lẻ - ảnh 2

KTS Đinh Ngọc Tuấn cho rằng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhà lẻ cũng chỉ cần làm như nhà đất trong dự án 1/500. Nghĩa là chỉ cần làm bản vẽ kỹ thuật, khi nộp hồ sơ lên cơ quan chức năng chỉ cần nhìn bản vẽ là biết có đúng hay không, trả lời cho người dân trong vòng “một nốt nhạc”. Cơ quan chức năng lưu bản vẽ đó để sau này làm thủ tục hoàn công và xử lý nếu có sai phạm.
“TP giao Q.7 có thể thí điểm không cần CPXD là hợp lý do hiện nay phần lớn đất ở đây đã có 1/500 chỉ còn một ít là đất quy hoạch 1/2.000 nên làm rất dễ. Tuy nhiên nếu triển khai đại trà trên toàn TP sẽ rất khó khăn bởi ngay cả khi CPXD còn xảy ra nhiều vụ xây dựng sai phép, khâu hậu kiểm vẫn còn rất kém và đặc biệt là vấn đề cán bộ quản lý xây dựng vẫn còn rất bất cập. Do đó, chỉ cần đơn giản hóa thủ tục CPXD như đối với dự án 1/500 là đã quá tốt rồi”, ông Tuấn phân tích.
Cần hệ thống đồng bộ

Một lãnh đạo phòng quản lý đô thị cho biết chủ trương này áp dụng ở Q.7 thì còn khả thi vì Q.7 gần như phủ hết quy hoạch 1/500, còn TP mới phủ quy hoạch 1/2.000. Trong khi quy chế quản lý đô thị (tương đương như 1/500) cũng chỉ mới triển khai ở một số tuyến đường nên việc người dân chỉ cần đăng ký, không cần CPXD ở toàn địa bàn TP là rất khó thực hiện. Không những vậy, hiện nay không phải nhà dân nào khi xây dựng cũng thuê thiết kế nhà mà thường thuê các nhà thầu địa phương tự lên ý tưởng, tự xây dựng theo kinh nghiệm. Do đó, nếu không có sự kiểm soát, hậu kiểm hay chế tài của cơ quan chức năng thì hậu quả mà nhà nước đi xử lý về sau sẽ vô cùng lớn.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị TP.HCM, nhận xét chủ trương này “nghe” thì rất tốt nhưng vấn đề là hiện nay việc xây dựng sai phép, không phép vẫn đang diễn ra tràn lan bất chấp việc căn nhà đó đã được CPXD với chỉ tiêu rất cụ thể. Đặc biệt là có nhiều hành vi, cách làm ảnh hưởng đến nhà xung quanh, dễ dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện. Một số nước không áp dụng CPXD vì họ có quy định các công ty kiến trúc tự chịu trách nhiệm về bản vẽ của mình. Điển hình như ở Úc, Pháp, người dân muốn xây như thế nào phải vẽ ra và treo trước nhà, kiến trúc sư ký tên lên đó, bà con xung quanh sẽ biết căn nhà đó xây dựng như thế nào, có đảm bảo khoảng lùi, chiều cao hay không và họ sẽ giám sát. Người dân kiểm soát lẫn nhau, cơ quan công quyền không cần kiểm soát làm gì. Nhưng kiến trúc sư phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phép. VN không có chế tài đó, vậy khi người dân xây sai, tư vấn làm sai, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Về vấn đề này, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết đây chỉ mới là ý tưởng của TP giao cho Q.7 làm thí điểm. Việc CPXD là một thủ tục hành chính nhằm đánh giá về pháp lý và kỹ thuật của một công trình để xác định đủ điều kiện khởi công hay chưa. Hay nói cách khác khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền CPXD cho một công trình nghĩa là xác định công trình đã đủ điều kiện khởi công. Vì thế, thực hiện đăng ký xây dựng nhà ở riêng lẻ thay cho thủ tục CPXD chỉ có thể thực hiện khi đảm bảo các điều kiện nhất định, đòi hỏi sự đồng bộ và thống nhất giữa các cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý phải đảm bảo các điều kiện quản lý hiện đại, với cơ sở dữ liệu đầy đủ và liên thông. Đặc biệt là công khai, minh bạch các thông tin đó, gắn liền với các tiện ích cho người dân.

Thí điểm bỏ giấy phép xây dựng nhà riêng lẻ - ảnh 4

Miễn cấp phép xây dựng sẽ giảm phiền hà cho người dân nhưng không dễ triển khai đại tràẢNH: GIA KHIÊM

Theo ông Tuấn, trong điều kiện hiện nay khi năng lực quản lý của cơ quan nhà nước, đơn vị tư vấn, trình độ dân trí, trong đó có ý thức tuân thủ pháp luật của người dân còn hạn chế thì chưa thực hiện được không CPXD mà chỉ cần đăng ký khi xây dựng nhà riêng lẻ. “Một số nước đã làm được điều này và chúng ta phải nghiên cứu thêm, phải có lộ trình thực hiện cụ thể. Điều quan trọng hiện nay là phải tiếp tục thực hiện cải cách hành chính đối với thủ tục CPXD theo hướng tiện ích nhất, dễ làm nhất để người dân thực hiện dễ dàng, nhanh chóng, vừa đảm bảo yêu cầu về quản lý, vừa đảm bảo thực hiện quyền sở hữu về nhà ở của công dân”, ông Tuấn cho hay.
Ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất: “Đến khi nào ở VN đơn vị tư vấn, kiến trúc nắm rõ về quy hoạch và bị quy trách nhiệm cho những sai phạm thì mới có thể làm được. TP.HCM nếu muốn hướng đến việc bỏ CPXD thì giao quyền cho đơn vị tư vấn, vẽ nhà phải chịu trách nhiệm với bản vẽ của mình. Giờ TP giao cho Q.7 làm trước, nếu làm tốt thì sau này mới nên nhân rộng”.


Đình Sơn