Bước tiến COC và thách thức trên Biển Đông
Việc ASEAN và Trung Quốc đạt thoả thuận dự thảo khung của Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông là bước tiến quan trọng nhưng vẫn còn nhiều thách thức.
Bước tiến COC và thách thức trên Biển Đông
Việc ASEAN và Trung Quốc đạt thoả thuận dự thảo khung của Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông là bước tiến quan trọng nhưng vẫn còn nhiều thách thức.
Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc diễn ra vào ngày 6.8 đã chính thức thông qua dự thảo khung cho Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC). Đây được xem là một trong những bước tiến giúp kiểm soát các căng thẳng có thể bùng phát liên quan tranh chấp trên Biển Đông.
Tạo dựng nền tảng ổn định
Cùng ngày 6.8, tờ The Sydney Morning Herald đăng bài bình luận mang tên COC có thể giúp giải quyết tranh chấp Biển Đông của cây bút Paul Malone chuyên phân tích các vấn đề quốc tế. Qua đó, ông Malone cho rằng đây là cơ hội để Trung Quốc và các bên ở Đông Nam Á đạt được giải pháp hoà bình về tranh chấp Biển Đông.
Tương tự, nhận định với Thanh Niên, một số chuyên gia nước ngoài cũng xem đây là bước tiến góp phần giải quyết căng thẳng. TS Patrick Cronin, Giám đốc cấp cao Chương trình an ninh châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh nước Mỹ mới (có trụ sở tại Washington, Mỹ), kỳ vọng: “COC giúp tạo nên sự hòa bình ổn định trong khu vực”. Ông Gregory Poling, Giám đốc Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á – Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), nhận xét: “Các nhà lãnh đạo vẫn không phát đi nguyên văn dự thảo khung. Nhưng tất cả các thông tin liên quan đều xác nhận điều mà chúng ta ngờ vực lâu nay – đó là dự thảo khung với những nguyên tắc cơ bản mà Trung Quốc và ASEAN trước đó đã đồng ý”. Theo ông Poling, dựa vào đó, nếu Trung Quốc tiếp tục phá rối VN và các bên tranh chấp khác, thì các nước này có nền tảng để theo đuổi một COC nhằm yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng quy tắc chung.
Chông gai còn ở phía trước
Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên, giới chuyên gia quốc tế cũng nhấn mạnh dù thông qua dự thảo khung COC thì vẫn còn nhiều thách thức phía trước. TS Cronin cảnh báo đây có thể chỉ là động thái hoà hoãn của Bắc Kinh, bởi “lãnh đạo Trung Quốc đang muốn sự ổn định ngay trước thềm Đại hội Đảng của nước này”. Đồng thời, ông đặt ra một thách thức: “COC nếu không đủ mạnh mẽ sẽ chỉ trở thành tấm bình phong cho việc Bắc Kinh luôn nghĩ họ có thể viết nên một quy tắc để áp đặt các nước nhỏ”.
Hiệu quả thực sự là mối quan tâm chung của các chuyên gia. Ông Poling thẳng thắn nêu quan điểm: “Dự thảo khung ấy sẽ vô nghĩa nếu không được nối tiếp bằng việc khởi động nhanh chóng quá trình đàm phán nghiêm túc các ràng buộc về nguyên tắc ứng xử”. TS Koh Swee Lean Collin, chuyên gia về an ninh quốc tế tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), dù đánh giá việc thông qua dự thảo khung COC “mang tính bước ngoặt”, nhưng nhấn mạnh rằng đừng để rơi vào trạng thái xem đây là thời kỳ “trăng mật” giữa ASEAN và Trung Quốc. TS Collin cảnh báo bước tiến này “có thể tạo ra cảm giác Bắc Kinh đang đóng góp vào sự hoà bình và ổn định trên Biển Đông”. Cảm giác như thế có thể khiến một số thành viên ASEAN “chủ quan”. Bởi một thực tế mà ông nêu ra là Thông cáo chung do Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 50 (AMM-50) phát đi vào ngày 6.8 dù nêu quan ngại về việc thay đổi hiện trạng các thực thể trên Biển Đông, nhưng vẫn chưa “chỉ mặt đặt tên” Bắc Kinh trong vấn đề này. Về tương lai, TS Collin còn lo ngại việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố: “Nếu tình hình ổn định và không có sự can thiệp từ bên ngoài, chúng tôi sẽ cân nhắc tuyên bố bắt đầu đàm phán chính thức nội dung COC khi lãnh đạo Trung Quốc và ASEAN gặp gỡ vào tháng 11 tới”. Theo đó, tuyên bố trên “móc” thêm vấn đề “sự can thiệp từ bên ngoài” có thể là cách để Bắc Kinh sẽ lấy cớ việc Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (như cho tàu chiến áp sát các thực thể đảo), rồi từ đó cản trở quá trình đàm phán COC. Vì vậy, ông Collin khẳng định vẫn còn nhiều thách thức phía trước.
Khu trục hạm Mỹ áp sát đá Vành Khăn
Ngày 10.8, khu trục hạm Mỹ USS John S.McCain tiến hành hoạt động tuần tra nhằm duy trì tự do hàng hải ở khu vực 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN, theo một số quan chức Mỹ tiết lộ với Reuters. Đá Vành Khăn nằm trong số 7 thực thể thuộc Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và bồi đắp thành đảo nhân tạo.
Đây là lần thứ 2 khu trục hạm Mỹ tuần tra xung quanh đá Vành Khăn dưới thời của Tổng thống Donald Trump, sau lần thứ nhất diễn ra hôm 25.5. Chưa có phản ứng của Lầu Năm Góc lẫn Bộ Quốc phòng Trung Quốc về đợt tuần tra mới của tàu USS John S.McCain. Hồi tháng trước, một quan chức Mỹ tiết lộ với báo Breitbart rằng Tổng thống Trump đã phê chuẩn kế hoạch triển khai tàu tuần tra đều đặn nguyên năm nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Văn Khoa
|
Ngô Minh Trí