Bầu cử Malaysia: Tan vỡ ảo vọng, cử tri không biết chọn ai
Giữa một thủ tướng đương nhiệm đang dính tới cáo buộc tham nhũng và một lãnh đạo gây tranh cãi trong quá khứ, người Malaysia sẽ chọn ai trong cuộc bầu cử tới đây?
Bầu cử Malaysia: Tan vỡ ảo vọng, cử tri không biết chọn ai
Giữa một thủ tướng đương nhiệm đang dính tới cáo buộc tham nhũng và một lãnh đạo gây tranh cãi trong quá khứ, người Malaysia sẽ chọn ai trong cuộc bầu cử tới đây?
Tấm bảng điện tử ở toà nhà 40 tầng của Đảng Tổ chức dân tộc Malaysia thống nhất (UMNO) hư khiến Jalur Gemilang (tên gọi quốc kỳ Malaysia) trông như một quyển sách tô màu trẻ em.
Vậy mà lãnh đạo UMNO dường như chẳng màng tới việc tinh chỉnh hay khởi động lại màn hình LED.
Lãnh đạm
Lãnh đạo UMNO tin chắc công chúng Malaysia hoàn toàn lãnh đạm, và rằng liên minh Barisan Nasional (BN) mà họ lãnh đạo sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.
Khi đảng cầm quyền đưa ra thông điệp như vậy, chẳng ngạc nhiên khi thái độ thờ ơ có vẻ thấm ngầm vào cả quốc gia.
Thủ tướng Najib Razak dĩ nhiên vẫn dành thời gian để quảng bá hình ảnh. Thú vị ở chỗ là tại thời điểm lương thực nội địa trải qua hàng loạt đợt tăng giá kinh ngạc, thì thủ tướng chọn cách lên truyền thông xã hội nói về ngân sách quốc gia, nơi ông khuyên người trẻ Malaysia về cách xài tiền.
Trong phần hỏi người điều hành về bữa ăn ở một nhà hàng giá rẻ mở cửa 24 giờ có giá bao nhiêu, ông Najib khoe mình ăn quinoa (diêm mạch) thay vì gạo. Một túi diêm mạch 250g có giá 15 ringgit, đắt gần 23 lần so với từng ấy gạo.
Ở phía đối diện ông Najib, tỉ phú người Malaysia gốc Hoa Robert Kuok đã hứng chịu đủ mọi loại lăng mạ, bao gồm việc ông tài trợ cho đảng đối lập – việc dẫn tới một thách thức kỳ quái rằng một “huyền thoại” 94 tuổi lại đứng ra tranh cử.
Như vậy một mặt cử tri Malaysia đang có vị cựu thủ tướng ở độ tuổi 90, Dr Mahathir Mohamad, giờ là lãnh đạo phe đối lập Pakatan Harapan (PH).
Mặt khác, họ có vị thủ tướng được cho là sản phẩm của những gì chính ông Mahathir xây dựng trong hơn 20 năm cầm quyền.
Tan vỡ
Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi bầu không khí chính trị hiện nay bị nhuốm màu tan vỡ những ảo vọng cho tất cả các bên.
Quá nhiều những lời hứa hão đã làm hi vọng của người Malaysia sụt giảm, nhưng cũng chẳng có nhân vật chính trị nào phá được thế hai chân chia rẽ ấy.
Chẳng có một Emmanuel Macron (tổng thống Pháp), thậm chí không có một Rodrigo Duterte (tổng thống Philippines). Có vẻ đó là sự lựa chọn giữa chủ nghĩa tiệm tiến và sự trở lại của một môi trường độc tài trong quá khứ.
Chủ nghĩa tiệm tiến là sự thay đổi, tiến triển mà không có bước “đại nhảy vọt” nào. Nó đang là cách liên minh cầm quyền BN thực hiện, với những lời hứa về phát triển kinh tế.
Nhưng cuộc thăm dò của Merdeka Centre gần đây cho thấy người trả lời không nhìn ra sự cải thiện nào về điều kiện kinh tế, hay việc quốc gia họ có đang đi đúng hướng hay không.
Những lời hứa của ông Najib về cải cách vẫn chững lại. Những nỗ lực siết chặt người bất đồng chính kiến vẫn diễn ra.
Người Malaysia cũng nhận ra rằng BN sẽ không có cải cách nào sau cuộc bầu cử tới. Thậm chí việc thủ tướng đang ủng hộ Đảng PAS của người Hồi giáo cũng đồng nghĩa các quy tắc bảo thủ về mặt xã hội trong những năm tới đây sẽ càng mạnh mẽ hơn khi Ulama (các học giả tôn giáo) có quyền lực trong tay.
Trong quá khứ, người Malaysia thường nghiêng về những cố gắng và thử nghiệm. Nay họ sẽ chọn khát vọng, dù ngây thơ, để tốt hơn hay vẫn duy trì hiện trạng, câu hỏi vẫn chưa thể có lời đáp, ít nhất là thời điểm này.
Về truyền thông, ở nhiều nước, cử tri sẽ đọc báo, lên mạng và xem truyền hình để tìm hiểu cảm nhận của dư luận về các ứng viên.
Điều này rất khác ở Malaysia. Với việc chính phủ kiềm chế tất cả các hình thức biểu hiện, bao gồm cái gọi là chống “tin giả”, chuyện hiểu được người Malaysia nghĩ gì thật không đơn giản. Thậm chí truyền thông trực tuyến cũng dè dặt hơn khi đối mặt với áp lực pháp lý.
Hai đối thủ chính
Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 của Malaysia (GE14) sẽ diễn ra trong hoặc trước ngày 24-8-2018. Cả 222 thành viên trong Dewan Rakyat (hạ viện) là những đại biểu được bầu từ các khu vực bầu cử liên bang theo quy định của Uỷ ban bầu cử. Các đảng hoặc liên minh cần đạt 112 ghế tại quốc hội để đủ đại đa số. Năm nay, liên minh cầm quyền Barisan Nasional (BN – Mặt trận quốc gia) của Thủ tướng Najib Razak và liên minh đối lập Pakatan Harapan (PH – Liên minh Hi vọng) của cựu thủ tướng Mahathir Mohamad sẽ là những đối thủ cạnh tranh chính.
NHẬT ĐĂNG