29/11/2024

ASEAN bất đồng về tuyên bố chung

Các ngoại trưởng ASEAN thông qua dự thảo khung cho Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), song vẫn chưa thể đồng thuận về tuyên bố chung.

 

ASEAN bất đồng về tuyên bố chung

Các ngoại trưởng ASEAN thông qua dự thảo khung cho Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), song vẫn chưa thể đồng thuận về tuyên bố chung.




Quang cảnh Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ngày 5.8REUTERS

Sáng 5.8, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 50 (AMM-50) và các hội nghị liên quan đã khai mạc tại Trung tâm hội nghị quốc tế Philippines ở TP.Pasay. Theo kênh truyền hình ABS-CBN dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar, các ngoại trưởng ASEAN đã thông qua dự thảo khung cho Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), tài liệu cung cấp nền tảng cho những quy tắc về cách ứng xử tại vùng biển ở khu vực. “Các ngoại trưởng đã thông qua dự thảo khung cho COC để văn kiện này được chính thức chuẩn thuận tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc vào ngày 6.8”, ông Bolivar phát biểu tại cuộc họp báo.
Hiện chưa rõ liệu dự thảo khung COC có thể dẫn đến một bộ quy tắc ràng buộc về mặt pháp lý với các hướng dẫn nghiêm ngặt hơn Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) hay không. DOC được thông qua từ năm 2002, song không thể ngăn chặn được căng thẳng và các hành động đơn phương ở Biển Đông, và phải mất 15 năm sau khi bắt đầu các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc, các nước liên quan mới đạt được một bước tiến quan trọng về COC. Hiện chưa rõ chi tiết của văn bản này, song theo kênh ABS-CBN, các bên liên quan đã đồng ý “đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải” cũng như “tự do hàng hải và hàng không” ở Biển Đông.
Tiếp tục đàm phán
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, AFP hôm qua đưa tin một nước trong khối ASEAN đã nỗ lực kêu gọi các quốc gia còn lại bày tỏ lập trường cứng rắn hơn đối với những hành động phi pháp của Trung Quốc ở khu vực. Cụ thể, nước này đã đề xuất một số thay đổi về câu từ theo hướng chỉ trích Trung Quốc gay gắt hơn trong bản tuyên bố chung. Theo một bản dự thảo mà AFP có được, quốc gia trên đã vận động ASEAN thể hiện sự quan ngại sâu sắc về “việc xây dựng” trên biển, tức chỉ các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông trong nhiều năm gần đây. Quốc gia này cũng muốn ASEAN nhấn mạnh trong tuyên bố rằng COC sẽ “có tính ràng buộc về mặt pháp lý”, điều mà Bắc Kinh luôn phản đối.
 

ASEAN bất đồng về tuyên bố chung - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

ASEAN trước thách thức an ninh khu vực

Với vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN, Philippines sẽ thúc đẩy việc thông qua dự thảo khung cho Bộ quy tắc ứng xử (COC) tại Biển Đông.
Theo AFP dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên, Malaysia cũng vận động đưa vào nhiều câu từ cứng rắn hơn trong tuyên bố chung, bao gồm việc đề cập tới “tài sản quân sự” ở Biển Đông. Tuy nhiên, Campuchia và Philippines không mấy quan tâm đến chuyện này, theo quan chức trên. Philippines trước đây từng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các hoạt động phi pháp của Bắc Kinh tại Biển Đông. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, Manila đã tìm cách làm dịu tranh chấp với Trung Quốc để đổi lấy hàng tỉ USD đầu tư và viện trợ từ Bắc Kinh.
Cũng nguồn tin ngoại giao nói trên cho hay tuyên bố chung dự kiến sẽ được công bố sau khi kết thúc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, nhưng đã bị trì hoãn do nổ ra tranh cãi giữa các bên về từ ngữ liên quan đến vấn đề Biển Đông. “Chưa có sự đồng thuận”, nhà ngoại giao này cho biết, đồng thời tiết lộ thêm rằng uỷ ban soạn thảo được giao nhiệm vụ tiếp tục các cuộc đàm phán trong tối 5.8.
ASEAN lên án Triều Tiên
Các ngoại trưởng ASEAN ngày 5.8 đưa ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về tình trạng căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên liên quan đến việc Bình Nhưỡng liên tục thử vũ khí hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo. Hồi tháng trước, CHDCND Triều Tiên tiến hành hai vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14, được cho là có tầm bắn vươn tới các thành phố lớn ở Mỹ. Theo Reuters, các ngoại trưởng ASEAN tuyên bố chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên “đe dọa nghiêm trọng” đến an ninh và hoà bình toàn cầu. Các ngoại trưởng ASEAN cũng kêu gọi Triều Tiên tuân thủ những nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về chương trình hạt nhân của nước này.
Tuy lên án mạnh mẽ hành động của Triều Tiên song ASEAN từ chối “hạ cấp” quan hệ ngoại giao với nước này theo như hối thúc từ Mỹ. Washington được cho là đang tìm cách loại Triều Tiên khỏi Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) nhằm cô lập Bình Nhưỡng về mặt ngoại giao. Thế nhưng, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano tuyên bố ASEAN sẽ không xem xét việc loại Triều Tiên khỏi ARF. Ông lập luận rằng tốt hơn là nên đối thoại và tận dụng cơ hội hiếm có này, khi các bên liên quan đều có mặt tại Philippines. Một số nước châu Á, bao gồm cả Hàn Quốc, đang hy vọng sẽ có cuộc hội đàm song phương với Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho tại ARF. Theo Hãng thông tấn KCNA, ngày 5.8 ông đã rời Bình Nhưỡng để đến Philippines dự diễn đàn này.

ASEAN bất đồng về tuyên bố chung - ảnh 2

 
 


 

Huỳnh Thiềm