09/01/2025

Về hưu rồi làm gì?

Ở tuổi về hưu, việc tiếp tục hoạt động không chỉ có lợi cho bản thân về mặt sức khoẻ, trí tuệ, mà còn đóng góp tích cực cho cộng đồng. Thế nhưng ở Việt Nam, người về hưu dường như có rất ít sự lựa chọn các hoạt động cho mình.

 

Về hưu rồi làm gì?

Ở tuổi về hưu, việc tiếp tục hoạt động không chỉ có lợi cho bản thân về mặt sức khoẻ, trí tuệ, mà còn đóng góp tích cực cho cộng đồng. Thế nhưng ở Việt Nam, người về hưu dường như có rất ít sự lựa chọn các hoạt động cho mình.


 

Về hưu rồi làm gì? - Ảnh 1.

Các em học sinh được học tiếng Anh và uống sữa đậu nành miễn phí tại lớp học của cô Võ Thị Hoà – một giáo viên dạy môn tiếng Anh về hưu tại thôn Tiên Nộn (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) – Ảnh: Nhật Linh

 

“Sắp tới về hưu anh/chị làm gì?”. Hầu hết những người tôi hỏi ở Pháp đều có câu trả lời gắn với một dự án cá nhân của mình được chuẩn bị từ 1-2 năm trước. 

Đó có thể là tham gia thường xuyên hơn ở một hay vài hội đoàn (ở Pháp có hơn 73.000 hội theo Luật hội đoàn 1901), theo học một chương trình nào đó, hay tham gia các dự án thiện nguyện với chuyên môn của mình.

Các nước: nhiều lựa chọn

Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy ở tuổi hưu, nếu không tiếp tục tương tác với cộng đồng, có những hoạt động trí óc (đọc, suy nghĩ, giải quyết vấn đề, viết…) thì trí nhớ, sự minh mẫn, hay thậm chí sức khoẻ sẽ sút giảm nhanh chóng. 

Chính vì vậy, các hội đoàn, các dự án thiện nguyện hay các chương trình học suốt đời gắn liền với chuyên môn và sở thích của người về hưu là hết sức quan trọng và cần thiết.

Ở những nước phát triển, các hội đoàn, công tác xã hội hay các dự án thiện nguyện phù hợp với độ tuổi, chuyên môn và sở thích của người về hưu rất phổ biến. Người thích công việc giảng dạy có thể tham gia các chương trình giảng dạy, đào tạo cho cộng đồng, nơi mình ở hay vùng lân cận. 

Người có chuyên môn kỹ thuật, luật sư, bác sĩ, các ngành khoa học xã hội khác có thể tham gia những dự án thiện nguyện ở các vùng, các nước kém phát triển, hay viết để chia sẻ với cộng đồng. 

Chẳng hạn như tôi có biết một nhóm các bác sĩ, dược sĩ gốc Việt ở Pháp và bạn bè người Pháp của họ từ nhiều năm nay có các hoạt động thiện nguyện ở Việt Nam, trong đó có nhiều người đã về hưu.

Nhiều trường đại học ở những nước này cũng có các chương trình đào tạo dành riêng cho người về hưu. 

Có những người trước đây vì lý do nào đó không theo được chương trình đại học, giờ ở tuổi về hưu, họ có thể theo học một chương trình mà mình yêu thích, không chỉ tốt về mặt trí tuệ, sức khỏe, mà còn là một nguồn động viên lớn lao cho con cháu của họ. 

Bên cạnh đó, với sự phát triển nhanh chóng của Internet, các chương trình học trực tuyến cũng phù hợp cho người về hưu để phát triển một kiến thức hay kỹ năng mới, hoặc học thêm một lĩnh vực nghệ thuật như vẽ tranh, điêu khắc, tạc tượng, sáng tác…

 

Về hưu rồi làm gì? - Ảnh 2.

 

Tạo thêm điều kiện cho người về hưu

Trong khi đó, ở các đô thị của Việt Nam, người về hưu dường như có rất ít sự lựa chọn các hoạt động cho tuổi hưu của mình. Nhiều người về hưu không biết làm gì ngoại trừ việc tập thể dục hằng ngày, làm việc nhà, giữ cháu và thỉnh thoảng đi du lịch.

Điều này có nguyên nhân từ việc ở Việt Nam rất thiếu môi trường để người về hưu có thể tiếp tục làm việc, học tập, đóng góp cho cộng đồng. 

Hệ thống các thư viện công cộng, các cơ sở văn hóa nghệ thuật có chức năng đào tạo liên tục, phù hợp với người cao tuổi có thể nói là rất hiếm, ngay cả ở các thành phố lớn. 

Các câu lạc bộ hưu trí có nhiều nhưng hoạt động lại không mang tính chuyên biệt như các hội có chung một mục đích tôn chỉ, do vậy mức độ hấp dẫn không cao. 

Các chương trình, dự án thiện nguyện của cộng đồng phần lớn tập trung vào vật chất với việc trao tặng, nên cũng chưa chú ý nhiều đến việc khai thác kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của những người về hưu vào các dự án cộng đồng…

Người về hưu chắc không ai muốn mình trở thành gánh nặng cho gia đình và cộng đồng. Vì vậy, xã hội và cộng đồng cần tạo những điều kiện tốt nhất có thể, thông qua các chương trình hoạt động cụ thể để họ có thể tiếp tục hoạt động, học tập, đóng góp cho xã hội. 

Có như vậy, người về hưu mới có thể sống vui, sống có ích cho đoạn đường sau của cuộc đời họ.

Chỉ nên hỗ trợ giữ trẻ

Nhiều người Việt Nam khi về hưu đã đảm nhận công việc giữ cháu giúp cho con. Trong khi đó, ở tuổi về hưu, việc trông giữ trẻ ở lứa tuổi hiếu động là không phù hợp, vì phản xạ của tuổi già sẽ không theo kịp các hoạt động nhanh và bất ngờ của trẻ.

Nếu có giữ cháu thì công việc này chỉ nên là sự hỗ trợ ở một vài thời điểm con mình không thể thu xếp được.

Ở Pháp, muốn nhờ bố mẹ hai bên giữ con ngày cuối tuần hay một thời điểm nào đó, các cặp vợ chồng phải hỏi ý bố mẹ từ trước để xem họ có sắp xếp lịch được không.

 

TS VÕ ĐÌNH TRÍ (Pháp)