Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nhiệt điện than tăng mạnh khiến nhiều người lo ngại VN thành “vùng trũng” của loại hình có nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn này.
Vốn đầu tư vào điện than tăng mạnh
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nhiệt điện than tăng mạnh khiến nhiều người lo ngại VN thành “vùng trũng” của loại hình có nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn này.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho thấy, vốn FDI vào nhiệt điện than qua 2 dự án đã chiếm gần 24% tổng vốn FDI vào VN trong 7 tháng đầu năm. Đó là dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (Nhật Bản) với tổng vốn 2,793 tỉ USD và dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 (Singapore, 2,07 tỉ USD). Ngoài ra, có nhiều dự án điện than khác đã có kế hoạch triển khai trong thời gian tới như dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1 (1,7 tỉ USD) sẽ khởi công cuối năm nay; dự án nhiệt điện Quảng Trạch 2 sẽ khởi công vào năm 2019. Cũng trong năm nay, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 đã được ký thoả thuận đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư dự kiến 2,2 tỉ USD.
“Buộc phải lựa chọn”
Theo TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia thuộc mạng lưới Liên minh Năng lượng bền vững VN (VSEA), việc gia tăng vốn FDI vào nhiệt điện không có gì đột biến bởi Chính phủ đã xác định nhu cầu năng lượng sẽ còn rất lớn và chủ trương phải phát triển nhiệt điện than bằng nhiều hình thức. Nói cách khác, việc thu hút FDI vào nhiệt điện với vốn đầu tư lớn được coi như “thành quả” của thu hút đầu tư FDI trong 7 tháng đầu năm. Theo TS Lâm, có nhiều ý kiến đề nghị nên phát triển năng lượng tái tạo song đó là vấn đề khó khăn cho VN trong bối cảnh hiện nay, vì giá thành năng lượng tái tạo còn khá cao.
Nhập công nghệ lạc hậu, khiến khí thải ra nhiều hơn, rồi lại tìm chỗ cho lấp xỉ than… Chúng ta sẽ loay hoay giải quyết bài toán môi trường này trong thời gian dài nữa
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh
Chuyên gia năng lượng Khương Quang Đồng (Pháp) nhận xét: “Nhiệt điện đang là giải pháp buộc phải chọn của chúng ta trước nhu cầu về điện đang cực kỳ cấp bách. Phát triển điện hạt nhân thì không có vốn đầu tư và e ngại tính an toàn; thủy điện được khai thác lâu nay và gần như đã bão hòa; điện gió có giá thành quá cao, còn lại chỉ là than và dầu khí”.
Đáng lo ngại, theo ông Đồng, phát triển nhiệt điện của VN rất dễ đối diện nguy cơ bị ô nhiễm không khí hay việc xử lý tro xỉ không khoa học, vội vã cho chôn lấp ngay khi chưa đánh giá tác động môi trường như trường hợp Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) vừa qua. “Việc cấp phép xây dựng nhà máy nhiệt điện mới tại VN hiện nay phải có bộ quy chuẩn cao về công nghệ, phải có đội ngũ chuyên gia năng lượng tiên tiến tham gia trong quá trình thẩm định dự án và công nghệ”, ông Đồng nêu quan điểm.
Lo ngại công nghệ lạc hậu
Ông Ngô Đức Lâm lại lo lắng công nghệ “thải” của các nước có nguy cơ được nhập vào VN từ các dự án nhiệt điện được ký kết sau này. Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở trong bối cảnh nhiều quốc gia đang có chiến lược loại bỏ những công nghệ có hiệu suất thấp, chuyển sang công nghệ cao. Đó cũng là xu hướng thế giới về nhiệt điện than, trong khi ta cứ kêu gọi sử dụng công nghệ cao chứ không phải là bắt buộc. Vấn đề này nằm trong áp lực thu hút đầu tư FDI của các ngành, địa phương.
Điện than hết thời, năng lượng tái tạo (NLTT) lên ngôi. Đây là nội dung chính trong các báo cáo của các tổ chức và tập đoàn lớn trên thế giới về tương lai ngành năng lượng toàn cầu.
Chuyên gia môi trường, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng VN đang đi ngược xu thế của thế giới và đang là “vùng trũng” hứng các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường lẫn công nghệ lạc hậu từ điện than của các nước khác. “Mấy năm gần đây, Trung Quốc đã đóng cửa ít nhất 5 nhà máy nhiệt điện do ô nhiễm môi trường ngay tại thủ đô Bắc Kinh quá lớn. Tuy nhiên, khắc phục xỉ than thải ra từ các nhà máy nhiệt điện là vấn đề lớn. Vậy các dự án cấp mới vừa đây và trong chiến lược phát triển nhiệt điện sau này, vấn đề xử lý xỉ than từ các nhà máy được “chú trọng” đến đâu?”, ông Ninh băn khoăn.
Ông Ninh đề nghị cần có tổ tư vấn chiến lược phát triển năng lượng có chuyên môn cao, cập nhật xu thế phát triển của thế giới tốt và đặc biệt đặt giá trị bảo vệ môi trường lên hàng đầu.
Theo số liệu từ Bộ Công thương, cả nước hiện có trên 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất 13.110 MW. Trung bình mỗi năm các nhà máy này tiêu thụ 45 triệu tấn than và thải ra môi trường lượng tro xỉ, thạch cao hơn 15,7 triệu tấn. Dự kiến tới năm 2020 sẽ có thêm 12 dự án nhiệt điện than được đưa vào hoạt động và tổng công suất lắp đặt là 24.370 MW. Theo Quy hoạch điện VII đã được Thủ tướng phê duyệt, VN sẽ có thêm 40 nhà máy nhiệt điện than vào năm 2030. Chỉ riêng khu vực ĐBSCL sẽ có 14 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất lắp đặt hơn 18.000 MW.