Ông Dương Công Minh nói gì về khoản nợ của ông Trầm Bê?
Ông Trầm Bê không vay, cũng không nhận nợ tại Sacombank. Tuy nhiên, bản thân ông Trầm Bê đã nhận trách nhiệm xử lý khoản nợ 35.400 tỉ đồng với tài sản đảm bảo trị giá hơn 43.000 tỉ đồng.
Ông Dương Công Minh nói gì về khoản nợ của ông Trầm Bê?
Ông Trầm Bê không vay, cũng không nhận nợ tại Sacombank. Tuy nhiên, bản thân ông Trầm Bê đã nhận trách nhiệm xử lý khoản nợ 35.400 tỉ đồng với tài sản đảm bảo trị giá hơn 43.000 tỉ đồng.
Sacombank trích dự phòng để xử lý nợ xấu. Trong ảnh: trụ sở của ngân hàng này tại TP.HCM – Ảnh: T.T.D. |
Ông DƯƠNG CÔNG MINH – chủ tịch HĐQT Sacombank – đã cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh thông tin về “nợ của ông Trầm Bê” tại Sacombank.
Ông Minh nói: “Trước khi rời khỏi Sacombank và bị bắt giữ vào ngày 1-8, ông Trầm Bê từng giữ vị trí phó chủ tịch HĐQT Sacombank nên theo luật định, bản thân ông Bê cùng những cá nhân và doanh nghiệp liên quan đến ông Bê đều không được vay vốn tại ngân hàng (NH) này. Do đó, khoản “nợ của ông Trầm Bê tại Sacombank” thực chất là các khoản nợ do các tổ chức và cá nhân vay vốn mà ông Trầm Bê nhận trách nhiệm xử lý.
Việc ông Trầm Bê bị bắt giữ, theo cơ quan điều tra, cũng chỉ liên quan đến những sai phạm trong hoạt động cho vay dẫn đến thất thoát tài sản tại NH Xây dựng, chứ Sacombank không bị thiệt hại gì”.
* Việc ông Trầm Bê – người đã nhận trách nhiệm xử lý các khoản nợ tại Sacombank – vừa bị bắt giữ có ảnh hưởng đến quá trình thu hồi các khoản nợ này hay không?
– Tôi khẳng định việc ông Trầm Bê bị bắt không ảnh hưởng đến quá trình thu hồi nợ. Bởi toàn bộ các khoản cho vay đều có tài sản đảm bảo trị giá cao hơn số tiền vay, thậm chí cao hơn nhiều giá trị khoản vay, với đầy đủ giấy tờ hợp lệ và khả năng thanh khoản hiện nay rất tốt.
Hơn nữa, dù ông Bê nhận trách nhiệm xử lý các khoản nợ này nhưng hoạt động thu nợ, xử lý các khoản vay này vẫn do Sacombank thực hiện. Và tại thời điểm hiện nay, với tư cách là chủ tịch HĐQT của Sacombank, tôi là người cao nhất phải chịu trách nhiệm.
Cũng xin nói thêm là thời gian qua, khi chúng tôi tích cực tổ chức thu hồi nợ, hầu hết các khách hàng đều hợp tác tốt với Sacombank và sẵn sàng bàn giao tài sản để NH xử lý nợ cùng một phần lãi theo đúng đề án tái cơ cấu.
Tất cả tài sản này cũng không bị ngăn chặn vì không liên quan đến ông Trầm Bê, nên khả năng xử lý nợ tốt.
Một số doanh nghiệp cũng đã đến làm thủ tục bàn giao tài sản cho NH xử lý. Với những khách hàng không hợp tác, căn cứ vào nghị quyết về xử lý nợ xấu đã được Quốc hội thông qua, chúng tôi vẫn có thể thu hồi được nợ.
Ông Trầm Bê không vay, cũng không nhận nợ tại Sacombank. Tuy nhiên, bản thân ông Trầm Bê đã nhận trách nhiệm xử lý khoản nợ 35.400 tỉ đồng với tài sản đảm bảo trị giá hơn 43.000 tỉ đồng. |
Ông Dương Công Minh – Ảnh: A.H. |
* Những khoản nợ này phát sinh từ khi nào và tài sản đảm bảo bao gồm những gì?
– Hầu hết các khoản cho vay này đều phát sinh tại NH Phương Nam và ông Trầm Bê trước đó quyết định NH Phương Nam cho vay nên đã nhận trách nhiệm giải quyết các khoản nợ này. Việc nhận trách nhiệm này cũng đã được ghi nhận trong đề án tái cơ cấu.
Trong các khoản nợ do ông Trầm Bê nhận trách nhiệm giải quyết, với nợ gốc là 35.400 tỉ đồng đã được thế chấp bằng tài sản đảm bảo trị giá 43.000 tỉ đồng, có tài sản thế chấp là bất động sản trị giá 33.000 tỉ đồng và khoảng 10.000 tỉ đồng được đảm bảo bằng cổ phiếu.
Tài sản đảm bảo của khoản vay này gồm những dự án bất động sản ở những khu trung tâm như Q.1, Q.3, Q.5, những dự án có quỹ đất rất lớn ở khu cửa ngõ như Q.8, Q.9, Thủ Đức, Long An, Cần Thơ.
Và với thị trường bất động sản ấm lên trong thời gian qua, số tài sản đảm bảo này hiện đang lớn hơn giá trị khoản vay. Tương tự, giá trị số cổ phiếu đảm bảo các khoản vay cũng có giá trị cao hơn số tiền vay, nên việc thu hồi nợ không có khó khăn gì.
* Có những lỗ hổng gì trong việc xét duyệt những khoản vay này không, thưa ông?
– Như tôi đã nói, các hồ sơ cho vay đều đầy đủ pháp lý, đúng quy trình và quy định. Tuy nhiên, phần lớn những khoản vay này được dùng để đầu cơ bất động sản và khi thị trường bất động sản đóng băng vào những năm trước, một số khoản nợ không được trả đúng hạn nên mới phát sinh nợ xấu.
Chẳng hạn, một số doanh nghiệp vay NH để bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm triển khai dự án nhưng do thị trường này bị đóng băng, không thanh khoản được nên chủ đầu tư không thể tiếp tục triển khai được dự án và bị mắc kẹt.
Tuy nhiên, cũng xin nói rõ là trong hơn 35.400 tỉ đồng này có một số là nợ xấu, nhưng cũng có những khoản nợ tiềm ẩn rủi ro nợ xấu nếu không trả nợ đúng hạn trong thời gian tới. Và đến nay, Sacombank đã trích dự phòng theo đúng quy định tại thông tư 02.
* Sacombank đặt mục tiêu thu hồi toàn bộ khoản nợ này trong ba năm liệu có khả thi?
– Trong năm 2017, chúng tôi đặt mục tiêu thu hồi khoảng 20.000 tỉ đồng, có một phần trong số nợ này. Và với những nỗ lực của toàn bộ đội ngũ lãnh đạo và nhân viên Sacombank trong thời gian qua cũng như sự hợp tác của các khách hàng, chúng tôi tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu này trong năm nay.
Do đó, tôi có thể khẳng định rằng trong ba năm tới, chúng tôi sẽ xử lý khoảng 90% nợ xấu hiện nay, bao gồm cả các khoản mà ông Trầm Bê đã nhận trách nhiệm xử lý trước đây.
Cơ sở để chúng tôi tin vào việc thực hiện mục tiêu này là có rất nhiều khách hàng đang quan tâm đến các tài sản đảm bảo cho những khoản vay. Chúng tôi cũng đang tích cực đàm phán để xử lý số tài sản này nhằm thu hồi nợ.
Với những tài sản là bất động sản đã đầy đủ hồ sơ pháp lý, chúng tôi sẽ bán ngay cho các nhà đầu tư trả được giá. Với những dự án mà pháp lý chưa hoàn thiện, NH sẽ tích cực hoàn thiện các thủ tục để chuyển nhượng.
Với tài sản đảm bảo là cổ phiếu, với thanh khoản thị trường chứng khoán đang tốt hiện nay và thị giá nhiều cổ phiếu đang ở mức cao, việc xử lý để thu hồi nợ sẽ không gặp khó khăn.
* Vì sao ông lại chủ động công bố thông tin về các khoản nợ cũng như nợ xấu được cho là có liên quan đến ông Trầm Bê?
– Chúng tôi chủ động công bố thông tin để khẳng định rằng mọi hoạt động tại Sacombank sẽ được công khai, minh bạch.
Hơn nữa, những thông tin này được công bố cũng cho thấy chúng tôi dám nhìn thẳng vào sự thật và muốn cho xã hội biết thực trạng của Sacombank hiện nay rất khó khăn, nhưng không phải không giải quyết được.
Năm 2017: Lợi nhuận sẽ vượt 1.000 tỉ đồng Trong tháng 7-2017, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Sacombank đạt 175 tỉ đồng, nâng tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của NH trong bảy tháng đầu năm lên 754 tỉ đồng, đạt 129% kế hoạch. Do đó, theo ông Dương Công Minh, việc đạt được con số 1.000 tỉ đồng lợi nhuận trong năm nay như kế hoạch vừa điều chỉnh là khả năng hoàn toàn hiện thực, thậm chí cao hơn. |
* Liệu Liên Việt PostBank sẽ sáp nhập vào Sacombank không? – Tôi khẳng định chắc chắn không có chuyện Liên Việt PostBank sẽ được sáp nhập vào Sacombank như dư luận lo ngại. Bởi Sacombank và Liên Việt PostBank là hai thực thể khác nhau với văn hoá khác nhau. Sacombank cũng không có kế hoạch sáp nhập vào NH nào khác. |