Vung tay chi bạo ‘chiết khấu’ thuốc
Công ty TNHH dược Thống Nhất (Công ty Thống Nhất) ở Hà Nội chi chiết khấu lên tới 20-35% để bán thuốc vào nhiều bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng mạch bác sĩ…
Vung tay chi bạo ‘chiết khấu’ thuốc
Công ty TNHH dược Thống Nhất (Công ty Thống Nhất) ở Hà Nội chi chiết khấu lên tới 20-35% để bán thuốc vào nhiều bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng mạch bác sĩ…
Công ty này kinh doanh ba mặt hàng chính là Aquadetrim vitamin D3 (dung dịch uống dự phòng và điều trị bệnh còi xương ở trẻ em, ngăn ngừa và điều trị loãng xương, Ba Lan sản xuất), Ferlatum (điều trị thiếu hụt sắt, thiếu máu do thiếu sắt, Ý sản xuất) và Tanagel (điều trị tiêu chảy ở trẻ em, Tây Ban Nha sản xuất).
Hàng của công ty được các trình dược viên giới thiệu và kinh doanh trong nhiều bệnh viện công – tư và các phòng khám, nhà thuốc ở nhiều địa phương trong cả nước.
Đợi làm “chính sách”
Để tìm hiểu chính sách kinh doanh của Công ty Thống Nhất, ngày 11-5 chúng tôi điện thoại liên hệ chi nhánh phía Nam (chi nhánh TP.HCM, trụ sở số 134/2K Thành Thái, quận 10) xin gặp giám đốc công ty Hoàng Thị Thảo và được người nghe máy cho biết sẽ báo ông Tuấn là giám đốc điều hành chi nhánh ở TP.HCM gọi lại.
Sau đó ông Tuấn điện thoại cho chúng tôi. Khi được hỏi về “chính sách” cho bác sĩ của công ty, ông Tuấn trả lời với thuốc Aquadetrim là mua 10 tặng 1, mua 25 tặng 3, mua 30 tặng 4, còn Ferlatum “hãng đang lấy lại do không đủ hàng”.
“Vì sao trước đây chi chiết khấu mà hiện nay chỉ tặng thuốc?” – chúng tôi hỏi.
Ông Tuấn trả lời do chính sách giá của hãng đang trong giai đoạn thay đổi nên “tụi tôi mới xin được duyệt cái khung đó”. Thấy chúng tôi tỏ vẻ không mặn mà chuyện tặng thuốc, ông Tuấn cười khà khà nói: “Xin phép được gặp chị”.
Khi chúng tôi nói muốn biết rõ chính sách cho bác sĩ qua điện thoại, ông Tuấn trả lời: “Thực sự chúng tôi chưa được duyệt nên không thể nói về tỉ lệ (chiết khấu)”. Theo ông Tuấn, một hai tuần nữa mới có chính sách mới, khi có ông Tuấn sẽ gọi lại báo.
“Chiết khấu” mạnh
Theo tài liệu, bà Hoàng Thị Thảo chỉ đạo bộ phận kinh doanh chi nhánh TP.HCM trong năm 2016 thực hiện chính sách chiết khấu thuốc lên đến 32-35%.
Chẳng hạn, chi chiết khấu thuốc Ferlatum cho bệnh viện là 32%, Aquadetrim chiết khấu 35%, Tanagel 35%. Bà Thảo còn đề nghị bộ phận kinh doanh chủ động dùng quỹ này để sử dụng cho việc bán hàng.
Đối với phòng mạch, bà Thảo chỉ đạo chi như sau: chính sách 20% bác sĩ, 2% quản lý, 4% lương trình dược viên, 3% quan hệ. Bộ phận kinh doanh cũng có thể sử dụng 3% quan hệ này thêm vào quỹ lương cho trình dược viên năm 2016.
Cụ thể hơn, phiếu chi ngày 20-10-2016 của chi nhánh tại TP.HCM do bà Phạm Thị Miền – kế toán – lập thể hiện chi 555.047.860 đồng tiền chiết khấu cho người phụ trách kinh doanh.
Lý do chi là “thanh toán tiền chiết khấu của bác sĩ phòng sales (kinh doanh) nhận tháng 9-2016 theo danh sách sếp duyệt”.
Tương tự, phiếu chi ngày 25-11-2016 thể hiện chi chiết khấu 769.675.315 đồng để bán thuốc. Lý do chi cũng là “thanh toán tiền chiết khấu của bác sĩ phòng sales nhận tháng 10-2016 theo danh sách sếp duyệt”.
Ngày 29-12-2016, bà Miền tiếp tục lập phiếu chi cho phòng kinh doanh số tiền gần 79 triệu đồng để thanh toán tiền chiết khấu cho bác sĩ tháng 11-2016 “theo danh sách sếp duyệt”. Các phiếu chi này có đóng dấu đỏ của Công ty Thống Nhất.
Chỉ riêng ba tháng cuối năm 2016, kế toán của chi nhánh TP.HCM ra phiếu chi chiết khấu hơn 1,403 tỉ đồng.
Sổ chi tiết bán hàng, báo cáo sales từng tháng trong năm 2016 của Công ty Thống Nhất còn ghi rõ tên bệnh viện, tên bác sĩ, phòng mạch bác sĩ, phòng khám tư nhân, nhà thuốc bệnh viện nào đã mua bao nhiêu thuốc, bao nhiêu tiền và tiền chiết khấu…
Một số tài liệu khác còn thể hiện việc chi chiết khấu bán thuốc không chỉ thực hiện ở các tỉnh phía Nam mà còn được thực hiện trước đó ở cả miền Trung.
Bảng dự trù chi phí chiết khấu của chi nhánh miền Trung thể hiện mức chiết khấu cho 7 loại thuốc mà công ty này kinh doanh như sau: Ferlatum 18% (10% cho bác sĩ, 3% khoa dược, 2% giám đốc, 3% đại lý); Ferlatum fol 23% (riêng bác sĩ 15%); Aquadetrim chiết khấu 18% như Ferlatum;
Natecal D3 và Lactospore 28%, trong đó riêng bác sĩ 20%; Tanagel và Itadixic chiết khấu 23%, trong đó 15% cho bác sĩ.
Đối với phòng mạch, trong 7 loại thuốc này có 2 loại chiết khấu mức 25%, 2 loại mức 20%, 1 loại 15% và 2 loại 12%.
Chiết khấu 3 loại thuốc chủ lực cho bệnh viện và chính sách chiết khấu thuốc cho phòng mạch – Đồ họa: N.KH. |
Lãnh đạo công ty nói gì?
Ngày 24-7, trả lời chúng tôi qua email, bà Thảo khẳng định Công ty Thống Nhất không có chủ chương chi chiết khấu hoa hồng cho các khách hàng. Công ty cũng không bắt tay với các nhà sản xuất “làm giá” thuốc cao hơn giá trị thật rồi đưa về Việt Nam.
“Công ty luôn tuân thủ đúng pháp luật và chưa có vi phạm gì. Chúng tôi kinh doanh các loại thuốc chất lượng tốt, giá hợp lý vì lợi ích người bệnh…” – bà Thảo nói.
Trao đổi lại với bà Thảo, chúng tôi cho biết có nhiều tài liệu thể hiện bà chỉ đạo chi chiết khấu bán hàng và bà Phạm Thị Miền ký nhiều phiếu chi tiền chiết khấu. Nghe vậy, bà Thảo đề nghị gặp trực tiếp.
Ngày 31-7, gặp chúng tôi, bà Thảo giải thích giữa tháng 5-2015, khi thành lập chi nhánh miền Nam tại TP.HCM, bà Thảo giao toàn quyền quản lý cho một dược sĩ.
Bà Thảo cho rằng người quản lý chi nhánh làm nhiều việc sai trái, gây ảnh hưởng và thiệt hại đến hoạt động của công ty, người này bị công ty thu hồi gần 2 tỉ đồng. Đến tháng 1-2017 bà Thảo mới biết bị người quản lý chi nhánh lừa.
Bà Thảo còn cho rằng ông Tuấn không phải là nhân viên của công ty mà chỉ là người giúp đỡ tạm thời một số việc cho bà Thảo .
Về các phiếu chi tiền chiết khấu cho bác sĩ, bà Thảo nói đây là phiếu giả vì người quản lý chi nhánh nhờ bà Miền ký phiếu chi rồi sau đó cho bà Miền 10 triệu đồng. Để chứng minh các phiếu chi chiết khấu là giả, bà Thảo đưa ra ba phiếu chi không có dấu của công ty.
Tuy nhiên, bà Thảo cũng thừa nhận với hai mặt hàng Aquadetrim và Tanagel thì Công ty Thống Nhất “có chi phí năm đầu mới vào thị trường tổng cộng là 30%”.
Bao gồm: lương nhân viên 4% (trong 6 tháng đầu); khoa dược 3-5% để chi cho hội thảo giới thiệu thuốc cho các bác sĩ, dược sĩ để họ biết đến thuốc, thuận lợi cho việc đấu thầu và đưa thuốc vào khoa dược.
Khoản này được chi tối đa 10-15% để làm các hội thảo , tài trợ bác sĩ tham gia các hội nghị chuyên ngành, chi phí báo cáo viên… Với thuốc Ferlatum thì tổng chi phí thấp hơn.
* Luật sư Trần Minh Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội): Lỗ hổng của Luật dược Luật dược không có quy định trực tiếp nào cấm bác sĩ kê đơn để nhận hoa hồng, chiết khấu mà chỉ có quy định gián tiếp về việc này. Đây là lỗ hổng của Luật dược. Còn Luật khám chữa bệnh, thông tư hướng dẫn thì chỉ nói khi khám chữa bệnh phải kê đơn thuốc phù hợp với chẩn đoán bệnh, cấm kê đơn thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và các chất không nhằm mục đích phòng, chữa bệnh. Do không có cảnh giới, ngăn ngừa chính thức nên việc này phụ thuộc rất nhiều vào góc độ kiểm soát, giám sát và xử lý của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Y tế. Với doanh nghiệp bán hàng, không thấy hạn chế các biện pháp tiếp thị bán hàng như hoa hồng, chiết khấu cho đại lý… Với doanh nghiệp dược cũng vậy, nhưng khi họ kết hợp với các bác sĩ để buộc người bệnh vào việc phải sử dụng thuốc đó thì rõ ràng là hành vi vi phạm. |
* PGS.TS Nguyễn Trường Sơn (giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM): Kiểm soát “hoa hồng” bằng giám sát kê toa Các công ty dược nói đều có những biện pháp giới thiệu sản phẩm (marketing) đến người sử dụng để tăng cường doanh số bán. Cho nên từ “hoa hồng” hay “chiết khấu” trong nháy nháy cũng có thể hiểu là một hình thức marketing giúp cho họ đạt được doanh số. Bệnh viện chúng tôi tuyệt đối không cho các bác sĩ được nhận “hoa hồng” từ các sản phẩm đưa vào bệnh viện. Tôi cho rằng hoạt động marketing là vấn đề bình thường của các doanh nghiệp nhưng nếu trực tiếp đưa cho bác sĩ để lợi dụng hoa hồng nhằm tăng doanh số thì hình thức đó không chấp nhận được. Làm như vậy ngòi bút kê toa của bác sĩ sẽ bị bẻ cong, dẫn đến chỉ định thuốc quá tay. Do vậy giám sát kê toa là hoạt động thường xuyên ở bệnh viện. Thực ra chúng tôi cũng chỉ có thể kiểm soát được ở mức độ kê toa hợp lý hay không hợp lý. Còn việc bác sĩ có nhận tiền “chiết khấu”, “hoa hồng” hay không là quá tầm tay quản lý của bệnh viện. |