Sáng 31.7, các lực lượng chức năng đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất theo quyết định của UBND TP.Mỹ Tho đối với một số hộ dân liên quan đến dự án Khu dân cư dọc sông Tiền, khiến người dân hết sức bức xúc.
Dự án khu dân cư dọc sông Tiền: Doanh nghiệp và dân đều bức xúc
Sáng 31.7, các lực lượng chức năng đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất theo quyết định của UBND TP.Mỹ Tho đối với một số hộ dân liên quan đến dự án Khu dân cư dọc sông Tiền, khiến người dân hết sức bức xúc.
Doanh nghiệp bất bình
Triển khai từ năm 2015, nhưng đến nay dự án Khu dân cư dọc sông Tiền, do UBND TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) làm chủ đầu tư, vẫn còn nhiều hộ dân và 6 doanh nghiệp chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, vì cho rằng cách làm của chính quyền là áp đặt.
Đó là câu chuyện khó hiểu tại tuyến đường Nguyễn Thái Học gây nên sự bất bình đặc biệt của người dân sinh sống tại đây, chủ yếu là các giáo viên nghỉ hưu…
Ông Nguyễn Công Hầu, chủ DNTN Phước Hương, cho biết: “Gia đình tôi sở hữu 5.543 m2 đất vị trí cạnh bờ sông Tiền, trên bến dưới thuyền, để làm xưởng chế biến nước mắm từ năm 1939. Khi triển khai dự án, UBND TP.Mỹ Tho quyết định lấy hết 758,20 m2 đất mặt tiền của tôi để giao cho nhà đầu tư xây nhà bán. Tôi không đồng ý bởi vì lấy hết mặt tiền thì tôi bị bít đường, đâu còn chỗ lên xuống nguyên liệu. Vì vậy tôi đề nghị, hoặc là giải tỏa toàn bộ diện tích để tôi… giải nghệ, tìm nơi khác làm ăn, hoặc không giải tỏa”.
Theo chỉ đạo của UBND TP.Mỹ Tho, ngày 26.8.2015 UBND P.6 tổ chức cuộc họp giữa các bên để tự thương lượng giá bồi thường. Tại cuộc họp, chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư xây dựng Tây Bắc (viết tắt là Công ty Tây Bắc) và UBND P.6 đã thống nhất theo đề xuất của ông Hầu, đồng ý giải tỏa hết nhà, xưởng của ông Hầu để xây dựng khu tái định cư. Nhưng gần 2 năm sau, tại cuộc họp ngày 8.3.2017, ông Nguyễn Hoàng Đảm, Phó chủ tịch UBND TP.Mỹ Tho, cho rằng ý kiến của ông Hầu là không hợp lý “vì dự án khu dân cư đã được tỉnh phê duyệt”.
Hứa giải quyết nhưng vẫn cưỡng chế
Trước đó, trả lời PV Thanh Niên về trường hợp cơ sở nước mắm Hải Lợi Nguyên còn tồn trên 2.000 tấn cá nguyên liệu, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND TP.Mỹ Tho, cho biết sẽ chủ trì cuộc họp để bàn việc này. Đồng thời sẽ tổ chức cuộc họp với chủ cơ sở Phước Hương và nhà đầu tư để giải quyết trên tinh thần “cái gì có lợi cho dân thì chúng tôi sẽ cố gắng”. Nói vậy nhưng rồi chính quyền vẫn đơn phương ra quyết định cưỡng chế, bất chấp ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Ngày 3.7.2017 Chủ tịch UBND TP.Mỹ Tho Nguyễn Văn Hồng ký quyết định cưỡng chế thu hồi 758,20 m2 đất mặt tiền của ông Hầu. Đồng thời ra lệnh hạn trong 15 ngày buộc đương sự phải tự tháo dỡ và di chuyển toàn bộ cây trồng, vật kiến trúc và các tài sản khác ra khỏi diện tích đất bị thu hồi để giao đất…
Tương tự, bà Huỳnh Thị Chín (chủ hãng nước mắm Hải Lợi Nguyên) trình bày: “Năm 1960, gia đình tôi thuê 3.906 m2 đất của một cá nhân để mở xưởng chế biến nước mắm. Sau năm 1975, hãng nước mắm trở thành “xí nghiệp công tư hợp doanh” rồi chuyển sang quốc doanh. Năm 2001, do làm ăn thua lỗ, chính quyền bán xưởng nước mắm lại cho gia đình tôi. Khi triển khai dự án, chính quyền yêu cầu phải giao đất và chỉ bồi thường tài sản trên đất. Riêng 2.000 tấn cá nguyên liệu thì không bồi thường”. Bà Chín bức xúc: “Cơ sở chúng tôi đang làm ăn, nếu chính quyền quyết lấy đất thì phải bồi thường cá hoặc cho chỗ để di dời. Nếu không chúng tôi biết làm gì với hơn 2.000 tấn cá?”.
Người dân bức xúc phản ánh tình trạng đổ trộm chất thải xây dựng, rác sinh hoạt tại các khu vực ven đường tránh TP.Đồng Hới.
Người dân bức xúc
Bị thu hồi 914,3 m2 đất đang sử dụng, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Công ty CP thương mại Mỹ Tho, nói: “Theo tôi thì UBND TP.Mỹ Tho đã áp đặt mệnh lệnh hành chính nhằm tước bỏ tài sản và quyền kinh doanh đối với doanh nghiệp. Điều hết sức bất hợp lý là chính quyền ra lệnh cưỡng chế, thu hồi đất để giao cho một đơn vị kinh doanh bất động sản xây nhà để bán, không xét đến quyền lợi của doanh nghiệp và đẩy người dân vào tình cảnh khó khăn”.
Gia đình bà Trần Thị Ngàn (số 25/26A Lê Thị Hồng Gấm, P.4, TP.Mỹ Tho) có tổng cộng 14 người, 3 thế hệ cùng ở chung một nhà và sống bằng đủ thứ nghề làm thuê. Bà Ngàn nói: “Gia đình tôi mua nhà ở đây từ năm 1969, mấy chục năm qua chính quyền không nói gì. Đùng một cái giờ bị giải tỏa trắng, chỉ được đền bù phần kiến trúc và hỗ trợ di dời vì lý do nhà sàn. Nhưng với số tiền bồi thường 187,9 triệu đồng, không đủ để mua nền tái định cư thì lấy gì để cất nhà hoặc mua đất ở nơi khác?”.