01/11/2024

Tổng kiểm tra các cơ sở đóng tàu

Để xảy ra những sai sót trong đóng tàu vỏ thép vừa qua là trách nhiệm của cơ sở đóng tàu, bên cạnh việc khắc phục hậu quả phải xử lý nghiêm cá nhân.

 

Tổng kiểm tra các cơ sở đóng tàu

Để xảy ra những sai sót trong đóng tàu vỏ thép vừa qua là trách nhiệm của cơ sở đóng tàu, bên cạnh việc khắc phục hậu quả phải xử lý nghiêm cá nhân.




Tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Ảnh đã được Công ty Nam Triệu sơn lạiẢNH: HOÀNG TRỌNG

Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 1.8 tại Hà Nội.
Sẽ sửa đổi nghị định 67
Nhắc chuyện có đến 40 tàu cá vỏ thép bị hư hỏng, gây thiệt hại lớn cho ngư dân chỉ sau thời gian ngắn, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho rằng quy trình giám sát, kiểm định tàu còn nhiều bất cập khi để ngư dân đơn phương giám sát. Ông Châu kiến nghị cần có quy định Sở NN-PTNT, UBND tỉnh, TP và các đơn vị chức năng địa phương phải được quyền tham gia ngay từ đầu, giám sát chất lượng, vật liệu đầu vào cho đến khi hoàn thành con tàu.
Tổng kiểm tra các cơ sở đóng tàu - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Dừng sửa chữa tàu vỏ thép, chờ duyệt phương án

Ngày 7.7, Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) đã dừng sửa chữa 5 tàu cá vỏ thép của ngư dân Bình Định tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (H.Hoài Nhơn, Bình Định), đóng theo Nghị định 67/2014.
Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định 67/2014/NĐ-CP sửa đổi theo hướng khắc phục những hạn chế, bất cập từ thực tế triển khai nghị định này. Cụ thể, Sở NN-PTNT, UBND tỉnh, TP cùng tham gia với ngư dân để giám sát quy trình đóng mới tàu. Các địa phương lựa chọn nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp dịch vụ cho ngư dân lựa chọn thay vì chỉ một doanh nghiệp chỉ định như hiện nay. Đối với các tỉnh có tàu cá đóng mới bị hư hỏng, Bộ NN-PTNT cử đoàn giám sát quá trình sửa chữa và khắc phục xong trong tháng 8 để ngư dân khai thác sản xuất trở lại. Bộ NN-PTNT đang cho tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở đóng tàu để loại khỏi danh sách những đơn vị không đủ điều kiện, có nhiều vi phạm.
Ông Cao Đức Phát, Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế T.Ư, kiến nghị hỗ trợ đóng mới để nâng cấp tàu cá theo cơ chế linh hoạt, không tăng số lượng tàu mà đầu tư nâng cấp các thiết bị hiện đại phục vụ đánh bắt xa bờ, nâng cao hiệu quả khai thác. Bên cạnh đó, Chính phủ xem xét tăng vốn đầu tư để nâng cấp hạ tầng nghề cá.
Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong Nghị định 67/2014/NĐ-CP sửa đổi tới đây, chính quyền các địa phương phải có trách nhiệm, tham gia cùng với ngư dân để giám sát quy trình đóng tàu, nếu còn để xảy ra sai sót về chất lượng thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và người dân.
Thêm nhiều chi tiết trên tàu vỏ thép không đúng hợp đồng
Tại Bình Định, các ngư dân có tàu vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng đã liên lạc với phóng viên Thanh Niên cho hay thêm nhiều thiết bị lắp ráp trên tàu không đúng với hợp đồng.
Từ ngày 22.7, Công ty Đại Nguyên Dương đã kéo 5 tàu cá vỏ thép của các ngư dân Bình Định lên đà tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (Hoài Nhơn) để sửa chữa. Theo ngư dân Võ Tuân (ở xã Mỹ Thắng, H.Phù Mỹ), chủ tàu vỏ thép BĐ 99018 TS, trong quá trình tháo hầm lạnh ra để sửa chữa, các ngư dân phát hiện máy cấp đông lắp trên tàu là do Trung Quốc sản xuất nhưng trong thanh lý hợp đồng để thanh toán là máy của Đức/Ý. Còn máy dò cá ghi trong thanh lý hợp đồng là FURUNO CSH-8L, nhưng thực tế trên tàu lắp máy dò ngang CH37. “Máy dò ngang CH37 mà các ngư dân khác mới mua có giá từ 380 – 400 triệu đồng/máy, còn máy FURUNO CSH-8L ghi trong thanh lý hợp đồng thì chúng tôi phải trả đến 1,4 tỉ đồng”, ông Võ Tuân nói.
Theo ngư dân Nguyễn Văn Lý (ở xã Mỹ Ðức, H.Phù Mỹ), chủ tàu vỏ thép BÐ 99004 TS, cả 5 tàu cá vỏ thép của ngư dân Bình Định do Công ty Đại Nguyên Dương đóng đều xảy ra tình trạng lắp máy không đúng với hợp đồng như trường hợp tàu vỏ thép của ông Võ Tuân.

Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết Công ty Đại Nguyên Dương đã mời Công ty giám định Vinacontrol phối hợp với cơ quan đăng kiểm tàu cá của Bộ NN-PTNT, tổ giám sát kỹ thuật của tỉnh Bình Định và chủ tàu lấy 10 mẫu thép phần mạn và đáy của 5 tàu cá đưa đi kiểm định chất lượng. Dự kiến trong ngày 2.8, Vinacontrol sẽ báo cáo kết quả kiểm định các mẫu thép vỏ tàu. Sau đó, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định sẽ làm việc với các bên liên quan để thống nhất phương án sửa tàu của Công ty Đại Nguyên Dương.

 

Phan Hậu – Hoàng Trọng