01/11/2024

Chính phủ hành động để kinh tế tư nhân bật lên

Rất nhiều tràng vỗ tay đã vang lên giữa chừng mỗi khi những kiến nghị của các doanh nghiệp tư nhân được lãnh đạo Chính phủ và các địa phương đưa ra cam kết thay đổi.

 

Chính phủ hành động để kinh tế tư nhân bật lên

Rất nhiều tràng vỗ tay đã vang lên giữa chừng mỗi khi những kiến nghị của các doanh nghiệp tư nhân được lãnh đạo Chính phủ và các địa phương đưa ra cam kết thay đổi.



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự diễn đànẢNH: TTXVN

Cuộc đối thoại với hơn 1.000 doanh nghiệp (DN) tư nhân đã diễn ra thật sự cởi mở như đúng yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ khi chủ trì diễn đàn kinh tế tư nhân (KTTN) VN lần 2 – 2017 với chủ đề “Chương trình hành động từ Nghị quyết T.Ư 5” vào sáng 31.7, tại Hà Nội.
Phát biểu mở đầu diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định quyết tâm chính trị, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước về vai trò, vị thế của KTTN mà rõ nhất là Nghị quyết T.Ư 5 vừa qua đã xác định phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. “Những cỗ máy tăng trưởng ở mọi tỉnh, thành phố chủ yếu từ KTTN”, Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ tinh thần muốn lắng nghe những tiếng nói chân thành, những vướng mắc cần tháo gỡ từ khối DN dân doanh để Chính phủ hành động.
Chính sách đảo chiều dòng tiền
 

 
 
Chính phủ hành động để kinh tế tư nhân bật lên - ảnh 1
DN tư nhân cần mạnh dạn hợp tác quốc tế hơn nữa, tránh tình trạng tự ti về kinh nghiệm, về quy mô nguồn vốn mà không dám hợp tác cởi mở, công bằng với các công ty toàn cầu ở các phương diện như mua bán, chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất hoặc tiêu thụ sản phẩm ra thị trường nước ngoài

Chính phủ hành động để kinh tế tư nhân bật lên - ảnh 2
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
 

Cuộc thăm dò nhanh với 1.000 DN tư nhân tại hội trường cho thấy 65% trong số này lựa chọn thông điệp Chính phủ hành động, 24% lựa chọn thông điệp liêm chính và 11% chọn thông điệp kiến tạo. Minh họa thêm cho sự lựa chọn này, ông Don Lâm, Chủ tịch Vinacapital – quỹ đầu tư ngoại hiện có 3 tỉ USD ở VN, đặt câu hỏi: Chính phủ sẽ làm gì để thu hút đầu tư trong nước vì con số 3 tỉ USD người Việt mua nhà ở Mỹ mới được công bố cho thấy môi trường đầu tư ở VN chưa khiến các DN yên tâm? “Đây là câu chuyện rất đang suy nghĩ”, Thủ tướng chia sẻ. Đặt vấn đề liệu có chăng vì lãi suất USD bằng 0 nên ngành ngân hàng chưa thu hút được nguồn lực này để đưa vào lưu thông trong nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu đại diện Ngân hàng Nhà nước quan tâm để có chính sách thu hút nguồn lực trong dân. “Chúng ta cần có chính sách đảo chiều dòng tiền nhằm thu hút đầu tư. Bởi vì đã có những ví dụ rất thành công như một số quỹ đầu tư nước ngoài, từ chỗ chỉ 10 triệu USD thì nay đã lên đến 3 tỉ USD. Do vậy, phải tạo điều kiện để hút dòng tiền vào trong nước thông qua tiếp tục cải cách môi trường đầu tư”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bình luận về kết quả khảo sát, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, nói rằng mong muốn lớn nhất của khối này là thấy được hành động của Chính phủ để đưa khu vực tư nhân phát triển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay thời gian qua, tính trung bình thì không ngày nào Chính phủ không dành thời gian làm việc với DN hoặc bàn về chủ đề phát triển DN. Từ đó, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, quy định để cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn cho DN làm ăn, sản xuất. Những tồn tại, vướng mắc của nền kinh tế được nhận diện và xử lý. Môi trường đầu tư kinh doanh, niềm tin DN có xu hướng cải thiện rõ nét. “Chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế ở VN nằm rất nhiều ở khu vực KTTN. KTTN là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế của đất nước”, Thủ tướng khẳng định, đồng thời thúc giục khối này “hãy mạnh dạn căng buồm ra khơi”, không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, dễ bằng lòng, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của KTTN lên từ 50 – 60% GDP.
Đoàn kết để đi xa
Phát biểu kết luận, nhắc lại câu nói của người xưa, rằng “muốn đi nhanh hãy đi một mình, nếu muốn đi xa hãy cùng đi”, Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu KTTN trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế đòi hỏi nỗ lực hành động rất lớn của các tác nhân liên quan. Theo đó, Chính phủ cam kết sẽ liên tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện để DN, đặc biệt là các DN tư nhân, DN khởi nghiệp phát triển thuận lợi. “DN tư nhân cần mạnh dạn hợp tác quốc tế hơn nữa, tránh tình trạng tự ti về kinh nghiệm, về quy mô nguồn vốn mà không dám hợp tác cởi mở, công bằng với các công ty toàn cầu ở các phương diện như mua bán, chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất hoặc tiêu thụ sản phẩm ra thị trường nước ngoài”, Thủ tướng nhắn nhủ.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ban, ngành cần lắng nghe và đối thoại định kỳ với các khu vực DN tư nhân VN; giải quyết kịp thời những vướng mắc cấp bách, có lộ trình xử lý những vấn đề dài hạn; luôn đồng hành với DN, xem những khó khăn của giới doanh nhân là khó khăn của bộ, ngành mình. “Phải có cả tâm lẫn tài. Tâm thôi không đủ mà cần phải nâng cao năng lực để bắt nhịp và thích ứng với đòi hỏi của KTTN”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Với các địa phương, Thủ tướng mong muốn cần liên kết, chia sẻ cơ hội và giới thiệu cho nhau những nhà đầu tư mà tỉnh bạn có lợi thế, tránh cạnh tranh bằng mọi giá, thu hút đầu tư theo kiểu giẫm đạp lên nhau, không phát huy được lợi thế so sánh đặc thù của địa phương mình. “Các địa phương cần thu hồi những dự án, đất đai, tài nguyên và cả cơ chế chính sách đối với những nhà đầu tư yếu kém để trao cho những nhà đầu tư mới có năng lực, cam kết dài hạn và đồng hành cùng địa phương và cùng với Chính phủ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Với ngành ngân hàng, Thủ tướng lưu ý, hơn lúc nào hết các ngân hàng cần hiểu rõ, thấu đáo quy trình sản xuất, khó khăn, thách thức đối với DN. Cần phải tư duy theo hướng này và cụ thể hóa bằng những cơ chế cho vay linh hoạt.
Đối với Hội Doanh nhân trẻ VN, đơn vị đồng chủ trì diễn đàn cùng diễn đàn, Thủ tướng tin tưởng rằng hội dưới sự định hướng của T.Ư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên VN sẽ tiếp tục triển khai định kỳ những chương trình hoạt động, tham mưu, tư vấn, khuyến khích với Chính phủ và những cơ quan liên quan trong các vấn đề kinh tế cũng như trong chính sách khác.
Thay mặt khối DN dân doanh, ông Trương Gia Bình cam kết nếu Chính phủ tháo gỡ các khó khăn như Thủ tướng nói thì khối này sẽ tăng trưởng từ 15 – 50%, qua đó phấn đấu đóng góp từ 50 – 60% vào GDP cả nước.
Tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong nông nghiệp, du lịch
Tại phiên thảo luận chuyên đề phát triển nông nghiệp, nhiều kiến nghị từ các DN đã được Thủ tướng giải đáp khiến không ít lần hội trường vang lên những tràn pháo tay giòn giã. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao miền Nam, đề nghị Chính phủ cần ban hành chương trình hành động quốc gia để hình thành các vùng canh tác, chế biến kiểu mẫu, tháo hạn điền để sản xuất quy mô lớn, chuẩn hóa đầu ra…
Thừa nhận các vấn đề tồn tại của nông nghiệp VN hiện nay là hạn điền, vốn, thị trường, khoa học công nghệ, Thủ tướng nhất trí với việc cần thiết phải sửa đổi quy định về hạn điền, đồng thời dẫn ra ví dụ về một loạt địa phương phía bắc đã thành công trong chuyển đổi hạn điền như Hà Nam, Hải Phòng, Thái Bình. “Sửa đổi hạn điền nhưng quyền của người nông dân vẫn được đảm bảo, đó là một cách làm phù hợp. Tôi cũng giao Bộ KH-ĐT sửa đổi Nghị định 210 năm 2013 về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp ngay trong năm nay để tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển”, Thủ tướng nói.
Trong phần đối thoại với chủ đề phát triển kinh tế du lịch, các rào cản được DN kể ra là chính sách visa nhập cảnh; quảng bá, marketing thiếu đồng bộ, chưa được đầu tư đúng mức, không nhất quán giữa chính sách T.Ư và địa phương… Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, cho rằng hiện tại ngân sách quảng bá du lịch của VN khoảng 2 triệu USD/năm là quá thấp so với khu vực. Bên cạnh đó, việc không có cơ quan quảng bá du lịch quốc gia cũng khiến cho công tác này bị hạn chế…
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL) Nguyễn Văn Tuấn khẳng định từ sau hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch năm 2016, Thủ tướng đã chỉ đạo tháo gỡ việc tiếp tục gia hạn miễn visa cho 5 nước tây Âu và Belarus; triển khai cấp thị thực điện tử… Cùng với đó, luật Du lịch 2017 có hiệu lực từ năm 2018 đã nêu lên vấn đề về nguồn hình thành quỹ hỗ trợ phát triển du lịch từ phí visa và phí tham quan. “Chúng tôi sẽ trình Chính phủ dự thảo đề án về quỹ trong năm 2017 và khi quỹ ra đời, chúng tôi kỳ vọng đem lại khoảng 400 – 500 tỉ/năm cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch”, ông Tuấn nói. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận những vấn đề được giải quyết nêu trên vẫn còn chưa đủ để ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 

Chí Hiếu