Chính quyền Thái Lan đóng băng bất động sản và giữ tiền mặt của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra trong lúc chờ phán quyết từ tòa án tối cao.
Thái Lan phong toả tài sản của bà Yingluck
Chính quyền Thái Lan đóng băng bất động sản và giữ tiền mặt của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra trong lúc chờ phán quyết từ tòa án tối cao.
Hồi cuối tuần, Phó thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam thừa nhận chính phủ đang giữ tiền của bà Yingluck Shinawatra sau khi rút từ các tài khoản ngân hàng mang tên cựu thủ tướng. Ông không nói rõ chi tiết cụ thể nhưng cho biết số tiền đang nằm trong tài khoản do chính quyền quân sự quản lý. Những thông tin này được công bố sau khi bà Yingluck viết trên Facebook rằng tiền của bà đã “biến mất”. Ngoài ra, nhiều bất động sản gồm nhà phố, khu căn hộ và 37 thửa đất thuộc sở hữu của cựu thủ tướng cũng đã bị phong tỏa.
Cho đến nay, chính quyền quân sự Thái Lan chưa công bố tổng giá trị tài sản mà bà Yingluck đang sở hữu trên lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, theo báo cáo của cựu thủ tướng gửi Uỷ ban Phòng chống tham nhũng hồi năm 2015, số này vào khoảng hơn 610 triệu baht (414 tỉ đồng), bao gồm tiền mặt, các khoản đầu tư và bất động sản. Phó thủ tướng Wissanu cho rằng rất khó để xác định những tài sản khác của bà Yingluck ngoài những gì đã được báo cáo. Tuy nhiên theo ông, quyết định phong toả tài sản có giá trị 10 năm, đồng nghĩa với việc chính quyền có thể tịch thu nếu phát hiện thêm tài sản của bà trong thời gian này.
Nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan kịch liệt phản đối động thái phong tỏa tài sản và rút tiền mặt của bà, đồng thời nộp đơn lên toà tối cao để kiện quyết định “lạm quyền” của chính phủ. Theo các luật sư, không cơ quan nào được quyền phong toả tài khoản của bị cáo trước khi toà án tối cao ra phán quyết vào ngày 25.8 về trách nhiệm của bà Yingluck trong vụ bê bối trợ giá gạo. Trong khi đó, phía chính phủ giải thích rằng liên quan vụ này có tới 2 quy trình pháp lý chống lại cựu thủ tướng. Thứ nhất là Bộ Tài chính kiện bà Yingluck đòi bồi thường hơn 35 tỉ baht (tương đương 23.800 tỉ đồng) về thiệt hại do chính sách trợ giá gạo gây ra; thứ hai là vụ xét xử hình sự của toà tối cao. Theo chính phủ, việc phong toả tài sản là nhằm đảm bảo cho khoản bồi thường nói trên.
Nếu bị tuyên có tội vào ngày 25.8 tới, bà Yingluck có thể đối diện mức án 10 năm tù giam. Theo dự kiến, cựu thủ tướng sẽ có tuyên bố cuối cùng trước toà vào ngày 1.8. Trong những ngày qua, bà Yingluck cho biết đang tham gia nhiều hoạt động xã hội ở tỉnh đông bắc Ubon Ratchathani nhằm chuẩn bị cho lễ tưởng niệm nhà vua Bhumibol Adulyadej vào tháng 10.2017. Khu vực đông bắc Thái Lan lâu nay được xem là “pháo đài chính trị” của gia đình Shinawatra, và phe phản đối cáo buộc bà Yingluck muốn “kích động, lôi kéo” người ủng hộ đến Bangkok vào ngày 1.8 cũng như ngày ra phán quyết. Nhiều quan chức chính phủ cảnh báo sẽ có biện pháp mạnh tay để trấn áp “mọi hành động gây rối”.
Trong khi chờ phán quyết của tòa về bê bối trợ giá gạo, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đang đối mặt với vụ án khác có mức độ nghiêm trọng không kém.
Ngoài vụ trợ giá gạo, giới chức Thái Lan đang chuẩn bị một loạt hồ sơ điều tra nhằm vào bà Yingluck về nhiều cáo buộc khác. Tiêu biểu là cựu thủ tướng cùng các thành viên nội các trước đây bị cáo buộc thiếu năng lực, quản lý kém nguồn nước dẫn đến đợt lũ lụt lịch sử hồi năm 2011 – 2012, khiến hàng trăm người thiệt mạng và thiệt hại hàng chục tỉ USD. Bà Yingluck còn bị Ủy ban Phòng chống tham nhũng quốc gia cáo buộc sử dụng ngân sách sai quy định trong việc bồi thường 2 tỉ baht (1.300 tỉ đồng) cho những người bị ảnh hưởng, chủ yếu thuộc phe Áo đỏ ủng hộ nhà Shinawatra, trong đợt đại biểu tình chống chính phủ của cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva hồi năm 2010.