Khi lớp trưởng được thay bằng… camera
Được đề xuất nếu thay lớp trưởng bằng gì đó, một số bạn nhỏ trong chương trình Phóng viên cấp 1 có ý kiến táo bạo rằng: thay bằng camera.
Khi lớp trưởng được thay bằng… camera
Được đề xuất nếu thay lớp trưởng bằng gì đó, một số bạn nhỏ trong chương trình Phóng viên cấp 1 có ý kiến táo bạo rằng: thay bằng camera.
Các bạn nhỏ Phóng viên cấp 1 trong một chương trình quay hình tại Sa Pa – Ảnh: VTV7 |
Đã có nhiều chương trình người lớn cung cấp kỹ năng cho trẻ em, nên với Phóng viên cấp 1 chúng tôi muốn đưa ra góc nhìn khác từ chính các em. Người lớn hay áp đặt trẻ con nên việc để trẻ con nói lên tiếng nói của mình sẽ làm người lớn hiểu trẻ hơn |
Bà NHẬT HOA (giám đốc Trung tâm sản xuất các chương trình giáo dục VTV7) |
Theo các em, camera ghi nhận tất cả hoạt động trong lớp nhưng không bắt các bạn bị phạt, không có chuyện suốt ngày đi méc thầy cô…
Nhưng có em phản ứng là lắp camera sẽ mất quyền riêng tư. Cuối cùng, các em kết luận điều quan trọng là học sinh cần nâng cao tính tự giác, còn nếu thầy cô quan tâm học trò nhiều hơn thì không cần camera hay lớp trưởng.
“Nói lên tiếng nói của chúng mình”
Với tiêu chí này, Phóng viên cấp 1 xây dựng như bản tin truyền hình có tin tức, phóng sự và trò chuyện về những vấn đề các em lứa tuổi từ 8 đến 11 quan tâm.
Các em đưa ra quan điểm, chính kiến để đánh giá vấn đề. Mục đích của nhà sản xuất là muốn mang đến một không gian để các bạn nhỏ làm chủ thể “điều hành” một chương trình, qua đó giúp các em rèn luyện kỹ năng quan sát cuộc sống cũng như thể hiện sự tự tin.
Phóng viên cấp 1 không xây dựng kịch bản chi tiết, các tình huống không có sự can thiệp quá sâu của người lớn. Vì thế nhiều ý kiến đưa ra khá ngây ngô và dễ thương.
Như ý kiến các em nói về cách tự vệ khi lo sợ bị xâm hại tình dục ở tập 2: “Hãy cách xa người lạ 2,5m”.
Có bạn còn mách: “Các bạn hãy nói chú ơi chú, sao chú đẹp trai thế để chú ấy mất tập trung, lúc đó mình dễ dàng bỏ chạy”, hay chiêu “mang một củ cà rốt, nếu bị nguy hiểm thì để vào quần hoá trang” được đưa ra khiến các bạn nhỏ cười ồ và phản bác ngay.
Trong tập 1, khi nói về đề tài “Làm thế nào để hạ hỏa cơn giận của bố mẹ”, cô MC nhí đã rơi nước mắt khi tâm sự:
“Con nhiều lần phạm lỗi, bị bố mẹ đánh mắng, điều này tốt cho con nhưng bố mẹ cần hạn chế. Nhiều lần con rất bức xúc. Bố mẹ nên cố gắng kiềm chế cơn giận để không bị stress”.
Người lớn có thể bất ngờ…
Sau ba số phát sóng trên kênh còn khá mới VTV7, dễ thấy Phóng viên cấp 1 vẫn còn một số hạn chế nhất định như các em dẫn chương trình hơi gượng, một số thông tin đưa ra trong bản tin tức vượt tầm so với các em như tin“Biển cấm dạng chân trên xe buýt tại Tây Ban Nha”, “Thiết bị cảnh báo người say rượu không nên điều khiển xe”…
Nhưng trong bối cảnh có quá nhiều chương trình truyền hình thiếu nhi tập trung vào thi ca hát, năng khiếu thì Phóng viên cấp 1 khá lạ và thú vị không chỉ dành riêng cho khán giả nhí, mà còn cho cả khán giả người lớn.
Chị Ý Linh – phụ trách sản xuất Phóng viên cấp 1, từng học ngành tâm lý xã hội ở Ấn Độ – kể chị có gặp và trao đổi với một số nhà tâm lý nhưng chưa thấy có điểm chung.
Cho nên sau những buổi casting và tìm ra được 50 em có khả năng dẫn chương trình, việc xây dựng kịch bản, câu hỏi… được hình thành từ những buổi làm việc với các em.
Trước ý kiến với những học sinh cấp 1, các đề tài như phòng chống xâm hại tình dục có vẻ hơi quá sức, chị Ý Linh thẳng thắn:
“Tôi cho rằng các em ở cấp 1 đã có kiến thức cơ bản, biết nhận ra điều đúng sai. Tiêu chí của chương trình là các em nói lên tiếng nói của mình”.
Và những tiếng nói đó có khi làm người lớn bất ngờ như chia sẻ của chị: “Trong chủ đề nói về chuyện cha mẹ ly dị, thường người lớn nghĩ con còn nhỏ nên nói thật sẽ làm con buồn, vì thế họ hay nói chung chung là cha mẹ không ở với nhau…
Tuy nhiên, bọn trẻ lại nói cần biết sự thật và cho rằng cha mẹ nên chia tay trong hoà bình. Ở chủ đề về bạo lực gia đình, những đứa trẻ miền núi là khách mời kể câu chuyện về gia đình mình, cha thường xuyên đánh mẹ thì những đứa trẻ miền xuôi lại vỗ về, an ủi bạn”…
Phóng viên cấp 1 phát sóng trên kênh VTV7 lúc 20h thứ hai hằng tuần, từ ngày 10-7. Có khoảng 20 em tham gia trong mùa đầu tiên, gồm 26 số. Các chủ đề tiếp theo sẽ tìm hiểu về con trâu, yoga cười, bàn về chuyện có em, cha mẹ ly dị… |