Tên lửa Triều Tiên uy hiếp lục địa Mỹ
Tên lửa đạn đạo liên lục địa vừa được CHDCND Triều Tiên thử nghiệm có thể đe doạ nhiều thành phố lớn của Mỹ.
Tên lửa Triều Tiên uy hiếp lục địa Mỹ
Tên lửa đạn đạo liên lục địa vừa được CHDCND Triều Tiên thử nghiệm có thể đe doạ nhiều thành phố lớn của Mỹ.
Ngày 29.7, CHDCND Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14 lần thứ hai vào đêm hôm trước, với sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Lần này, Hwasong-14 được phóng từ khu vực phía tây bắc của Triều Tiên, đạt độ cao 3.724,9 km, bay được 998 km trong 47 phút 12 giây trước khi rơi xuống vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, theo KCNA. Trong lần phóng thứ nhất vào ngày 4.7, Hwasong-14 đạt độ cao 2.802 km và bay 933 km trong 39 phút trước khi rơi xuống vùng biển này. KCNA không nói rõ thời gian và địa điểm của đợt phóng ICBM lần hai. Trong khi đó, quân đội Hàn Quốc khẳng định Triều Tiên đã phóng một loại ICBM tiên tiến từ khu vực gần Nhà máy vũ khí Mupyong-ri thuộc Jagang, tỉnh phía bắc Triều Tiên giáp với Trung Quốc, vào lúc 23 giờ 41 phút ngày 28.7 (giờ địa phương), theo Yonhap. Lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh đợt phóng tên lửa mới tái khẳng định độ tin cậy của hệ thống ICBM, chứng minh khả năng phóng bất ngờ trong mọi lúc, mọi nơi và rõ ràng cho thấy toàn bộ lục địa Mỹ nằm trong tầm bắn của ICBM Triều Tiên. Ông Kim còn nhấn mạnh đợt phóng ICBM lần này nhằm gửi thông điệp “cảnh báo nghiêm khắc” tới Mỹ.
KCNA khẳng định đợt phóng Hwasong-14 mới không gây ra tác động tiêu cực đối với an ninh của các nước láng giềng. Trong khi đó, giới chức Nhật khẳng định Hwasong-14 đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm qua tuyên bố đợt phóng tên lửa vào khuya 28.7 của Triều Tiên cho thấy “mối đe doạ đối với an ninh của Nhật trở nên nghiêm trọng và có thật”, theo Reuters. Ông Abe kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép đối với Triều Tiên sau đợt phóng ICBM mới nhất. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận Triều Tiên đã phóng thử ICBM, nhưng khẳng định vụ này không gây ra mối đe doạ cho Bắc Mỹ. Dù vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án đợt phóng tên lửa mới của Triều Tiên là hành động “liều lĩnh và nguy hiểm”, sẽ khiến nước này ngày càng bị cô lập. Tổng thống Trump còn nhấn mạnh Washington sẽ áp dụng “mọi biện pháp” để đảm bảo an ninh cho người dân và bảo vệ các nước đồng minh trong khu vực, theo Reuters.
Căn cứ tên lửa bí mật
Triều Tiên không nói rõ tầm bắn của ICBM Hwasong-14 được phóng khuya 28.7. Tuy nhiên, chuyên gia tên lửa David Wright thuộc Liên minh Các nhà khoa học Mỹ (UCS) cho rằng nếu được phóng theo quỹ đạo thường, ICBM mới nhất của Triều Tiên có thể đánh trúng mục tiêu cách xa khoảng 10.400 km, đặt nhiều thành phố của Mỹ như Los Angeles, Denver, Chicago vào tầm bắn. Sau đợt phóng Hwasong-14 lần thứ nhất, chuyên gia Jeffrey Lewis tại Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí James Martin (Mỹ) cũng đã viết trên báo The Daily Beast rằng dựa vào kích thước, loại nhiên liệu và sức mạnh động cơ, các mẫu Hwasong-14 có thể tấn công các mục tiêu xa hơn ở Mỹ, trong đó có cả thành phố New York. Hôm qua, ông Lewis tiếp tục bình luận rằng đợt phóng ICBM mới hé lộ sự lợi hại của khả năng tên lửa Triều Tiên. Ông chỉ ra Mỹ đã phát hiện Triều Tiên chuẩn bị hoạt động phóng tên lửa hơn một giờ đồng hồ trước khi Hwasong-14 được phóng hôm 4.7. Tuy nhiên, ở lần thứ hai, ICBM được phóng từ địa điểm gần Nhà máy Mupyong-ri, nằm sâu trong đất liền Triều Tiên và sát biên giới Trung Quốc nên khó tấn công. Một điều ngạc nhiên nữa là lần này Triều Tiên phóng ICBM vào lúc khuya, khi phần lớn các vệ tinh dựa vào hình ảnh quang học không thể phát huy tác dụng.
Nhà bình luận Lewis còn lưu ý rằng Triều Tiên dường như đã đánh lạc hướng bằng cách tỏ dấu hiệu chuẩn bị hoạt động phóng ICBM ở thành phố Kusong thuộc tỉnh Bắc Pyongan, song lại tiến hành vụ thử từ tỉnh Jagang ở phía bắc, khiến phía Mỹ bất ngờ. Theo ông, đợt phóng ICBM mới cho thấy Triều Tiên đã có một số căn cứ tên lửa bí mật và có khả năng phân tán các ICBM của họ. Vì thế, lựa chọn tấn công phủ đầu hay ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un là “sai lầm khủng khiếp” vì không thể biết được Triều Tiên giấu tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân ở đâu.
Lựa chọn ứng phó quân sự
Vài giờ sau khi Triều Tiên phóng ICBM lần 2, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ (JCS) tiết lộ Chủ tịch JCS Joseph Dunford đã điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Lee Sun-jin để bàn về “những lựa chọn ứng phó quân sự”, theo Yonhap. Sau đó, Hàn Quốc và Mỹ tiến hành cuộc tập trận bắn tên lửa, với nhiều tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2 (tầm bắn 3.000 km) và tên lửa đất đối đất ATACMS đã được phóng dọc theo bờ biển phía đông Hàn Quốc.
TIN LIÊN QUAN
Trung Quốc đề phòng khủng hoảng Triều Tiên
Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động tăng cường binh lực tại biên giới với Triều Tiên, trong bối cảnh Mỹ để ngỏ khả năng dùng vũ lực với Bình Nhưỡng.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo tuyên bố quân đội Mỹ sẽ gửi “khí tài chiến lược” đến bán đảo Triều Tiên nhằm đáp trả cứng rắn vụ Bình Nhưỡng phóng ICBM. Ông Song không nói rõ đó là vũ khí gì, nhưng Mỹ thường triển khai tàu sân bay, oanh tạc cơ và tàu ngầm tới bán đảo Triều Tiên khi Bình Nhưỡng có động thái gây căng thẳng. Ngoài ra, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bất ngờ ra lệnh lắp đặt thêm 4 bệ phóng thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở huyện Seongju thuộc phía nam nước này. Lệnh mới đi ngược lại lập trường của chính quyền Tổng thống Moon là phải hoàn tất việc đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai tiếp 4 bệ phóng còn lại trong khẩu đội THAAD gồm 6 bệ phóng. Mỹ đã đưa vào vận hành một phần THAAD hồi đầu tháng 5 sau khi triển khai 2 bệ phóng tới khu vực. Cũng nhằm thị uy sức mạnh trước Triều Tiên sau vụ phóng ICBM mới, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc công bố đoạn phim chiếu cảnh thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo mới có sức công phá lớn và khả năng tấn công chính xác. Bộ này khẳng định loại tên lửa mới có khả năng phá huỷ căn cứ hạt nhân và boong ke ở Triều Tiên, theo Yonhap.
Ngày 29.7, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc và Nga dùng ảnh hưởng để khiến Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân và tên lửa. Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố Bắc Kinh phản đối việc Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế để tránh làm leo thang căng thẳng, theo AFP. Trong khi đó, quân đội Nga khẳng định tên lửa Bình Nhưỡng vừa phóng là tên lửa tầm trung, không phải ICBM và không gây đe doạ trực tiếp đối với nước này, theo Đài RT.
|
Văn Khoa