Nhiều nơi vẫn làm thuỷ điện nhỏ
Trong khi nhiều dự án điện gió, mặt trời và sinh khối vẫn đang xếp hàng chờ đợi phê duyệt, không ít địa phương lại liên tục gửi kiến nghị xin làm hàng loạt dự án thuỷ điện nhỏ.
Nhiều nơi vẫn làm thuỷ điện nhỏ
Trong khi nhiều dự án điện gió, mặt trời và sinh khối vẫn đang xếp hàng chờ đợi phê duyệt, không ít địa phương lại liên tục gửi kiến nghị xin làm hàng loạt dự án thuỷ điện nhỏ.
Đập chặn dòng của thuỷ điện Za Hung (Quảng Nam) – Ảnh: ĐĂNG NAM |
Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo do Hiệp hội Năng lượng VN tổ chức ngày 28-7, nhiều địa phương và các chuyên gia cho rằng thuỷ điện nhỏ và vừa là một nguồn năng lượng tái tạo vẫn cần được tiếp tục khai thác trong thời gian tới.
Xin bổ sung các dự án bị loại!
Theo quy hoạch phát triển thuỷ điện, tỉnh Lào Cai được phê duyệt 123 công trình với tổng cộng trên 1.000 MW.
Sau khi Bộ Công thương chỉ đạo rà soát quy hoạch thủy điện, địa phương này đã đưa ra ngoài quy hoạch 54 công trình do có công suất nhỏ, vị trí nằm ở vùng núi cao, trong vùng lõi vườn quốc gia…
Tuy nhiên tại hội nghị, đại diện của Sở Công thương Lào Cai cho biết một số dự án thuỷ điện đã được đưa ra khỏi quy hoạch lại tiếp tục được nghiên cứu khảo sát, đánh giá để bổ sung quy hoạch.
Do đó, đến nay đã có 10 điểm thủy điện được UBND tỉnh cho phép các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu và bổ sung quy hoạch, với tổng công suất là 128 MW.
Tương tự, trong quy hoạch tỉnh Quảng Nam có 32 dự án thuỷ điện nhỏ và vừa với tổng công suất 459,76 MW.
Địa phương này cho biết sẽ loại khỏi quy hoạch 2 dự án và dừng 1 dự án, hiện có 4 dự án đang được đầu tư và trong năm 2017 sẽ triển khai 14 dự án.
Sau khi loại 10 dự án ra khỏi quy hoạch, tỉnh Quảng Trị lại xin bổ sung 4 dự án. Riêng Đắk Lắk đã loại khỏi quy hoạch 13/22 công trình và 71/79 điểm có tiềm năng thuỷ điện, nhưng sau đó Bộ Công thương và UBND tỉnh Đắk Lắk bổ sung phê duyệt 6 dự án vào quy hoạch.
Dù bổ sung dự án vào quy hoạch, nhưng nhiều địa phương thừa nhận việc xây dựng các nhà máy thuỷ điện có nhiều vấn đề phức tạp phát sinh, nếu không giải quyết thấu đáo sẽ để lại hậu quả.
Đó là những vấn đề như chiếm đất rừng, đền bù tái định cư, vận hành thuỷ điện làm ảnh hưởng đến hạ du trong mùa lũ, dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tính bền vững của cộng đồng, đời sống người dân…
Ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, cho biết sau nhiều bất cập như làm ảnh hưởng đến môi trường rừng, xả lũ không đúng quy định…, hệ luỵ của phong trào xây dựng thuỷ điện ồ ạt những năm 2011 – 2014, thời gian qua đã có hơn 400 dự án ra khỏi quy hoạch.
Tuy nhiên, trong bối cảnh VN có nguy cơ thiếu điện năng, thuỷ điện là năng lượng sạch, tái tạo nên cần phải xem xét lại.
Theo ông Ngãi, các dự án còn có khả năng đầu tư tiếp, có công suất trên 30 MW trở lên, nên cho tiếp tục đầu tư với điều kiện đảm bảo quy trình, hạn chế tối đa phá rừng.
Ông Ngãi tính toán có thể khai thác thêm 300 – 400 dự án thuỷ điện nhỏ và vừa nữa với tổng công suất 3.000 – 4.000 MW, cung cấp khoảng 20 tỉ kWh.
Giá điện thấp là rào cản trong phát triển điện tái tạo – Ảnh: N.A. |
Điện sạch gặp khó
Trong khi nhiều địa phương vẫn muốn làm thuỷ điện, các dự án điện tái tạo vẫn đang gặp không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân. Đơn cử như tại Bình Thuận hiện có 19 dự án, nhưng đều chậm tiến độ khi triển khai.
Nguyên nhân là do giá mua điện hiện chỉ 7,8 cent/kWh, thấp hơn giá thành đầu tư, chưa đủ sức hấp dẫn để các tổ chức tín dụng cho vay vốn, nên các dự án thực hiện cầm chừng, kéo dài tiến độ.
Tương tự, một số dự án điện gió tại Bình Định đã có giấy chứng nhận đầu tư hàng chục năm nay và nhiều lần được gia hạn nhưng việc triển khai vẫn đang gặp khó khăn do cơ chế hỗ trợ giá điện gió còn thấp, không đảm bảo chỉ tiêu tài chính cho nhà đầu tư. Đối với lĩnh vực điện mặt trời, hiện đã có 20 nhà đầu tư đăng ký, nhưng địa phương này mới chỉ cấp phép cho một dự án.
Bạc Liêu cũng kêu gọi đầu tư vào điện gió và điện mặt trời, song mới chỉ có một dự án đi vào vận hành, còn lại chỉ có sáu nhà đầu tư đến xin nghiên cứu, tiếp cận, khảo sát đầu tư.
Theo lãnh đạo địa phương này, do chưa có quy hoạch quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo, suất đầu tư lại cao, giá bán thấp nên chưa thực sự hấp dẫn đầu tư…
Ngoài ra, theo ông Huỳnh Kim Lập – chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư xây dựng Thiên Tân, việc triển khai dự án còn gặp nhiều khó khăn do thủ tục rườm rà, chưa được cơ quan chức năng địa phương hỗ trợ.
Hơn nữa, suất đầu tư của năng lượng sạch khá cao nhưng giá bán điện lại thấp. Chẳng hạn, giá điện mặt trời chỉ có 9,35 cent/kWh, thấp hơn so với Thái Lan là 16 cent/kWh.
“Chưa kể những khó khăn trong đấu nối với đơn vị mua bán điện, nhà đầu tư không biết mua bán điện ở đâu, với cơ quan nào…” – ông Lập nói.
Tuy nhiên, theo ông Trần Viết Ngãi, mức giá điện mặt trời 9,35 cent/kWh là mức giá tốt, đã hấp dẫn các nhà đầu tư.
Bởi chi phí sản xuất năng lượng tái tạo đã giảm nhiều so với trước đây, chẳng hạn giá pin năng lượng đã giảm khoảng 14%/năm, giúp cho điện sản xuất từ năng lượng mặt trời đã có chi phí cạnh tranh với điện sản xuất sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà không cần trợ cấp.
Tương tự nguồn điện gió cũng có rất nhiều tiềm năng để phát triển, quan trọng là cần có công nghệ hệ thống thiết bị để kết nối điện tái tạo với lưới điện…
Vấn đề quan trọng, theo ông Ngãi, Chính phủ cần sớm lập quy hoạch về phát triển năng lượng tái tạo, đo tốc độ gió, cường độ bức xạ mặt trời, tính toán khối lượng sinh khối để xác định đầu tư cho phù hợp.
“Ngoài ra, cần có chủ trương xây dựng khu công nghệ cao với sản xuất chế tạo thiết bị công nghiệp, năng lượng tái tạo; có hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư…” – ông Ngãi đề xuất.
* Ông Đỗ Đức Quân (phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng): Kiểm soát chặt dự án thuỷ điện nhỏ và vừa Nguồn năng lượng tái tạo, gồm thuỷ điện nhỏ và vừa sẽ được ưu tiên phát triển, mục tiêu đến năm 2020 đạt tỉ lệ điện năng sản xuất là khoảng 7% và nâng lên 10% vào năm 2030. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo có các cơ chế hỗ trợ về giá cho điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối (từ bã mía, bắp…); chính sách hỗ trợ đầu tư, thuế… Riêng đối với thủy điện, hiện đã cho nghiên cứu đầu tư 260 dự án với tổng công suất 3.050 MW, còn lại 56 dự án chưa được phê duyệt với tổng công suất gần 400 MW. Với những hạn chế trong phát triển thuỷ điện cũng như năng lượng tái tạo, thời gian tới Bộ Công thương tăng cường quản lý, nhìn nhận đầy đủ những hạn chế để xây dựng chính sách phát triển mang tính bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và đi đôi với bảo vệ môi trường. |