Chọn ngành phù hợp với sức học
Sáng 10.3, khoảng 2.500 học sinh lớp 12 TP.Đà Nẵng và hơn 2.000 học sinh TP.Đà Lạt đã tham gia chương trình Tư vấn mùa thi năm 2018 của Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Lâm Đồng, Đà Nẵng tổ chức.
Chọn ngành phù hợp với sức học
Sáng 10.3, khoảng 2.500 học sinh lớp 12 TP.Đà Nẵng và hơn 2.000 học sinh TP.Đà Lạt đã tham gia chương trình Tư vấn mùa thi năm 2018 của Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Lâm Đồng, Đà Nẵng tổ chức.
Học sinh TP.Đà Lạt đặt câu hỏi cho ban tư vấn trong chương trình Tư vấn mùa thi 2018 ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Vấn đề quan tâm của phần lớn học sinh là làm thế nào để chọn ngành phù hợp với năng lực và tốt nghiệp có việc làm ngay.
Học khá, trung bình nên chọn ngành nào ?
Nguyễn Hoàng Kim Phượng, học sinh (HS) lớp 12A3, Trường THPT Thanh Khê (TP.Đà Nẵng), băn khoăn: “Những bạn có năng lực học tập khá và trung bình thì nên chọn những ngành học nào để có thể kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp?”. Một HS lớp 12 Trường THPT Thái Phiên lại thắc mắc về bậc học: “Đại học có phải con đường duy nhất để thành công?”.
Giải đáp vấn đề này, tiến sĩ Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, nhìn nhận: “Với học lực khá và trung bình, các em vẫn có nhiều cơ hội học ĐH bằng phương thức xét tuyển học bạ nếu như điểm thi THPT quốc gia có ít cơ hội hơn. Hiện nay rất nhiều trường xét tuyển ĐH theo phương thức này. Năm nay, Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn nên càng có nhiều thuận lợi cho các em. Ngoài ra, còn có các trường CĐ, trung cấp cũng luôn rộng cửa. Điều quan trọng là, các em chọn trường học phù hợp với năng lực của mình. Cùng một ngành học có rất nhiều trường đào tạo, trong đó, có trường điểm chuẩn cao, có trường điểm chuẩn thấp. Khi em thích một ngành học nào đó, em nên tìm hiểu thông tin điểm chuẩn ở nhiều trường khác nhau”.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, chia sẻ thêm: “Trong cuộc sống có nhiều người thành công đã tốt nghiệp ĐH, cũng có nhiều người thành công mà chỉ tốt nghiệp CĐ hay trung cấp. Tuy nhiên, việc học ĐH sẽ giúp các em thuận lợi hơn trong cách tiếp cận nghề nghiệp và tiến tới thành công. Điều quan trọng là các em phải năng động, ham học hỏi, trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng”.
Trả lời cho thắc mắc của HS Tống Thị Thanh Tuyền, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng), về những ngành nghề có tiềm năng về việc làm trong 4 – 5 năm tới, tiến sĩ Phan Minh Đức, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, cho rằng nhu cầu nhân lực của 2 nhóm ngành công nghệ thông tin và du lịch trong 4 – 5 năm tới vẫn còn rất cao. Vì thế, Chính phủ đã cho phép các cơ sở đào tạo được áp dụng cơ chế đặc thù với 2 nhóm ngành này.
Lê Ngọc Minh Thư, HS lớp 12B7, Trường THPT Tây Sơn (TP.Đà Lạt), thắc mắc: “Em muốn theo học ngành quản trị kinh doanh nhưng em đọc các nghiên cứu thì thấy rất ít người có việc làm. Có thầy cô nào chắc chắn là sinh viên học trong trường sẽ có việc làm, phát huy được kiến thức đã học cho công việc không?”.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng chuyện có việc làm hay không sau khi ra trường phụ thuộc nhiều yếu tố, không chỉ là bằng cấp hay ngành nghề đang học “hot” hay “không hot”. Nó phụ thuộc vào năng lực của sinh viên khi tham gia vào ngành nghề, bằng cấp có minh chứng kết quả tốt hay không.
Nhu cầu tuyển dụng giáo viên
Trả lời câu hỏi của một HS qua đường dây nóng về nhu cầu học sư phạm, muốn quay về làm việc tại tỉnh và cơ hội việc làm cho ngành sư phạm, ông Huỳnh Quang Long, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Tôi rất hoan nghênh các em khi thấy rằng sư phạm vẫn là ngành nhiều em vẫn tiếp tục đăng ký học. Trong từng giai đoạn, chúng ta vẫn rất cần giáo viên giỏi để đào tạo HS. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, ngành sư phạm cả nước và trong tỉnh vẫn sẽ tiếp tục đào tạo các em trở thành giáo viên giỏi. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, tỉnh cũng rất cần giáo viên giỏi để dạy tích hợp. Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng cũng đang rà soát lại tất cả nhu cầu về giáo viên của tỉnh nhà để công bố rộng rãi. Phần này sẽ được công khai trên mục tuyển giáo viên của website Sở GD-ĐT”.
Nguyễn Văn Huy, HS Trường THPT Tây Sơn, thắc mắc: “Đà Lạt là thành phố nhỏ, hầu hết các bạn chọn xét tuyển vào các trường ĐH của TP.HCM. Vậy trường ĐH ở địa phương có gì để níu chân HS học tại Đà Lạt?”. Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cho rằng sinh viên học tại địa phương có thuận lợi về điều kiện địa lý, chi phí học tập thấp, mối quan hệ của trường với các doanh nghiệp rất tốt, có thể giới thiệu việc làm cho sinh viên.
Báo Thanh Niên xin trân trọng cảm ơn các đơn vị đã phối hợp tổ chức thành công chương trình:
Tại Đà Nẵng: Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng), Trường ĐH Duy Tân, Công ty TNHH âm thanh – ánh sáng Hoàng Long, VNPT Đà Nẵng, Tổng công ty dịch vu viễn thông VNPT Vinaphone, Trường ĐH Tài chính – Kế toán Quảng Ngãi, Điện lực và Công an Q.Sơn Trà (Đà Nẵng), Phân hiệu Trường ĐH Nội vụ Hà Nội tại Quảng Nam, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn trao học bổng.
Tại Lâm Đồng: Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, Trường ĐH Đà Lạt, Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết Lâm Đồng, VNPT Lâm Đồng, MobiFone
Lâm Đồng, Agribank Lâm Đồng, Viettel Lâm Đồng, Trường ĐH Lạc Hồng trao học bổng, Công ty du lịch Vietravel đã đưa đón đoàn tư vấn.
|
Bên lề
Mất ngủ soạn câu hỏi
Sáng 10.3, gần 2.000 học sinh tại TP.Đà Lạt hào hứng đặt câu hỏi trong chương trình Tư vấn mùa thi 2018 tại Trường ĐH Đà Lạt. Trong đó có nhóm học sinh đến từ Trường THPT Tây Sơn, cứ mỗi lần được hỏi, cả nhóm cùng giơ tay. Trần Hoàng Bích Ngọc (lớp 12B3, Trường THPT Tây Sơn), một thành viên của nhóm học sinh này, chia sẻ: “Tối qua không hiểu sao em rất khó ngủ vì muốn ghi hết ra những thắc mắc đang còn băn khoăn, sợ sáng mai sẽ quên”.
Nữ Vương
Đặt câu hỏi, nhận điện thoại thông minh
Trong chương trình tư vấn mùa thi 2018 Báo Thanh Niên tổ chức tại Đà Nẵng, Công ty cổ phần phát triển công nghệ Mobile Star đã dành 2 phần quà đặc biệt là 2 chiếc điện thoại thông minh cho học sinh tham gia và đặt câu hỏi tư vấn tại chương trình. Theo đó, khi tham gia đặt câu hỏi, các bạn sẽ nhận về một phiếu bốc thăm trúng thưởng và bỏ vào thùng phiếu. Kết thúc chương trình tư vấn, ban tổ chức đã tiến hành bốc thăm may mắn và cơ hội đã thuộc về 2 học sinh: Tống Thị Thanh Tuyền (ảnh, trái – Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng) và Nguyễn Thị Trâm Anh (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn).
An Dy
Đưa đón học sinh đến nơi tư vấn
Các trường THPT trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã phối hợp cùng Báo Thanh Niên tổ chức xe đưa đón học sinh đến tận nơi diễn ra chương trình tư vấn. Hơn 4.000 học sinh đã được tạo điều kiện di chuyển an toàn và thuận lợi trong suốt 2 buổi của Ngày hội tư vấn. “Các em học sinh những trường vùng sâu vùng xa đã được tạo điều kiện tốt nhất để tham dự và tiếp cận những thông tin cần thiết, bổ ích của ngày hội tư vấn, góp phần giúp các em bước vào kỳ thi tự tin và đạt kết quả cao”, ông Nguyễn Văn Chương (Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng) cho biết.
An Dy
|