Các tỉ phú này đều là chủ của những tập đoàn tư nhân dẫn đầu các ngành công nghiệp, dịch vụ quan trọng của nền kinh tế VN.
Tỉ phú USD là niềm khích lệ lớn
Tại thời điểm Forbes công bố danh sách trên vào tối 6.3, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, xếp vị trí thứ 499 có tài sản 4,3 tỉ USD. Tuy nhiên, đến hết ngày 9.3, cập nhật trên Forbes cho thấy tài sản của ông Vượng là 5,7 tỉ USD. Tương tự, tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc VietJet Air, đầu tuần qua xếp thứ 766 với 3,1 tỉ USD thì đến cuối tuần, tài sản của nữ doanh nhân này tăng lên 3,5 tỉ USD.
Hai gương mặt mới của VN trong danh sách trên là ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP ô tô Trường Hải Thaco, đứng ở hạng 1.339 với tài sản trị giá 1,76 tỉ USD, tài sản bị giảm nhẹ so với mức 1,8 tỉ USD tại thời điểm công bố vào đầu tuần. Cuối cùng, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, được xếp thứ hạng 1.756 với tài sản trị giá 1,33 tỉ USD, cao hơn mức 1,3 tỉ USD trước đó. Tất cả những thay đổi số liệu tài sản này hầu như được Forbes cập nhật từ giá cổ phiếu của các cá nhân này trong cùng thời điểm.
Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo tăng vì trong tuần qua, cổ phiếu (CP) VIC, VRE hay VJC, HDB tiếp tục tăng lên. Đơn cử VIC trong tuần qua đã tăng từ 94.000 đồng/CP lên 103.500 đồng/CP trong phiên cuối tuần; VRE từ giá 51.400 đồng lên 55.700 đồng/CP…
Nhận xét về việc số lượng tỉ phú USD của VN gia tăng, chuyên gia kinh tế tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây là tin tích cực cho nền kinh tế trong quý đầu năm. Khi nền kinh tế của VN phát triển thì đi kèm với nó là tài sản của nhiều doanh nghiệp (DN) và cá nhân cũng gia tăng nhanh chóng.
“Trong bối cảnh VN, con số 4 tỉ phú USD là niềm khích lệ lớn cho khu vực kinh tế tư nhân. Xét về mặt lý thuyết, một nền kinh tế sẽ không thể nào phát triển được nếu không có kinh tế tư nhân làm đầu tàu”, ông Hiếu nhận định.
Tạo cơ hội cho DN tư nhân phát triển
Đáng chú ý là trong 4 tỉ phú USD được nêu danh lần này, có đến 2 nhân vật “dính dáng” nền công nghiệp ô tô VN. Đó là ông Phạm Nhật Vượng, đang đầu tư xây dựng thương hiệu ô tô Vinfast và ông Trần Bá Dương, nhà sản xuất lắp ráp, phân phối nhiều thương hiệu ô tô tại VN.
Từ Pháp, chuyên gia năng lượng Khương Quang Đồng – người tâm huyết với ngành công nghiệp ô tô VN từ ngày mở cửa, nhận xét đây là một tin quá tốt cho cả nền kinh tế VN, không riêng gì cho các cá nhân.
Nhận định “quá tốt” bởi theo chuyên gia này, tỉ phú USD Phạm Nhật Vượng đang xây dựng khát vọng làm ô tô cho người Việt một cách bài bản, có chiến lược lớn. Nhấn mạnh kinh tế VN muốn phát triển bền vững lớn mạnh chỉ có con đường duy nhất là ủng hộ và đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân…
Ông Đồng nói:“Hãy lấy câu chuyện của hai nhà sáng lập nên thương hiệu xe hơi Toyota (Nhật) và Hyundai (Hàn Quốc) để thấy chiến lược ủng hộ kinh tế tư nhân, tạo cơ hội để họ “bùng nổ” phát triển là điều quan trọng thế nào”.
Theo ông Đồng, trường hợp của ông Vượng với Vinfast có thể như câu chuyện của nhà sáng lập Toyota hay Hyundai trước đây. Những người xây dựng nên Toyota, Hyundai đều mang khát khao tạo ra một thương hiệu ô tô cho đất nước mình và khởi nguồn cho dự án sản xuất ô tô của tỉ phú USD Phạm Nhật Vượng cũng xuất phát từ khát vọng xây dựng một thương hiệu xe hơi Việt ra thế giới.
Người giàu đóng góp lớn cho xã hội
Trong bảng xếp hạng người giàu nhất hành tinh của Forbes, đa số các tỉ phú đều là những người sáng lập các tập đoàn về công nghệ, sản xuất ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM), các tỉ phú USD của VN được công khai đều là những công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Hoạt động của họ được minh bạch và khi kinh tế phát triển thì giá trị công ty gia tăng, CP được nhà đầu tư trong và ngoài nước chú ý…
Ông chủ Tập đoàn thép Hoà Phát vừa được Forbes nêu tên trong danh sách những người giàu nhất hành tinh
ẢNH: NGỌC THẮNG
|
Đặc biệt những tỉ phú USD này không phải chỉ có bất động sản mà phát triển ở nhiều lĩnh vực sản xuất. Họ có cả một quá trình dài mới đưa DN của mình đi lên quy mô lớn như ngày hôm nay. “Ở nhiều quốc gia, người giàu luôn được tôn trọng vì họ đóng góp nhiều cho sự phát triển của đất nước nói chung. Tôi tin rằng ở VN, những tỉ phú tự thân, người giàu vẫn luôn được trân trọng. Xã hội ngày càng phát triển, sự xuất hiện của giới nhà giàu sẽ không còn là điều xa lạ. Ở VN hiện nay nhiều tỉ phú vẫn còn ẩn mặt vì chưa đưa DN lên sàn niêm yết, chưa công khai toàn bộ tài sản… Chính phủ cần tạo điều kiện tốt hơn nữa để khuyến khích DN tư nhân phát triển. Khi đó, càng nhiều DN đưa CP lên sàn chứng khoán và theo đà đi lên của kinh tế VN, sẽ càng có thêm nhiều tỉ phú USD lộ diện. Điều này phần nào thể hiện sự phồn vinh của một quốc gia. Từ đó cũng sẽ dần dần làm thay đổi quan niệm và cái nhìn về những người giàu có tại VN so với trước đây. Điều đó cũng khiến những ông chủ DN bớt đi các e ngại để tiến đến việc công khai minh bạch hoạt động của công ty mình cũng như nói về quá trình làm giàu của cá nhân…”, TS Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh.
Triết lý kinh doanh của các tỉ phú USD Việt
Làm được một thương hiệu VN nổi tiếng, được tôn trọng, được đánh giá cao trên thế giới thì đó là giá trị tinh thần cho cả dân tộc chúng ta chứ không phải riêng Vingroup. Vấn đề tôi quan tâm là làm được cái gì cho đời, mang lại cái gì cho xã hội, cho khách hàng hoặc nói rộng ra là cho dân mình.
Ông Phạm Nhật Vượng
Kinh doanh bên cạnh việc tìm kiếm lợi nhuận thì mục tiêu cao hơn là tạo ra giá trị, nhất là các giá trị mới mẻ cho cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo
Làm DN mà không có tinh thần đóng góp và cống hiến thì không nên làm. Doanh nhân khi đã có tầm ảnh hưởng nhất định thì điều quan trọng nhất là tạo nên những tác động tích cực với cộng đồng DN. Đó mới là tâm nguyện của tôi.
Ông Trần Bá Dương
Ghi nhận giá trị tài sản của tôi cũng có nghĩa là ghi nhận giá trị tài sản của tập đoàn. Tất nhiên mình làm vì mình, vì gia đình, vì anh em trong tập đoàn nhưng thực sự thì chúng tôi tự hào khi thành quả của mình đóng góp cho xã hội ngày càng nhiều hơn.
Ông Trần Đình Long
Mai Ka (thực hiện)
|