Tội phạm ngân hàng nhiều do sở hữu chéo, lợi ích nhóm
3 năm, toà án thụ lý 107 vụ, 452 bị cáo liên quan đến ngân hàng chỉ riêng tại TP.HCM. Nguyên nhân chủ yếu, theo các chuyên gia, là do sở hữu chéo và lợi ích nhóm.
Tội phạm ngân hàng nhiều do sở hữu chéo, lợi ích nhóm
3 năm, toà án thụ lý 107 vụ, 452 bị cáo liên quan đến ngân hàng chỉ riêng tại TP.HCM. Nguyên nhân chủ yếu, theo các chuyên gia, là do sở hữu chéo và lợi ích nhóm.
Đại án Phạm Công Danh và đồng phạm (Ngân hàng VNCB) là một trong những ví dụ của loại tội phạm liên quan đến lĩnh vực ngân hàng – Ảnh: T.L. |
Nhận định trên được nhiều chuyên gia và đại biểu nêu ra tại Hội nghị Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và xử lý tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng do Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM tổ chức ngày 25-7.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Quỳnh Lan, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, cho rằng nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ án liên quan đến lĩnh vực ngân hàng thời gian gần đây là do sự lỏng lẻo và thiếu đồng bộ trong việc ban hành và thực thi các văn bản pháp luật, hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán ngân hàng.
Một số ngân hàng vì sức ép lợi nhuận đã nới lỏng điều kiện tín dụng, không tuân thủ trình tự, thủ tục quy định về cho vay.
Trong khi một số cán bộ ngân hàng suy thoái về đạo đức nghề nghiệp hoặc buông lỏng quản lý, công tác thanh tra giám sát ngân hàng còn hạn chế trong việc phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng và tiêu cực nội bộ.
Cũng theo bà Lan, có ngân hàng hoạt động yếu kém, bị đưa vào diện giám sát đặc biệt nhưng tổ giám sát thiếu trách nhiệm, không phát hiện hoặc không kịp thời ngăn chặn các hành vi trái quy định của pháp luật.
Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm là một ví dụ.
Không chỉ Phạm Công Danh cùng các đồng phạm mà thành viên tổ giám sát cũng bị khởi tố do để Danh và các đồng phạm thực hiện các giao dịch gây thiệt hại nghiêm trọng.
Thượng tá Vũ Như Hà, Trưởng Phòng PC46 Công an TP.HCM, cũng cho rằng công tác quản lý, quản trị tại các ngân hàng rất yếu kém, thậm chí có những nơi tổ kiểm soát bị vô hiệu hoá.
“Có những cán bộ giữ những vị trí không cao trong ngân hàng nhưng lại có thể vô hiệu hoá toàn bộ hệ thống kiểm soát” – ông Hà nói.
Đặc biệt, sở hữu chéo và lợi ích nhóm dẫn đến việc cho vay chỉ phục vụ lợi ích của nhóm cổ đông lớn, khiến cho hoạt động của một số tổ chức tín dụng thiếu lành mạnh, nợ xấu tăng cao.
Việc bố trí cán bộ không đủ trình độ và người thân trong gia đình vào tổ chức tín dụng, theo ông Hà, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ án trong lĩnh vực này.
Sở hữu chéo là vấn đề phát sinh gắn liền với quá trình phát triển ngân hàng thương mại cổ phần tại hầu hết các quốc gia có nền kinh tế thị trường, theo ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM.
Tuy nhiên, ông Cường thừa nhận vấn đề sở hữu chéo tại Việt Nam phát sinh nhiều tiêu cực, gây ra mất an toàn hệ thống, tác động xấu đến nền kinh tế và là nguyên nhân phát sinh các tội phạm ngân hàng.
Cũng tại hội nghị, công tố viên của Nhật Bản Takako Tsukabe (đại diện cho Tổ chức JICA), cho biết Nhật Bản cũng có loại tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng như Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh hệ thống luật pháp chặt chẽ và rõ ràng, một trong những giải pháp được áp dụng nhằm giảm loại tội phạm này là chuyển đổi nơi làm việc liên tục đối với lao động.
“Khi đó, người ta không dám làm sai bởi sẽ bị người mới dễ dàng phát hiện” – ông Takako Tsukabe nói.
Trong 3 năm, hàng trăm vụ án liên quan lĩnh vực ngân hàng Chỉ trong 3 năm (2014 – 2016), theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, Cơ quan điều tra Công an thành phố đã thụ lý 207 vụ liên quan lĩnh vực ngân hàng, trong đó toà án thụ lý 107 vụ với 452 bị cáo liên quan. Đặc biệt, nhiều lãnh đạo, cán bộ của các tổ chức tín dụng cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, vi phạm quy định cho vay hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của NH…, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Chẳng hạn, chỉ riêng vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đã gây thiệt hại cho VNCB số tiền lên tới 9.000 tỉ đồng. |