6 huy chương toán quốc tế: Việt Nam xếp 3/112 quốc gia
Ngày 22-7, đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic toán học quốc tế (IMO) năm 2017 tại Brazil cả 6/6 thí sinh đều đoạt huy chương. Trong đó có 4 huy chương vàng, 1 bạc và 1 đồng.
6 huy chương toán quốc tế: Việt Nam xếp 3/112 quốc gia
Ngày 22-7, đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic toán học quốc tế (IMO) năm 2017 tại Brazil cả 6/6 thí sinh đều đoạt huy chương. Trong đó có 4 huy chương vàng, 1 bạc và 1 đồng.
Sáu thí sinh Việt Nam dự thi IMO 2017 tại Brazil – Ảnh: Đoàn Việt Nam cung cấp |
Theo Bộ GD-ĐT, đây là kết quả cao nhất trong lịch sử 43 năm Việt Nam tham dự các kỳ IMO. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức đón đoàn tại sân bay quốc tế Nội Bài vào sáng 25-7.
Xếp thứ 3/112 quốc gia
Tại kỳ thi, hội đồng quốc tế biểu quyết phê duyệt kết quả chấm thi IMO 2017 và căn cứ quy chế IMO quyết định ngưỡng điểm cho huy chương vàng: 25 điểm, bạc: 19 điểm và đồng: 16 điểm.
Kết quả của đoàn học sinh Việt Nam như sau:
– Hoàng Hữu Quốc Huy (THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bà Rịa – Vũng Tàu; 35 điểm) huy chương vàng,
– Lê Quang Dũng (THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hoá; 28 điểm) huy chương vàng,
– Nguyễn Cảnh Hoàng (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An; 28 điểm) huy chương vàng,
– Phan Nhật Duy (THPT chuyên Hà Tĩnh, Hà Tĩnh; 25 điểm) huy chương vàng;
– Phạm Nam Khánh (THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Hà Nội; 21 điểm) huy chương bạc;
– Đỗ Văn Quyết (THPT chuyên Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc; 18 điểm) huy chương đồng.
Trong đó, Hoàng Hữu Quốc Huy cùng hai thí sinh của nước khác có điểm số cá nhân cao nhất trong hơn 600 thí sinh dự thi IMO 2017. Còn em Phạm Nam Khánh mới là học sinh lớp 11.
Với tổng số 155 điểm, đoàn Việt Nam đứng thứ 3 trong bảng tổng sắp không chính thức 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự (sau Hàn Quốc 170 điểm; Trung Quốc 159 điểm).
Các vị trí thứ 4 và thứ 5 là Hoa Kỳ và Iran.
Bà Nguyễn Thị Nam (mẹ của Lê Quang Dũng) – Ảnh: HÀ ĐỒNG |
Có lần hai mẹ con đến tiệm sách ở TP Thanh Hóa, Dũng vào chọn ra các cuốn sách mà mình yêu thích. Lúc trả tiền, trong ví tôi không đủ nên để lại sách cho tiệm. Nhìn ánh mắt của Dũng buồn buồn, tôi thương con rơi nước mắt… |
Nước mắt rơi vì hạnh phúc
“Sáng 22-7, Dũng gọi điện thoại từ Brazil về cho tôi chỉ thông báo ngắn gọn “con đoạt huy chương vàng rồi mẹ nhé”. Tôi mừng vui rơi nước mắt và mong ngóng từng ngày Dũng trở về với mẹ” – lời tâm sự của bà Nguyễn Thị Nam (55 tuổi), mẹ của Lê Quang Dũng – học sinh lớp 12 chuyên toán Trường THPT chuyên Lam Sơn, người vừa đoạt huy chương vàng IMO 2017.
Sinh năm 1999 và lớn lên nơi vùng quê nghèo thôn Mỹ Đà, xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hoá), từ nhỏ Dũng sống với mẹ. Dũng lớn lên bằng tình thương yêu, chăm chút của mẹ.
Là viên chức ngành bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hoá, bà Nam luôn dành dụm đồng lương ít ỏi của mình để chăm nuôi, lo cho Dũng học hành suốt 12 năm qua. Để có gạo ăn, dành tiền lương mua sách vở nâng cao cho Dũng, suốt những năm qua bà Nam vẫn làm một sào ruộng cấy lúa hai vụ trong năm. Hết giờ công sở, về làng quê bà Nam lại như một nông dân thực thụ.
Bà Nam kể Dũng yêu thích toán học từ nhỏ. Năm Dũng 3 tuổi, mẹ mua cuốn lịch tết về chưa kịp treo, em bóc từng tờ bỏ vào thúng rồi bảo mẹ dạy từng con số ở cuốn lịch. Sau khi mẹ dạy một, hai lần, Dũng nhớ vanh vách các con số trong cuốn lịch.
Khi đi học mẫu giáo lớp 5 tuổi, Dũng làm được toàn bộ bài tập toán trong sách giáo khoa lớp 1. Suốt những năm học tiểu học, mẹ là người luôn dạy học cho Dũng từng buổi tối, hướng dẫn Dũng làm từng bài tập.
Với niềm yêu thích toán học cộng với tố chất thông minh, chịu khó nên suốt những năm học phổ thông, đi thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, Dũng luôn đoạt giải nhất.
“Là người học chuyên môn toán, nhưng Dũng cũng rất đam mê học, nghiên cứu môn lịch sử và ngoại ngữ. Những năm học Trường THPT chuyên Lam Sơn, Dũng thường xin tiền mẹ để ngoài mua sách tham khảo, nâng cao môn toán còn mua thêm sách ngoại ngữ, lịch sử để tự học, tự nghiên cứu ở nhà.
Những năm học tiểu học, THCS ở trường huyện Hoằng Hoá, Dũng thường tham gia cuộc thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” do Phòng GD-ĐT huyện tổ chức và luôn đoạt giải nhất” – bà Nam chia sẻ.
Bà Nam tâm sự đến tháng 9 tới, khi Dũng nhập học khoa toán Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), bà sẽ gửi nhà cho bên ngoại trông coi rồi ra Hà Nội xin làm thêm để nuôi Dũng ăn học.
“Khi ra Hà Nội, hai mẹ con sẽ thuê phòng ở cùng. Tôi tìm việc làm thêm để có tiền lo cho Dũng ăn học suốt những năm ĐH phía trước. Dù cuộc sống hai mẹ con còn khó khăn, vất vả, nhưng tôi rất vui khi Dũng là con ngoan, thương mẹ và sống rất tình cảm…” – bà Nam tâm sự.
Cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Thị Hằng – giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hoá - cho biết: “Em Lê Quang Dũng vừa đoạt huy chương vàng IMO 2017 là niềm vinh dự của ngành GD-ĐT Thanh Hoá. UBND tỉnh, sở sẽ có chương trình vinh danh, tặng bằng khen, phần thưởng cho Dũng vào tháng 8 tới đây…”.
Chuyện của thí sinh cao điểm nhất
Chiều 22-7, căn nhà nhỏ của vợ chồng ông bà Hoàng Hữu Hải – Lê Thị Hương ở đường Đô Lương, P.11 – vùng ven TP Vũng Tàu – yên lặng và vắng vẻ. Ông Hải vừa ở Trà Vinh về đến nhà. Ông làm nghề thợ điện cho một công ty xây dựng ở Vũng Tàu nhưng thường xuyên phải theo công trình, xa nhà. Còn bà Hương không có việc làm ổn định, chỉ ở nhà làm lặt vặt, lo cơm nước cho hai con.
Ông Hải cho biết những năm học cấp II, Hoàng Hữu Quốc Huy chỉ học ở trường vùng ven của TP. Nhưng từ nhỏ, tư duy toán học, nhanh nhẹn của cháu đã bộc lộ. Đó là cháu tính nhẩm rất nhanh, đánh cờ tướng rất giỏi.
“Nhà không có điều kiện. Việc học của cháu chủ yếu do ý thức tự giác và tự học của cháu” – ông Hải tâm sự. Còn bà Hương cho hay có những lúc nửa đêm cả nhà đang ngủ thì cháu lại dậy học bài.
Thầy Trần Quang Vinh – giáo viên toán của Huy – nhận xét: “Huy rất thông minh, có tư duy toán rất tốt. Huy suy nghĩ nhanh, cách thức giải quyết vấn đề gọn”. Năm 12, Huy đoạt giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh, giải nhất học sinh giỏi quốc gia với 31 điểm. Hiện Huy đang nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Tài năng của 6 chàng trai Sáu học sinh Việt Nam đã trải qua 24 giờ bay để tới Rio de Janeiro (Brazil) so tài tại IMO 2017. Với hai ngày thi, mỗi ngày 270 phút phải giải quyết 3 bài toán cỡ quốc tế, học sinh của chúng ta đã cố gắng hết sức mình. Đặc biệt, em Hoàng Hữu Quốc Huy đã cùng hai học sinh của nước khác trở thành đồng thủ khoa IMO 2017 với 35 điểm. Để được 35 điểm, Huy đã phải chiến thắng 5/6 bài thi, chỉ chịu bó tay ở bài số 3 (chỉ có duy nhất học sinh Úc làm được). Bài này như GS toán học Nguyễn Tiến Zũng nhận xét: “Học sinh phổ thông gặp bài này sao mà nhằn được. Vì đọc đề đã có cảm giác là liên quan đến toán học ở mức khá cao cấp, học ở đại học, như là điều khiển tối ưu, giải tích tiệm cận, min-max, trò chơi, vi phân…”. TS Trần Nam Dũng – từng giành huy chương bạc IMO, chuyên luyện đội tuyển toán Việt Nam – cũng nhận định: “Riêng việc đọc đề và hiểu được yêu cầu của đề bài đã là không đơn giản”. Cũng như mọi đội tuyển khác, vai trò của các huấn luyện viên và đặc biệt là các thầy lãnh đạo đội rất quan trọng. Các thầy Lê Anh Vinh, Lê Bá Khánh Trình và Nguyễn Khắc Minh đã phải nghiên cứu tỉ mỉ bài làm của học sinh để bảo vệ từng dòng ý tưởng sáng tạo của trò mình trước giám khảo IMO. |
Tấm huy chương vàng “lịch sử” Tấm huy chương vàng IMO mà bạn Nguyễn Cảnh Hoàng – học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An – giành được cũng là tấm huy chương vàng “lịch sử” đầu tiên của ngành giáo dục Nghệ An tại kỳ thi này. Thầy Ngô Sỹ Thủy – hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu – cho biết huy chương của Nguyễn Cảnh Hoàng là tấm huy chương vàng IMO đầu tiên mà trường có được. “Thành tích của Hoàng không chỉ là niềm vui, tự hào của gia đình, nhà trường, mà còn có ý nghĩa vinh dự, làm rạng danh truyền thống đất học xứ Nghệ” – thầy Thủy nói. |
“Vợ chồng lo làm, có để ý chi việc học của con mô” Chiều 22-7, Facebook Phan Nhật Duy – người vừa đoạt huy chương vàng IMO 2017 – ngập tràn lời chúc mừng của bạn bè, thầy cô. Có người viết: “Một học sinh của vùng đất nghèo tham dự Olympic toán học quốc tế là ngoài trí tưởng tượng của nhiều người…”. Ông Phan Tình Nguyện (xã Sơn Tiên, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) – cha của Duy – kể vợ chồng ông có bốn người con, Duy thứ hai. Vì hoàn cảnh khó khăn, con trai đầu của ông học hết lớp 12 thì bỏ học về phụ giúp cha mẹ. “Vợ chồng chỉ biết lo làm để lo cái ăn cho con, nên có để ý chi chuyện học tập của Duy mô. Đến khi biết Duy thi đậu vào trường chuyên của tỉnh thì mới biết con nó học được” – ông Nguyện nói. |