Quân đội Ấn Độ vài năm qua đã nỗ lực xây dựng lực lượng dọc biên giới Trung Quốc nhưng gặp khó khăn trong việc bắt kịp năng lực của nước láng giềng.
Binh lực Ấn Độ ở biên giới Trung Quốc
Quân đội Ấn Độ vài năm qua đã nỗ lực xây dựng lực lượng dọc biên giới Trung Quốc nhưng gặp khó khăn trong việc bắt kịp năng lực của nước láng giềng.
Tranh chấp lãnh thổ ở biên giới Ấn Độ và Trung Quốc đã dai dẳng qua nhiều thập niên nhưng chưa hề có dấu hiệu chấm dứt. Mới đây nhất, căng thẳng tiếp tục leo thang tại khu vực giáp ranh giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan. Nguyên nhân ban đầu được cho là do Trung Quốc xây dựng tuyến đường bộ có yếu tố chiến lược, nối từ thung lũng Chumbi ở Tây Tạng sang cao nguyên Doklam, vùng đất hiện do Bhutan kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi tên là Động Lãng. Dù không có tranh chấp ở Doklam nhưng Ấn Độ phản đối kịch liệt vì cho rằng hành động của Trung Quốc có thể uy hiếp hành lang Siliguri, cửa ngõ quan trọng nối vùng lãnh thổ phía đông bắc của Ấn Độ với phần còn lại của đất nước. Theo học giả Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm nghiên cứu chính sách Ấn Độ, từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã âm thầm “gặm nhấm” nhiều phần đất ở vùng núi Himalaya khiến Ấn Độ hết sức lo ngại và phải xây dựng lực lượng đề phòng.
Binh đoàn sơn cước
Tháng 1.2014, Ấn Độ chính thức bắt đầu xây dựng quân đoàn tấn công sơn cước 17 nhằm đối phó với Trung Quốc. Bộ chỉ huy tạm thời được đặt tại TP.Ranchi (bang Jharkhand) và sẽ dời về Panagarh (bang Tây Bengal) sau khi hoàn thiện. Trước đó, nước này có 3 quân đoàn tấn công (quân đoàn 1, 2 và 21) nhưng toàn bộ đều chuyên về tác chiến ở vùng đồng bằng và nhằm chống chọi lại Pakistan. Quân đoàn 17 một khi đầy đủ lực lượng vào năm 2021 sẽ là một thành phần quan trọng giúp củng cố khả năng răn đe của Ấn Độ đối với Trung Quốc, bên cạnh việc phát triển những vũ khí hạt nhân chiến lược.
Trung Quốc tiến hành diễn tập bắn đạn thật ở Tây Tạng giữa lúc truyền thông nước này cảnh báo về nguy cơ xung đột toàn diện với Ấn Độ.
Theo tờ Times of India, quân đoàn tấn công sơn cước này sẽ có hơn 90.000 quân, được hỗ trợ bởi các lực lượng máy bay chiến đấu, xe tăng và tên lửa siêu thanh BrahMos. Quân đoàn 17 sẽ bao gồm 2 sư đoàn bộ binh (sư đoàn 59 có bộ chỉ huy tại Panagarh và sư đoàn 72 tại Pathankot, bang Punjab), trong đó có cả những lữ đoàn thiết giáp, pháo binh, công binh, phòng không – không quân và hậu cần. Vì một quân đoàn thường có 3 sư đoàn nên ngoài sư đoàn 59 và số 72, quân đội Ấn Độ sẽ bố trí thêm một sư đoàn nữa gia nhập quân đoàn 17. Hồi tháng 5, Times of India dẫn nguồn tin cho biết sư đoàn 59 sắp hoạt động đầy đủ và trọng tâm lúc này là xây dựng sư đoàn 72, dự kiến hoàn tất trong 3 năm nữa. Bên cạnh đó, quân đoàn 17 dự kiến sẽ tập trận lần đầu tiên tại vùng Ladakh, phía tây Ấn Độ trong tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay và binh lính sẽ được trang bị, huấn luyện đặc biệt nhằm đối phó với kẻ địch ở địa hình núi non hiểm trở.
Binh sĩ Ấn Độ canh gác biên giới ở bang Arunachal PradeshAFP
Mạng truyền hình India Today ngày 21.7 dẫn báo cáo của Tổng kiểm toán nhà nước (CAG) đưa tin kho đạn của Ấn Độ chỉ đủ cung cấp cho cuộc chiến căng thẳng trong 10 ngày, kém xa mức quy định là 20 ngày, khoảng thời gian để ngành quốc phòng sản xuất nguồn đạn thay thế.
Trang web an ninh Global Security nhận định rằng khi kết hợp với không quân Ấn Độ, quân đoàn 17 sẽ có khả năng tiến hành các chiến dịch tấn công trên khắp khu vực Himalaya và bảo vệ lãnh thổ đất nước trước sự xâm lấn của Trung Quốc. Theo đó, Ấn Độ có thể xuyên thủng hàng phòng ngự của Trung Quốc, vượt qua vùng cao nguyên Tây Tạng, chiếm giữ lãnh thổ nhằm làm công cụ để mặc cả trong việc dàn xếp, thương lượng sau khi chiến tranh kết thúc.
Nguồn lực hạn chế
Dù tham vọng của Ấn Độ đối với quân đoàn 17 là rất cao nhưng việc xây dựng lực lượng bị trì trệ trong suốt thời gian qua. Theo kế hoạch ban đầu, quân đội sẽ chi hơn 10 tỉ USD để quân đoàn đi vào hoạt động đầy đủ trong năm tài chính 2017 – 2018. Tuy nhiên đến lúc này, sư đoàn thứ hai mới được tập hợp và vẫn chưa rõ liệu tổng số lính của quân đoàn có đạt đúng con số đề ra ban đầu hay không. Chính phủ của Liên minh tiến bộ thống nhất (UPA) trước đây nhiều lần bị chính quyền hiện tại lôi ra chỉ trích vì không phân bổ ngân sách và lên kế hoạch cụ thể khi phê chuẩn thành lập quân đoàn 17 vào năm 2013 một cách tùy tiện.
Một vấn đề khác nghe qua có vẻ “lạ đời” đó chính là việc quân đội Ấn Độ không màng quan tâm đến việc nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng tại biên giới tranh chấp dài 3.488 km với Trung Quốc vì muốn gây trở ngại về việc di chuyển của đối phương nếu Bắc Kinh có ý đồ tấn công, theo Bloomberg. Nhà nghiên cứu Namrata Goswani thuộc Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng (trụ sở New Delhi, Ấn Độ) cho biết theo tư tưởng chiến lược của những nhà hoạch định chính sách Ấn Độ, việc thiếu thốn cơ sở hạ tầng là một cơ chế phòng thủ giúp ngăn quân Trung Quốc xâm nhập vào lãnh thổ nếu cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 tái diễn. Và tư tưởng này kéo dài cho đến giữa những năm 2000. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra những hạn chế cho Ấn Độ trong việc triển khai quân lính và hậu cần từ những vùng trung tâm đến những khu vực đồi núi ở vùng biên giới. Khoảng 10 năm trước, Ấn Độ lên đề án xây dựng 73 con đường dọc biên giới để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nhưng đến nay mới chỉ có 24 trong số này được hoàn thành.
Những nỗ lực phát triển quân đội của Ấn Độ bị cho là chưa đủ để bắt kịp với Trung Quốc, đặc biệt là sau khi nước này đã nâng cấp lực lượng và cơ sở hạ tầng tại biên giới với Ấn Độ cũng như ở những nước lân cận như Nepal, Myanmar và Pakistan trong nhiều năm qua. Hồi năm 2016, Bắc Kinh nâng cấp Bộ Tư lệnh quân sự Tây Tạng lên một bậc cao hơn so với những bộ tư lệnh cấp tỉnh khác và thuộc quyền quản lý của lục quân Trung Quốc. Giới chuyên gia nhận định bước đi này thể hiện sự quan tâm của Trung Quốc đối với nhiệm vụ chiến đấu tại khu vực biên giới tây nam, đồng thời việc tăng thẩm quyền của lực lượng quân sự tại Tây Tạng giúp đảm bảo tính sẵn sàng chiến đấu cao hơn. Tổ chức Nghiên cứu và phân tích an ninh chính trị Quỹ Jamestown (trụ sở Washington D.C, Mỹ) từng lưu ý rằng bên cạnh các căn cứ không quân, đường băng máy bay và cơ sở hậu cần, Trung Quốc đã xây dựng những tuyến đường bộ dẫn đến và dọc theo những vùng tranh chấp, nhằm hỗ trợ các hoạt động triển khai quân sự.