Bán nợ, thu hồi tài sản đảm bảo, cắt giảm lãi suất, “nuôi” khách hàng nợ xấu có khả năng hồi phục… là cam kết của lãnh đạo các nhà băng tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội,
Ngân hàng ra quân ‘rã đông’ nợ xấu
Bán nợ, thu hồi tài sản đảm bảo, cắt giảm lãi suất, “nuôi” khách hàng nợ xấu có khả năng hồi phục… là cam kết của lãnh đạo các nhà băng tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội,
Chỉ thị của Thủ tướng về xử lý nợ xấu, tái cơ cấu tổ chức tín dụng, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng chủ trì, diễn ra ngày 21.7.
Tháo được nợ xấu, lãi suất sẽ giảm
Dự trữ ngoại hối hơn 42 tỉ USD Về tỷ giá và thị trường ngoại tệ tại hội nghị, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, từ đầu năm 2016, NHNN chủ động kiểm soát tình hình, điều hành tỷ giá trung tâm và dùng các công cụ điều tiết thanh khoản nội tệ… giữ được ổn định, tăng dự trữ ngoại tệ. Tổng quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia hiện trên 42 tỉ USD.
Trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu; và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg năm 2017. Nghị quyết, chỉ thị nổi lên một số điểm mới, quan trọng như không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu; cho phép các nhà băng áp dụng một số cơ chế đặc thù, rút gọn. Theo đó, tổ chức tín dụng (TCTD), công ty mua bán nợ như VAMC… được thu giữ tài sản thế chấp nếu khách hàng chây ì không trả nợ. TCTD được phép bán tài sản đảm bảo có thể bằng hoặc thấp hơn giá trị sổ sách, được rút gọn thủ tục, thời gian khi xảy ra tranh chấp tại toà án…
Đánh giá về 2 văn bản pháp lý này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết ngành NH đang đứng trước cơ hội và thuận lợi vô cùng lớn khi cả 2 văn bản trên sẽ giúp tháo gỡ “cục máu đông” nợ xấu tồn tại nhiều năm qua. Tháo gỡ được nợ xấu sẽ khơi thông dòng vốn, nhà băng giảm chi phí phát sinh, kéo theo mặt bằng lãi suất cho vay giảm, doanh nghiệp và nền kinh tế, người dân đều được hưởng lợi.
Theo Thống đốc, sau đợt cắt giảm 0,5% lãi suất kỳ hạn ngắn vừa qua, mặt bằng lãi suất toàn hệ thống chỉ dao động từ 6 – 6,5%/năm; 8 – 10% với trung dài hạn. Với khách hàng có năng lực tốt, thậm chí mức lãi cho vay ngắn hạn chỉ từ 4 – 5%/năm. Tuy nhiên Thống đốc lưu ý: “Chúng ta còn tình trạng sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối. Hoạt động của các TCTD vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể làm mất an toàn hệ thống, tác động tiêu cực tới khách hàng, nền kinh tế”.
“Nuôi” khách hàng nợ xấu có khả năng hồi phục
Chủ tịch Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho biết NH dự kiến đưa ra một loạt giải pháp. Thứ nhất là miễn toàn bộ lãi suất phạt quá hạn, tổng điều chỉnh lãi suất của các khoản nợ xấu đã bán nợ cho VAMC và đã xử lý dự phòng rủi ro trước ngày 15.8, ngày nghị quyết có hiệu lực. Agribank dự kiến giảm nợ cho khách hàng 30.000 tỉ đồng. Thứ hai, miễn giảm lãi cho thời hạn hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cao nhất với mức miễn 100% lãi đọng để khuyến khích khách hàng tìm nguồn trả nợ gốc. Dự kiến khách hàng sẽ được miễn giảm khoảng 40.000 tỉ đồng. Thứ ba, cho vay hỗ trợ khó khăn, nuôi nợ với khách hàng có nợ đã xử lý rủi ro, nợ đã bán cho Agribank nay có nguyện vọng, có điều kiện khôi phục sản xuất, từng bước tạo nguồn trả nợ.
Theo ông Đỗ Tuấn Anh, Phó chủ tịch Techcombank, từ năm 2013 đến nay, mỗi năm Techcombank xử lý nợ xấu bằng tài sản đảm bảo trên 1.100 tỉ đồng, chiếm gần 1/3 trong tổng số hoạt động xử lý nợ xấu hằng năm. Nợ xấu của Techcombank hiện chỉ chiếm 1,57% tổng dư nợ. Ông Tuấn Anh cũng cho rằng nghị quyết ra đời là cơ hội để các TCTD nhanh chóng xử lý nợ xấu. Đặc biệt, cơ chế được thu hồi tài sản đảm bảo, thời gian xử lý tài sản đảm bảo có thể rút ngắn từ 2 – 3 năm trước đây xuống dưới 1 năm, giảm chi phí phát sinh, tăng giá trị thu hồi.
Ông Võ Minh, Giám đốc chi nhánh NHNN Đà Nẵng, đề nghị các bộ, ngành liên quan hướng dẫn nhanh chóng, cụ thể các nội dung trong nghị quyết, đề nghị địa phương sớm cho phép thành lập các công ty mua bán nợ tư nhân. Về phía địa phương nên giao các NHNN chi nhánh làm đầu mối gắn kết với các NH thương mại, các cơ quan khác để xử lý được nhanh chóng, kịp thời.