Không xây dựng được ngành công nghiệp ô tô, hằng năm Việt Nam phải bỏ ra vài tỉ USD nhập khẩu sản phẩm dẫn đến tình trạng chảy máu ngoại tệ, cán cân thương mại mất cân bằng.
Chi nhiều tỉ USD nhập xe
Không xây dựng được ngành công nghiệp ô tô, hằng năm Việt Nam phải bỏ ra vài tỉ USD nhập khẩu sản phẩm dẫn đến tình trạng chảy máu ngoại tệ, cán cân thương mại mất cân bằng.
Giá trị nhập khẩu ô tô nguyên chiếc vào VN từ năm 2012 – 2016 – Nguồn: Tổng cục Hải quanẢNH: THÁI NGUYỄN – ĐỒ HOẠ: DU SƠN
3 năm, chi nhập xe tăng gấp 5 lần
6 tháng đầu năm nay, cả nước đã nhập khẩu 51.000 ô tô nguyên chiếc các loại với tổng trị giá 1,04 tỉ USD. Cả năm 2016 VN đã phải chi 2,33 tỉ USD để nhập xe và năm 2015 thì con số này lên gần 3 tỉ USD…
Số ngoại tệ bỏ ra nhập xe tăng theo cấp số nhân. Nếu năm 2012 chúng ta chi 0,62 tỉ USD nhập xe nguyên chiếc thì chỉ sau 3 năm, số tiền này đã tăng gần gấp 5 lần. Đặc biệt, do các chính sách về thuế có liên quan đến xe hơi dưới 9 chỗ ngồi ngày càng giảm khiến nhập khẩu các dòng xe này từ các nước trong khu vực tăng phi mã.
Những đề xuất của Bộ Công thương trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đang khiến giấc mơ ô tô Việt được ‘sống’ lại, nhất là khi lệ phí trước bạ được điều chỉnh tăng thêm khiến giá xe nhập khẩu khó giảm như kỳ vọng.
Cụ thể, nhập xe từ Indonesia trong nửa đầu năm nay tăng 66 lần về lượng và 103 lần về trị giá so với cùng kỳ năm trước, đơn giá khai báo bình quân đạt 19.300 USD/chiếc. Đứng thứ hai là từ thị trường Thái Lan với 6.600 chiếc, trị giá 105 triệu USD, tăng 84,1% về lượng và 157,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, đơn giá khai báo bình quân đạt 15.800 USD/chiếc; từ Ấn Độ đạt 5.000 chiếc trị giá 21 triệu USD, đơn giá khai báo bình quân đạt 4.200 USD/chiếc…
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét, việc nhập khẩu ô tô mỗi năm đã góp phần gia tăng nhập siêu của cả nước. Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cao để hạn chế nhập nhưng điều đó lại khiến cho người tiêu dùng trong nước chịu thiệt thòi khi khó sử dụng được sản phẩm này. Trong khi ở các nước, ô tô cũng chỉ được xem là sản phẩm thông thường, người dân dễ dàng sở hữu, sử dụng. “Để hạn chế nhập siêu đồng thời phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân thì VN vẫn cần phải thúc đẩy phát triển sản xuất ô tô trong nước”, ông Long nhấn mạnh.
Từ Thái Lan, Malaysia…
Sau gần 2 thập niên xây dựng, tới nay, chúng ta mới chỉ có một nền công nghiệp lắp ráp ô tô trong khi các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… đã trở thành các nước xuất khẩu xe sang VN. Theo các chuyên gia, đây là các mô hình mà VN có thể học hỏi và tự tin sản xuất xe hơi Việt.
Đơn cử như Thái Lan, chỉ sau 10 năm lên chiến lược phát triển công nghiệp ô tô từ 1960 – 1970, hơn 50% xe hơi tại thị trường Thái là từ lắp ráp trong nước và 50% còn lại là nhập khẩu nguyên chiếc. Đến năm 2000, Thái Lan trở thành quốc gia dẫn đầu thị trường sản xuất ô tô khu vực ASEAN với 14 hãng xe lớn thế giới đều có nhà máy đặt tại đây, sản lượng 2 triệu chiếc mỗi năm. Chuyên gia năng lượng, TS Khương Quang Đồng (Pháp) cho biết, trong giai đoạn thay thế hàng nhập khẩu, Thái Lan sử dụng công cụ thuế để thu hút các công ty đa quốc gia đầu tư xây dựng nhà máy với yêu cầu phải sử dụng linh kiện trong nước, chuyển giao công nghệ. Đặc biệt đưa ra những quy định khắt khe về tỷ lệ nội địa hóa và con số này tăng dần qua các năm.
Với Malaysia, ngoài việc nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, chính phủ nước này đã lên chiến lược xây dựng thương hiệu ô tô riêng, giá rẻ, phục vụ người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là giới trẻ mới ra trường đi làm. Việc liên doanh với Mitsubishi đã giúp Malaysia cho ra đời chiếc xe Proton Saga đầu tiên vào năm 1985, song song với chính sách buộc các nhà sản xuất xe chỉ sản xuất giới hạn số lượng mẫu xe và không được cạnh tranh trực tiếp với các mẫu xe Proton. Sau Proton, Malaysia có thêm các thương hiệu xe nội địa như Perodua, Bufori… Theo TS Đồng, xe hơi Malaysia nhanh chóng xâm nhập thị trường nội địa và cạnh tranh tốt về giá từ chính sách nhất quán của chính phủ là ưu đãi lãi suất cho vay mua xe và bảo hộ nhà sản xuất. Chỉ riêng hai thương hiệu xe hơi quốc gia này đã chiếm đến 90% thị trường xe nội địa Malaysia vào những năm đầu thế kỷ 21. Đến nay, số linh kiện được sản xuất trong nước của Malaysia đạt gần con số 5.000 với tỷ lệ nội địa hoá vượt 80%.
Nghĩ về Việt Nam
Họ làm được, liệu chúng ta có thể sản xuất ô tô Việt là câu hỏi mà nhiều người đặt ra. TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) cho rằng: “Trước đây, VN không thật sự chú trọng đến nội địa hóa qua các liên doanh sản xuất ô tô mà hầu như chỉ tập trung thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Quan trọng hơn, ta lại muốn làm được đủ thứ chứ không tập trung chuyên sâu một số linh kiện để nâng dần khả năng sản xuất và năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất trong ngành. VN chỉ nên đặt mục tiêu sản xuất được một phần trong ngành ô tô. Ví dụ sản xuất được những chiếc xe hơi giá thấp để đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của càng nhiều người dân trong nước càng tốt” – ông Bích Hồ nói.
Chuyên gia Khương Quang Đồng lý giải, hơn 20 năm hoạt động, sản xuất ô tô Việt luôn bị đe doạ phải cạnh tranh trực tiếp bởi các quốc gia trong khu vực. Nguyên nhân một phần do thị trường trước đây còn quá nhỏ, không đủ sức hấp dẫn đầu tư quốc tế để phát triển các công nghiệp phụ trợ nên giá xe đắt. Tuy nhiên, nay nhu cầu thị trường, thu nhập bình quân đầu người, cơ sở hạ tầng… đã khác. Vì vậy, thị trường nội địa đang cần thêm nhiều dòng xe giá rẻ bên cạnh xe nhập giá cao để người dân có sự lựa chọn tuỳ theo tài chính, nhu cầu.
Đại diện nhà lắp ráp xe hơi của một quốc gia châu Á tại VN nhận định việc không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với phần linh kiện và phụ tùng được sản xuất trong nước hy vọng sẽ giúp giấc mơ xe hơi Việt “hồi sinh”.