Ngân và con đường xa ngút đến giảng đường
Mồ côi cha, mẹ chối bỏ từ khi còn nhỏ, bản thân mang bệnh động kinh, sống nhờ sự cưu mang của người cô ruột cũng khó khăn, nhưng Võ Thị Tuyết Ngân (thôn Láng Gòn, xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) vẫn 12 năm liền đạt học sinh giỏi.
Ngân và con đường xa ngút đến giảng đường
Mồ côi cha, mẹ chối bỏ từ khi còn nhỏ, bản thân mang bệnh động kinh, sống nhờ sự cưu mang của người cô ruột cũng khó khăn, nhưng Võ Thị Tuyết Ngân (thôn Láng Gòn, xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) vẫn 12 năm liền đạt học sinh giỏi.
Ngân phụ cô đi bán tạp hoá, trang trải chi tiêu gia đình và tiền thuốc trị động kinh – Ảnh: PHAN TUYẾT |
Nếu được học đại học, em sẽ học khoa tâm lý giáo dục hoặc ngành công nghệ sinh học về lai tạo giống. Em rất yêu thiên nhiên, muốn làm ra nhiều loại giống cây để giúp bà con nông dân bớt khổ” |
Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Tuyết Ngân đạt 24,05 điểm khối B. Nhưng cánh cửa để bước tiếp vào đại học đã đóng sập ngay trước mắt em vì nỗi lo học phí.
Trước lúc mất vì căn bệnh ung thư, cha Ngân đã trăng trối với cô em ruột: “Dù vất vả đến đâu cũng cố gắng nuôi hai đứa con anh học hành đến nơi đến chốn, để chúng thoát khỏi cảnh nghèo đói như anh”.
Bà Võ Thị Hồng Hương – cô của Ngân – nói: “Tôi luôn bị câu nói của anh ám ảnh. Bởi thế dù gia cảnh rất khó khăn, phải nuôi ba đứa con ăn học (hai học đại học, một học cấp III) nhưng tôi vẫn không thể bỏ mặc cháu. Ngoài chuyện lo ăn uống, học hành cho hai chị em Ngân, Nga, còn phải lo tiền thuốc động kinh 1 triệu đồng/tháng cho Tuyết Ngân nên cái nghèo, cái khổ cứ bám riết chúng tôi mãi không tha”.
Khi Ngân thông báo đạt 24,05 điểm thi khối B, sau giây phút vui mừng là nỗi lo lắng của cả gia đình bà Hương vì không biết lấy tiền đâu cho cháu nhập học. Bà Hương buồn bã nói: “Ăn uống mỗi người nhịn một tí là được, nhưng muốn đi học phải có tiền triệu trở lên; rồi tiền trọ, tiền ăn, tiền thuốc hằng tháng, học phí từng đợt…”.
Nghe cô nói, Ngân nói liền: “Con đã được ban giám hiệu và thầy cô Trường THPT Lý Thường Kiệt giúp đỡ rất nhiều. Có học bổng, có phần quà nào con cũng được nhà trường ưu tiên nhận đầu tiên. Cô Tài, cô Loan, cô Phước, thầy Xuân Anh còn miễn tiền học thêm cho con trong nhiều năm. Có được kết quả như thế, giờ bỏ giữa chừng con tiếc lắm. Nếu được đi học, con sẽ tranh thủ làm thêm để có tiền tự trang trải”.
Từ khi thi xong, Ngân đã đi phụ bán hàng tạp hoá cho cô rồi đi dọn nhà, chạy bàn đám cưới khi có người gọi. Mỗi ngày đi làm Ngân kiếm được 100.000 đồng, nhưng cũng chỉ đủ phụ cô mua thêm thuốc uống chứ tiền đóng học phí thì chẳng bao giờ để dành được.
Ngân ước mơ: “Nếu được đi học đại học, em sẽ học khoa tâm lý giáo dục hoặc ngành công nghệ sinh học về lai tạo giống. Bởi em rất yêu thiên nhiên, muốn làm ra nhiều loại giống cây để giúp bà con nông dân bớt khổ”. Chúng tôi tin ước mơ của em sẽ trở thành hiện thực khi có những vòng tay sẻ chia, hỗ trợ.
“Hộ nghèo triền miên của xã” Cô Loan, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 Trường THPT Lý Thường Kiệt, nhận xét: “Ngân rất chịu khó, học hành chăm chỉ, luôn vui vẻ, hòa đồng với mọi người”. Còn bà Võ Thị Kim Hương, thôn phó thôn Đá Mài 2, xã Tân Xuân, cho biết: “Gia đình cháu Ngân rất khổ, là hộ nghèo triền miên của xã bao nhiêu năm nay. Mẹ bỏ đi hơn chục năm, ba mất vì ung thư. Bà con ruột thịt ai cũng nghèo, họ có thể cho đồng quà tấm bánh chứ không đủ khả năng nuôi hai cháu ăn học”. |