Binh sĩ Hàn Quốc (gần) và Triều Tiên trong một lần canh gác tại Bàn Môn ĐiếmẢNH: REUTERS

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm qua ra tuyên bố nhấn mạnh Seoul muốn đối thoại quân sự với Bình Nhưỡng vào ngày 21.7 nhằm dừng “mọi hành động thù địch” gần đường ranh giới quân sự giữa hai nước, theo Yonhap. Cuộc đối thoại sẽ diễn ra tại Tongilgak, toà nhà của Triều Tiên nằm trong làng đình chiến Bàn Môn Điếm thuộc Vùng phi quân sự (DMZ) chia cắt bán đảo Triều Tiên kể từ năm 1953.
Seoul đề nghị Bình Nhưỡng phản hồi đề xuất mới thông qua kênh liên lạc quân sự liên Triều sau khi khôi phục lại đường dây nóng này, nhưng không nói rõ chương trình nghị sự của cuộc đối thoại.
Theo Yonhap, miền Nam có thể sẽ đề nghị hai miền Triều Tiên ngừng các chương trình phát thanh tuyên truyền chống đối nhau ở khu vực biên giới còn miền Bắc có thể yêu cầu Seoul ngăn chặn các nhà hoạt động Hàn Quốc rải tờ rơi với nội dung chống Bình Nhưỡng.
Giới quan sát dự đoán rất có khả năng Triều Tiên sẽ chấp nhận đề xuất của Hàn Quốc, nhưng có thể đề nghị một ngày khác cho cuộc đối thoại. Khi phát biểu tại Đại hội đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 5.2016, nhà lãnh đạo Kim Jong-un bày tỏ hy vọng về cuộc đối thoại quân sự với miền Nam nhằm giảm nguy cơ đụng độ vũ trang ở biên giới và hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước, theo Yonhap.
 

Nếu được tổ chức, đây sẽ là cuộc đối thoại quân sự liên Triều đầu tiên trong gần 3 năm qua. Hai bên có cuộc đối thoại quân sự lần gần nhất vào ngày 15.10.2014 để tìm cách giảm căng thẳng sau khi tàu tuần tra Hàn Quốc và Triều Tiên đọ súng trên Hoàng Hải. Cuộc đối thoại khi đó do Bình Nhưỡng đề xuất, nhưng hai bên không đạt được thỏa thuận nào.
Cùng ngày, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon đề xuất khôi phục lại các đường dây nóng quân sự và chính quyền mà miền Bắc đã cắt đứt từ năm ngoái nhằm đáp trả việc Seoul áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân hồi tháng 9.2016. Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc cũng đề xuất tổ chức cuộc gặp với quan chức Hội Chữ thập đỏ Triều Tiên vào ngày 1.8 tại Nhà Hoà bình trong Bàn Môn Điếm để bàn cách nối lại cuộc đoàn tụ cho những gia đình bị chia cắt trong Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953).
Seoul đưa ra những đề xuất nói trên sau khi Bình Nhưỡng ngày 4.7 tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà giới chuyên gia Mỹ ước tính có thể vươn tới bang Alaska.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã lên án và xem vụ phóng ICBM là hành động “khiêu khích hạt nhân”. Tuy nhiên, khi phát biểu ở Đức ngày 7.7, Tổng thống Moon nhấn mạnh ông sẵn sàng đưa mọi vấn đề lên bàn đàm phán, kể cả chương trình hạt nhân của miền Bắc và việc ký kết hiệp ước hoà bình để chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.
Hiện chưa có thông tin về phản ứng từ Triều Tiên cũng như Mỹ đối với đề xuất mới của Hàn Quốc. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm qua tuyên bố Bắc Kinh hoan nghênh đề xuất đối thoại của Seoul, nhấn mạnh việc này sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, theo Yonhap.
Triển vọng hạ nhiệt căng thẳng liên Triều - ảnh 3

 
 

 

Văn Khoa