05/11/2024

Những cái chết bí ẩn trên đảo du lịch Thái Lan

Địa điểm du lịch nổi tiếng của Thái Lan đang chật vật rũ bỏ biệt danh “đảo tử thần” sau nhiều cái chết của du khách chưa được làm rõ.

 

Những cái chết bí ẩn trên đảo du lịch Thái Lan

Địa điểm du lịch nổi tiếng của Thái Lan đang chật vật rũ bỏ biệt danh “đảo tử thần” sau nhiều cái chết của du khách chưa được làm rõ.



Du khách trên bãi biển ở đảo Koh Tao /// Reuters

Du khách trên bãi biển ở đảo Koh TaoREUTERS

Đảo Koh Tao nằm ở bờ tây vịnh Thái Lan chỉ có trên 2.000 cư dân nhưng thu hút đến 500.000 du khách hằng năm và thường xuyên có tên trong danh sách những hòn đảo được yêu thích nhất thế giới. Tuy nhiên, Koh Tao cũng bị gán những biệt danh rùng rợn như “đảo chết”, “đảo mafia” hay “đảo ám sát”, do trong 3 năm gần đây đã có ít nhất 7 du khách nước ngoài thiệt mạng. Một số vụ đầy bí ẩn và gây chấn động, thậm chí kéo theo tranh cãi gay gắt.
“Kỳ đà ăn thịt người”
Vụ việc gần đây nhất liên quan đến nữ du khách 30 tuổi người Bỉ tên Elise Dallemagne. Theo tờ Bangkok Post, thi thể Dallemagne được tìm thấy trên đảo vào ngày 27.4 trong tình trạng thối rữa và nghi bị kỳ đà ăn hết phân nửa. Nạn nhân từng sống trên đảo Koh Phangan gần đó và đến Koh Tao vào ngày 19.4. Hai ngày trước, cô còn gọi cho mẹ để báo rằng mình sắp quay về Bỉ sau khi đi du lịch suốt 18 tháng qua nhiều nước như New Zealand, Úc, Ấn Độ và Thái Lan.
 

Những cái chết bí ẩn trên đảo du lịch Thái Lan - ảnh 1

Nạn nhân chết bí ẩn Elise Dallemagne CHỤP MÀN HÌNH INDEPENDENT

Đến Koh Tao, cô thuê một ngôi nhà gỗ nhưng đến đêm thứ ba, nơi này bị cháy nghi do chập điện. Dallemagne không thuê nữa và đến khu vực vịnh Tanote lưu trú, đồng thời đặt vé từ TP.Chumphon đi Bangkok. Hành lý được gửi đến Chumphon trong khi thi thể nạn nhân được tìm thấy vài ngày sau ở một bãi đá cạnh khu rừng trên đảo. Cảnh sát thông tin rằng Dallemagne treo cổ tự sát và không bị kỳ đà ăn thịt như báo chí đưa tin. Tuy nhiên, bà Michele, mẹ nạn nhân, khẳng định Dallemagne không phải tự sát và kêu gọi công luận giúp đỡ làm sáng tỏ vụ việc.
Trước áp lực từ truyền thông và gia đình Dallemagne, cảnh sát quyết định mở lại cuộc điều tra và tổ chức họp báo nhằm công bố thông tin vụ việc cũng như các trường hợp du khách thiệt mạng trên đảo trong thời gian qua. Tờ The Independent đưa tin cảnh sát trưng ra đoạn phim được cho là hình ảnh cuối cùng của Dallemagne đang đi cách hiện trường chỉ vài mét. Tuy nhiên, bà Michele cho rằng người trong đoạn phim có hình thể to lớn hơn nhiều so với con gái mình. “Tôi e rằng còn có người liên quan. Càng ngày chúng tôi càng nghi ngờ thông tin cảnh sát đưa ra không phải là câu trả lời đúng”, bà nói. Báo đài Thái cũng đặt nghi vấn giới điều tra chưa từng phỏng vấn người dân xung quanh và không mở rộng tìm hiểu đến đảo Koh Phangan, nơi Dallemagne từng ở.
Nghi vấn mafia
Trước đó vào tháng 9.2014, cái chết của 2 du khách Anh là David Miller và Hannah Witheridge (cùng 24 tuổi) tại Koh Tao đã gây chấn động dư luận khi họ bị sát hại dã man bằng cuốc trên bãi biển và Witheridge còn bị cưỡng bức. Ngay từ lúc bắt đầu điều tra, cảnh sát địa phương đã bị chỉ trích là không chuyên nghiệp, không đúng quy trình, làm xáo trộn hiện trường…, theo Bangkok Post. Chính phủ Anh hết sức quan tâm đến vụ việc và cử chuyên gia sang theo dõi nhưng chỉ được cho phép tham gia với tư cách quan sát viên. Sau đó, cảnh sát bắt giữ 2 lao động nhập cư người Myanmar và đến tháng 12.2015, tòa án tuyên tử hình, dẫn đến làn sóng phản đối dữ dội. Dư luận Myanmar cho rằng 2 bị cáo đã bị nhục hình ép cung. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra tại Myanmar và Thái Lan phải tạm đóng cửa một số cửa khẩu, đồng thời khuyến cáo công dân không nên sang nước láng giềng vì lý do an toàn.
Đến tháng 7.2017, sau vụ cô Dallemagne, đã xuất hiện một số đồn đoán rằng Koh Tao bị một băng nhóm mafia đầy quyền lực thao túng và cảnh sát cùng nằm trong tay họ. Đặc biệt, tờ The Sun dẫn lời một người Anh tên Sean McAnna nói rằng không lâu sau cái chết của Miller và Witheridge, anh đã bị đe dọa và suýt mất mạng. “Hai nạn nhân là bạn tôi. Tôi đang trong một quán bar nói chuyện về những gì đã xảy ra thì một nhóm người địa phương trông rất dữ tợn tiến lại”, McAnna kể. “Họ nói: “Chính mày đã giết 2 người kia và tối nay, mày sẽ treo cổ tự sát. Bọn tao sẽ chứng kiến cái chết của mày”. Tôi hoảng quá liền bỏ chạy ra ngoài, lao vào một cửa hàng và nhắn tin cầu cứu cảnh sát”, McAnna nói và cho biết anh rời khỏi Koh Tao ngay sáng hôm sau. “Tôi nghĩ họ biết hung thủ là ai và muốn kiếm người thế tội”, anh tuyên bố với The Sun. Nhà chức trách nhanh chóng phủ nhận mọi cáo buộc và có nhiều động thái tăng cường an ninh để nỗ lực xây dựng lại hình ảnh hòn đảo du lịch thân thiện nhưng vẫn chưa thể dập tắt các lời đồn.
“Tự trói quặt tay ra sau”
Theo trang News.com.au, ngoài các vụ án nói trên còn có 4 trường hợp tử vong khác liên quan đến người nước ngoài ở Koh Tao từ năm 2014 và người thân của hầu hết các nạn nhân đều chỉ trích cách làm việc của cảnh sát sở tại. Trong đó, có vụ thiệt mạng của du khách Pháp Dimitri Povse hồi tháng 1.2015. Nhà chức trách kết luận là tự sát sau khi thi thể anh được phát hiện trong tư thế treo cổ trong phòng trọ cùng lá thư tuyệt mệnh. Điều đáng nói là hai tay nạn nhân bị trói quặt ra sau nhưng các điều tra viên tuyên bố anh “tự trói tay”.
Cũng trong tháng 1.2015, nữ du khách Anh Christina Annesley (23 tuổi) tử vong trong phòng tại khu nghỉ dưỡng Touch. Kết quả điều tra nhận định nạn nhân đã uống thuốc kháng sinh với rượu nên bị sốc nhưng gia đình Annesley khẳng định cảnh sát không hề tiến hành xét nghiệm độc tố.


 

Khánh An