Áp lực các quận nội thành
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2017 – 2018, TP có tổng số 101.720 học sinh (HS) lớp 9, tăng xấp xỉ 20.000 so với năm học trước. Trong khi đó, theo thông tin dự kiến, tỷ lệ HS vào công lập năm học 2018 – 2019 sẽ dao động ở mức 75%. Như vậy, năm học tới có khoảng 76.000 HS vào trường công, còn lại khoảng 25.000 HS sẽ học các mô hình khác. So với kỳ tuyển sinh 2017, số HS không trúng tuyển sắp tới cao hơn gần 10.000.
Từ số liệu này, cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), nhận định: “Mức độ cạnh tranh cao đòi hỏi HS phải nỗ lực tối đa trong việc học kết hợp với sự lựa chọn nguyện vọng một cách chính xác, phù hợp”. Đặc biệt, HS các trường THCS ở khu vực nội thành, khu vực gặp áp lực về dân nhập cư, thì “cửa” vào lớp 10 có thể sẽ hẹp hơn”.
Chẳng hạn tại Q.1 có 4 trường THPT, qua thăm dò, chỉ có Trường THPT Ernst Thalmann tăng chỉ tiêu với số lượng không đáng kể (30 HS), còn lại 3 trường Trưng Vương, Bùi Thị Xuân, Lương Thế Vinh tuyển số lượng bằng năm trước. Trong khi đó, quận này có 4.958 HS lớp 9, tính ra số chỗ học lớp 10 trường công chưa đáp ứng được 50% tổng số HS.
Tương tự, Q.Tân Phú tăng khoảng 2.000 HS so với năm trước, nâng tổng số HS lớp 9 năm nay là 7.015. Trong khi tổng chỉ tiêu lớp 10 dự kiến của 4 trường THPT của Q.Tân Phú vào khoảng 3.100, chỉ đáp ứng gần 45%. Đặc biệt, Trường THPT Trần Phú dự kiến tuyển 18 lớp, giảm 90 HS, Trường Lê Trọng Tấn giảm 45 HS.
Q.Gò Vấp dẫn đầu TP về số lượng HS lớp 9. Cụ thể quận này có 7.407 HS trong khi trung bình hằng năm, các trường THPT tại địa bàn này tuyển khoảng 3.200 HS. Do vậy ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó phòng GD Q.Gò Vấp, cho biết với áp lực như vậy, quận dự kiến xây dựng kế hoạch ôn tập cho HS sau khi hoàn thành chương trình lớp 9. Đồng thời lưu ý giáo viên định hướng, tư vấn cho phụ huynh, HS chọn nguyện vọng đúng và trúng.
Lựa chọn trường ở khu vực lân cận
Trước áp lực chỗ học trường công cao hơn năm trước, ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú), cho hay sau khi có kết quả kiểm tra học kỳ 1, nhà trường tiến hành phân loại trình độ HS để giáo viên có cơ sở vừa dạy kiến thức mới, ôn tập kiến thức cũ cho phù hợp, và đến khi kết thúc học kỳ 2 là bước vào giai đoạn tăng tốc. Ông Hùng cũng lưu ý, với số HS tăng gần 2.000 mà chỉ tiêu tuyển sinh lại giảm nên hy vọng trường ở các khu vực lân cận như quận 11, Bình Tân, H.Bình Chánh sẽ “gánh bớt” HS Tân Phú. Ông Hùng tư vấn thêm: Có một số trường, HS không nên căn cứ vào điểm chuẩn năm trước khi chọn nguyện vọng. Chẳng hạn, với Trường THPT Lê Trọng Tấn (Q.Tân Phú), năm học 2017 – 2018 là năm đầu tiên tuyển sinh nên số học trò lựa chọn không nhiều, vì vậy điểm chuẩn là 26. Nhưng năm nay số điểm có thể tăng đến mức 30 điểm.
Còn hiệu trưởng một trường THCS tại Q.1 cũng dự định tư vấn cho HS Q.1 có thể lựa chọn nguyện vọng các trường THPT tại Q.3. Vì Q.3 có 3.602 HS lớp 9 trong khi dự kiến chỉ tiêu của những trường đóng tại quận này xấp xỉ 3.000. Trong đó, Trường THPT Marie Curie là một trong những trường có chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất TP, với khoảng 1.000 HS.
Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó phòng GD Q.Gò Vấp, cũng nói rằng với những quận gặp áp lực thì HS nên chọn trường lân cận. Ông Thanh đưa ra ví dụ, HS Gò Vấp, tùy vào học lực, nếu giỏi thì chọn Trường Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận) hoặc thấp hơn thì chọn Trường Chinh (Q.12) hay Phan Đăng Lưu (Bình Thạnh)… Được biết, sở dĩ các trường ở Q.Phú Nhuận là điểm đến lý tưởng vì đây là một trong 5 quận, huyện có số HS thấp nhất TP, với 1.947 HS. Trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của 2 trường THPT tại quận này xấp xỉ 1.500.
BÍCH THANH