12/01/2025

Mục tiêu bất khả của tình báo Mỹ

Những điều phương Tây biết về lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un vẫn chỉ là đồn đoán hoặc thông tin khó xác minh.

 

Mục tiêu bất khả của tình báo Mỹ

Những điều phương Tây biết về lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un vẫn chỉ là đồn đoán hoặc thông tin khó xác minh.

 

 

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un quan sát một đợt thử tên lửa của Triều TiênREUTERS

Triều Tiên đã đạt được những bước tiến nhanh chóng, vượt xa dự đoán của giới chuyên gia nước ngoài, về chương trình tên lửa và hạt nhân. Mới đây nhất, Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và đủ sức đưa lãnh thổ Mỹ vào tầm ngắm. Sự tăng tốc này thể hiện rất rõ từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền cuối năm 2011. Do đó, một trong những mục tiêu lớn của Mỹ và Hàn Quốc là hiểu được ý định của nhà lãnh đạo 33 tuổi. Tuy nhiên, tờ The Atlantic dẫn lời giới chuyên gia đánh giá đây là những nhiệm vụ “khó nhằn” nhất của giới tình báo. Những gì bên ngoài biết về ông Kim đến nay đa phần là những thông tin rất khó xác minh từ nguồn không chính thống hoặc người Triều Tiên đào tẩu.
Công nghệ cũng bó tay
Với sự phát triển của khoa học, người Mỹ từng tin rằng có thể giải quyết những vấn đề khó khăn nhất bằng kỹ thuật và máy móc hiện đại. Nước này cũng là quốc gia đi đầu trong công nghệ do thám tinh vi nhưng lại không thể áp dụng được với trường hợp Triều Tiên và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Theo truyền thông Hàn Quốc, miền Bắc đã phát triển hệ thống bảo mật thông tin quân sự cực kỳ lợi hại khiến lực lượng nước ngoài rất khó khăn trong việc dùng thiết bị theo dõi phương tiện liên lạc nội bộ cũng như hoạt động phát triển tên lửa và hạt nhân. Theo dõi qua hình ảnh vệ tinh cũng không mang lại kết quả chính xác. Sau cuộc phóng tên lửa hôm 4.7, giới chức Washington thừa nhận dù biết trước Triều Tiên sẽ phóng tên lửa nhưng họ vẫn bất ngờ vì tên lửa Hwasong-14 “mới” hơn so với dự báo và tính toán.
Bên cạnh đó, hồi tháng 5, nguồn tin từ Seoul tiết lộ lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) đã lên kế hoạch thiết lập Đơn vị tình báo con người (HUMINT) chuyên thu thập, phân tích thông tin về Triều Tiên và ông Kim Jong-un. Mỹ sẽ dựa vào các đầu mối như người Triều Tiên đào tẩu, người nước ngoài từng đến thăm Bình Nhưỡng và các cơ quan tình báo khác để khai thác thông tin về chính quyền ông Kim. Tuy nhiên, đây là điều vô cùng khó khăn vì hệ thống an ninh nội địa và phản gián của Triều Tiên cực kỳ lợi hại. Theo báo mạng The Huffington Post, Mỹ không có hoặc rất ít điệp viên cài cắm tại Triều Tiên, trong khi để biết thông tin quan trọng về giới lãnh đạo Bình Nhưỡng thì phải xâm nhập đầu mối cấp cao.
Mục tiêu bất khả của tình báo Mỹ - ảnh 1

Người dân Triều Tiên theo dõi hình ảnh vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 vào ngày 4.7REUTERS

Đồn đoán
Tờ The Atlantic dẫn các nguồn tin tình báo cho hay nhu cầu tìm hiểu về lãnh đạo Kim Jong-un đã có từ trước khi ông tiếp quản vị trí cha để lại. Vào cuối năm 2009, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã biên soạn hồ sơ về ông Kim dựa vào lời kể của ông Kenji Fujimoto. Công dân Nhật Bản này từng là đầu bếp riêng của cố lãnh đạo Kim Jong-il trong giai đoạn 1989 – 2001 và nằm trong số ít người nước ngoài có quan hệ thân thiết với gia đình lãnh đạo Triều Tiên.
Trước đây, ông Fujimoto tiết lộ ông Kim Jong-un từ lúc nhỏ đã tỏ rõ bản lĩnh và phong cách mạnh mẽ nên đầu bếp người Nhật tin tưởng ông có thể lãnh đạo Triều Tiên theo hướng tốt đẹp, lựa chọn con đường cải cách. Sau lần trở lại Bình Nhưỡng hồi năm ngoái, truyền thông Nhật Bản dẫn lời Fujimoto cho biết ông Kim đã lý giải về việc tiến hành hàng loạt vụ phóng tên lửa. Theo đó, nhà lãnh đạo trẻ đã nói: “Tôi không có ý định khơi mào chiến tranh. Chỉ có điều mỗi khi chúng tôi cử một nhà ngoại giao tiếp cận Mỹ thì họ lại đưa ra những yêu cầu vô lý nên chúng tôi phải tỏ thực lực cho họ thấy”.
Ngoài ra, ông Kim Jong-un còn được khắc họa bằng vô số đồn đoán khác từ những người Triều Tiên đào tẩu và báo chí Hàn Quốc nhưng không ai có thể chắc chắn về tính cách và ý định của ông. Có người cho rằng nhà lãnh đạo chịu ảnh hưởng bởi phong cách phương Tây vì từng du học ở Thuỵ Sĩ. Trong khi đó, nhiều nhà quan sát đánh giá ông còn mạnh mẽ và quyết liệt hơn cha mình. Tuy nhiên, tất cả đều không đủ chỉ dấu cho Mỹ để dự đoán bước đi của ông Kim Jong-un. Theo giới phân tích, chính quyền Washington phải nắm bắt được ý định của ông Kim thì mới có hướng tiếp cận và ứng phó phù hợp với chương trình hạt nhân – tên lửa Triều Tiên. Mặc dù vậy, hiện nay gần như không “thuật toán” nào có thể giúp giải quyết mục tiêu gần như bất khả này.

 

Mỹ cân nhắc trừng phạt công ty Trung Quốc
Reuters ngày 14.7 dẫn lời hai quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhắm vào các ngân hàng nhỏ và những công ty khác của Trung Quốc vì thất vọng với sự miễn cưỡng của Bắc Kinh trong việc gây sức ép lên Bình Nhưỡng.
Các biện pháp này bước đầu chỉ áp dụng với các tổ chức tài chính cỡ nhỏ và công ty bình phong có liên hệ với chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Các ngân hàng lớn của Trung Quốc hiện chưa bị đụng đến. Thời điểm và quy mô các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ phụ thuộc vào cách phản ứng của Bắc Kinh khi giới chức Mỹ và Trung Quốc nhóm họp tại một cuộc đối thoại kinh tế cấp cao vào tuần tới, theo nguồn tin của Reuters.
Tổng thống Trump và các phụ tá trong vài tuần qua đã thể hiện sự thất vọng đối với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Triều Tiên, đặc biệt kể từ khi Bình Nhưỡng thử ICBM đầu tiên vào ngày 4.7. “Tổng thống đang mất kiên nhẫn với Trung Quốc”, một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters và cho hay sẽ có “cách tiếp cận mạnh mẽ hơn để trừng phạt các tổ chức Trung Quốc trong tương lai không quá xa”.

Triều Tiên bị nghi gia tăng sản xuất nguyên liệu hạt nhân
Yonhap ngày 15.7 dẫn một nghiên cứu được đăng trên 38 North, trang web của Mỹ chuyên về Triều Tiên, cho hay Bình Nhưỡng dường như đã gia tăng việc sản xuất plutonium tại cơ sở hạt nhân chính Yongbyon từ tháng 9.2016 đến tháng 6.2017. Những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy tại phòng thí nghiệm hóa phóng xạ ở Yongbyon có ít nhất 2 chương trình tái chế nhằm tạo ra một lượng plutonium chưa được xác định có thể làm gia tăng kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, theo nghiên cứu. Tài liệu này còn lưu ý đang có sự gia tăng hoạt động tại cơ sở làm giàu uranium ở Yongbyon.
Triều Tiên được cho là đã sử dụng plutonium cho các đợt thử hạt nhân trong năm 2006 và 2009, nhưng một số nhà phân tích cho rằng nước này có thể đã dùng uranium cho đợt thử lần gần nhất vào tháng 9.2016. Nếu được xác nhận, điều này đánh dấu bước tiến trong chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vì việc làm giàu uranium khó phát hiện hơn so với plutonium. Triều Tiên từng tiến hành 5 đợt thử hạt nhân dưới lòng đất và phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) lần đầu tiên hôm 4.7. Giới chuyên gia tin rằng sớm muộn gì Triều Tiên cũng sẽ phát triển thành công ICBM có thể bắn đầu đạn hạt nhân tới lục địa Mỹ. Hồi tháng 4, các chuyên gia tại 38 North ước tính Triều Tiên có thể sở hữu tới 20 bom hạt nhân và mỗi tháng có thể chế tạo 1 quả, theo Reuters. 
  Văn Khoa