Biến đồng cói hoang thành cánh đồng vàng
Đi qua quốc lộ 1 đoạn xã Bình An, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, không ai bỏ qua được vẻ thơ mộng của cánh đồng rộng 15ha nơi đây.
Biến đồng cói hoang thành cánh đồng vàng
Đi qua quốc lộ 1 đoạn xã Bình An, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, không ai bỏ qua được vẻ thơ mộng của cánh đồng rộng 15ha nơi đây.
Ông Ba Minh, người tiên phong đến đồng cói Bình An cải tạo đất làm trang trại hơn chục năm về trước, hái đài sen trong ao rộng 2ha – Ảnh: LÊ TRUNG |
Đó là hình ảnh những triền lúa xanh ngát, những ruộng sen nhú những cánh hồng. Và thấp thoáng những trang trại trù phú với đàn bò nhẩn nhơ gặm cỏ.
Hơn 15 năm về trước, cánh đồng này um tùm cói hoang. Cói mọc trong đồng trũng, nước nhiễm phèn nên không loài gì mọc được. Nhưng rồi cói cũng nhường chỗ cho những nông dân trì chí, dám nghĩ dám làm.
Người tiên phong mở đất
Con đường mòn rộng chừng 2m dẫn vào trang trại của ông Ba Minh lọt thỏm giữa cánh đồng sen thơm ngát. Mùa này, mỗi sáng sớm ông cùng các con cặm cụi cắt đài sen lấy hạt bán.
“Năm nay sen được giá nên tranh thủ hái, kịp giao cho thương lái vào mua” – ông cười giải thích. Ở xã Bình An, giờ đây ông thuộc dạng có của ăn của để, khác hồi xưa nghèo rớt mùng tơi.
Lúc đó là năm 2000. Cánh đồng cói có từ đời nào, cứ hoang hóa vậy trong khi dân không có đất sản xuất. Những cán bộ ở xã thấy vậy nên khuyến khích người dân cải tạo đất để làm nông. Nhưng ai cũng lắc đầu ngao ngán, không dám làm.
Nhưng ông Ba Minh thì khác. Ông thấy lời khuyên đó có lý. Vốn là nông dân rặt, sợ gì gian nan. Thế là ông bàn với vợ lên xã xin mượn 3ha đất để mở trang trại.
Năm 2002, vợ chồng ông đùm túm áo quần, nồi niêu xoong chảo ra giữa đồng cói dựng cái lều nhỏ nhỏ, cắt cói làm phên, làm mái. Sau đó là cả một quá trình vợ chồng chiến đấu bền bỉ với con đất.
Bắt tay vô làm mới thấy gian nan. Cói đan dày bịt. Nước sâu tận ngực. Ông kêu gọi cả gia đình, người thân phụ thêm, hì hục phát quang đồng cói, rồi mua đất về đắp cao lên thành bờ. Đồng trũng bị ngập sâu, đổ bao nhiêu đất nó cũng nuốt hết trơn. Nhưng vợ chồng cứ bền bỉ, bền bỉ…
Rồi dần dần những bờ đất cũng hiện ra với bao nhiêu là mồ hôi nước mắt. “Cả quá trình vừa cải tạo đất vừa làm trang trại với quy mô nhỏ cũng mất gần năm năm chứ không phải ít” – ông Ba Minh ngồi giữa đồng sen thơm ngát nhớ lại.
Rồi năm 2003, ông vay 200 triệu đồng làm chuồng trại và bắt đầu với việc nuôi vịt. Những năm 2004-2005, đàn vịt của ông có lúc lên đến 10.000 con, vừa bán thịt vừa bán giống và cả trứng.
Có chút đỉnh vốn, ông mở rộng làm chuồng trại nuôi thêm bò, heo, gà, làm ao thả cá, trồng thêm lúa, keo, bạch đàn. Cải tạo đất được chỗ nào thì làm chỗ đó, như tằm ăn dâu. Rồi cứ dần dần khai phá tiếp và mở rộng.
Bà Nguyễn Thị Luận – vợ ông Minh – nói hồi đó nghe chồng bàn chuyện phát cói làm ruộng bà lo lắm, cứ nghĩ ông liều. Với lại chỉ có hai bàn tay trắng, làm sao mà làm?
“Nhưng ổng quyết tâm quá nên tui cũng theo. Nói thiệt mới đầu lên đó bao nhiêu cái khó ập đến, nhưng vợ chồng đều quyết tâm phải làm cho được” – bà tâm sự.
Trời không phụ người cần mẫn. Giờ đây mỗi năm từ heo, bò, gà, vịt, lúa, keo, sen… vợ chồng ông Minh thu gần một 1 tỉ đồng. Trừ chi phí còn lời 300-500 triệu đồng, tuỳ tình hình giá cả. Cuộc sống gia đình ông Minh cứ thế khấm khá lên.
Đồng cói hoang 15ha ngày xưa giờ chỉ còn lơ thơ vài ba sào, nhường chỗ cho đồng lúa, đồng sen – Ảnh: LÊ TRUNG |
Theo ông Ba Minh ra đồng cói
Thấy ông Ba Minh thành công với mô hình trang trại, vài nông dân ở xã Bình An cũng học theo trồng sen, nuôi gà vịt. Vì thế cánh đồng cói Bình An hoang hóa từ thời cha ông giờ đã trở thành mảnh đất phì nhiêu tươi tốt.
Ngoài ông Ba Minh, giờ đồng cói có thêm 2 “triệu phú” là ông Nguyễn Văn Thuật (45 tuổi) với mô hình nuôi cá tra, vịt; ông Trần Xuân Đạo (47 tuổi) với mô hình trồng sen, nuôi cá.
Nói về việc theo ông Ba Minh ra đây, ông Thuật thiệt thà: “Thời điểm đó thấy ông Minh thành công với trang trại ai cũng thèm, nhưng không dám làm như ổng. Tui nghĩ ổng làm được sao mình không làm được? Vậy mà cũng mất 2-3 năm cải tạo đất”.
Mô hình của ông Thuật là VAC – vườn, ao, chuồng. Ông làm 4 khu chuồng trại để nuôi vịt, dưới ao thì thả cá tra, trên bờ ông trồng bạch đàn lấy gỗ.
Chưa nhiều nhưng nhiêu đó mỗi năm ông cũng thu 100-200 triệu đồng. Còn số gia đình chưa khấm khá nhưng nhờ cải tạo đồng cói hoang để có công việc, có thu nhập, lo cho con ăn học thì nhiều.
Chỉ tay ra đồng cói, ông Trần Văn Phường – phó chủ tịch UBND xã Bình An – cho biết: 15ha hoang hoá ngày xưa giờ chỉ còn có vài ba sào. Tất cả đất đã được người dân mượn để trồng trọt, chăn nuôi. Không còn cảnh um tùm, hoang hóa như xưa nữa.
Ông Phường cho biết đến giờ, trên đồng cói đã có gần 20 hộ dân mượn đất làm trang trại, một số nhỏ thì trồng lúa. Cũng từ đây nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.
“Họ có công rất lớn biến vùng đất hoang hóa này thành mảnh đất tốt tươi. Họ đã làm giàu bằng chính mồ hôi, nước mắt của mình với một ý chí rất đáng nể phục” – ông Phường bộc bạch.
Trả hết nợ, con học thành tài Vài năm trước, thấy trồng lúa không còn hiệu quả nữa, ông Ba Minh chuyển sang trồng gần 2ha sen. Riêng 2ha sen mỗi năm trừ hết công cán còn lời khoảng 100 triệu đồng. Hớp miếng trà thơm, ông cười sảng khoái: số tiền vay 200 triệu đồng đã trả xong, giờ chỉ có làm và tích lũy. Cũng nhờ mồ hôi đổ ra trên cánh đồng cói mà năm người con nhà ông Ba Minh học hành đàng hoàng. Đã có ba người con tốt nghiệp đại học đi làm, hai người còn học phổ thông. |