‘Cạn’ vốn vay ưu đãi, người mua nhà xã hội mòn mỏi chờ
Từ khi gói vay 30.000 tỉ đồng kết thúc vào cuối năm 2016, người mua nhà ở xã hội không còn được tiếp cận thêm nguồn vốn ưu đãi nào.
‘Cạn’ vốn vay ưu đãi, người mua nhà xã hội mòn mỏi chờ
Hiện nay nguồn vốn vay ưu đãi bị ách tắc khiến nhiều người không dám mua nhà ở xã hội. Trong ảnh: Khách hàng tìm hiểu mua nhà ở xã hội tại một dự án ở Q.7 (TP.HCM) – Ảnh: XUÂN HƯNG
Từ tháng 4-2017, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung cho Ngân hàng Chính sách xã hội 2.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội cho người có công với cách mạng và các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Nhưng đến nay, cả doanh nghiệp và người mua nhà vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này.
Mòn mỏi chờ… vốn vay
Anh Hoàng Nhật (Q.Tân Bình, TP.HCM) mua nhà ở xã hội tại một dự án ở Q.Bình Tân. Khi tìm hiểu, chủ đầu tư cho anh biết hiện không có nguồn vốn vay ưu đãi nào nên khách hàng phải vay tiền với lãi suất thương mại 8%/năm. Trong đó, chủ đầu tư sẽ bù 2% lãi vay trong vòng hai năm.
Do có nhu cầu cần mua nhà ngay nên anh Nhật phải chấp nhận mua nhà trong tâm trạng lo sợ lãi suất ngân hàng tăng lên, vượt khả năng chi trả của anh.
Hơn một năm nay, dù có nhu cầu mua nhà nhưng bà Nguyễn Thị Lan (Q.Bình Thạnh) đành phải chờ vay vốn ưu đãi. Bà Lan cho biết ngoài số tiền gom góp được để mua nhà bà phải vay thêm tầm 400 – 500 triệu đồng.
“Không có vốn vay ưu đãi thì đành chờ, chứ vay lãi suất thương mại trôi nổi, tôi lo lãi suất tăng lên mình không trả lãi nổi” – bà Lan chia sẻ.
Ông Trương Anh Tuấn, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân, cho biết hiện tập đoàn này đang triển khai khoảng 22 dự án nhà ở xã hội trên cả nước. Việc “tắc” nguồn vốn cho vay mua nhà ở xã hội khiến một số dự án xây dựng dở dang, chậm trễ. Muốn kích cầu, doanh nghiệp phải bù lãi suất cho những khách hàng có nhu cầu mua nhà.
“Cả khách hàng và doanh nghiệp đều chờ nguồn vốn vay ưu đãi. Không có nguồn vốn này sẽ rất khó cho người dân mua nhà ở xã hội” – ông Tuấn nói.
Theo đại diện Công ty cổ phần đầu tư Nam Long, hiện nay nguồn vốn cho nhà ở xã hội chỉ là gián tiếp, chủ yếu chỉ để kích cầu qua một số ngân hàng nhà nước dưới dạng hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, nguồn vốn này ít, trong năm 2018 chỉ được phân bổ khoảng 500 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Nguồn vốn này cũng chỉ hỗ trợ người mua, không hỗ trợ doanh nghiệp.
Ít người được vay
Ông Đào Anh Tuấn – giám đốc ban tín dụng học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách xã hội VN – cho biết nghị định của Chính phủ có hiệu lực từ năm 2015, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay để thực hiện chính sách hỗ trợ xây nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến hết năm 2017 ngân hàng vẫn chưa được giao vốn.
Theo kế hoạch, năm nay Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ được Chính phủ bố trí nguồn vốn 500 tỉ đồng trong tổng số vốn 1.062 tỉ đồng. Con số 1.062 tỉ đồng là 50% số vốn ngân sách nhà nước cấp để cho vay theo chương trình hỗ trợ xây nhà ở xã hội.
Ông Tuấn cho biết hiện ngân hàng đang trình Bộ Tài chính để bố trí nguồn vốn. Sau khi được bố trí vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ thông báo ngay đến các chi nhánh để các chi nhánh thông báo cho khách hàng có đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn tiếp cận nguồn vốn này. Ngân hàng cũng đang trình Chính phủ mức lãi suất cho vay dự kiến trong năm 2018 là 4,8%/năm.
Những đối tượng được vay vốn gồm: người có công, hộ nghèo, cận nghèo, người có thu nhập thấp, công chức viên chức. Trước mắt, Ngân hàng Chính sách xã hội được Chính phủ giao thực hiện cho vay với các cá nhân và hộ gia đình vay vốn để mua, thuê mua; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.
“Hiện nay, vướng mắc lớn nhất vẫn là nguồn vốn, vì với nguồn vốn 500 tỉ đồng mà phân bổ cho 63 tỉnh thành thì không thấm vào đâu. Với nguồn vốn hạn chế như vậy thì số người được vay rất ít” – ông Tuấn cho biết.
Đề nghị chi tiền bù lãi suất cho ngân hàng thương mại
Theo ông Nguyễn Trọng Ninh – cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tháng 9-2017, Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, đề nghị chỉ đạo Bộ Kế hoạch – đầu tư báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho điều chuyển 500 tỉ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại để cho vay.
Theo đó, các ngân hàng này sẽ huy động được trên 16.000 tỉ đồng cho cả doanh nghiệp đầu tư xây nhà ở xã hội và người dân mua nhà vay.
Theo vị cục trưởng, hiện nay nguồn vốn vay ưu đãi để phục vụ phát triển nhà ở xã hội chỉ mới được phê duyệt cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội, còn các ngân hàng thương mại chưa được cấp. Lý do là vốn ngân sách còn hạn chế.
Trong khi đó, theo quy định ngân hàng chính sách chỉ cho người mua nhà vay ưu đãi chứ chưa cho doanh nghiệp vay được vì nguồn lực có hạn. Do vậy doanh nghiệp chỉ trông chờ vào các ngân hàng thương mại.
“Muốn tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp chỉ còn cách cấp bù lãi suất vốn ưu đãi cho các tổ chức tín dụng thương mại” – ông Ninh nói.
LÂM HOÀI
Trước mắt, chỉ giải ngân 500 tỉ đồng
Về gói tín dụng cho vay hỗ trợ mua nhà ở xã hội, ông Nguyễn Quốc Hùng – vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước – cho biết trước mắt Ngân hàng Chính sách xã hội VN đang giải ngân 500 tỉ đồng. Đây là khoản tín dụng nằm trong gói 2.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội.
Theo ông Hùng, số vốn 2.000 tỉ đồng là gói tín dụng thực hiện theo kế hoạch đầu tư trung và dài hạn đến năm 2020. Do đó, vốn sẽ được giải ngân dần dần theo kế hoạch, chứ không phải cho vay trong một thời gian nhất định.
Cũng theo ông Hùng, tính đến nay gói tín dụng 30.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở đã được khách vay trả khoảng 7.000 tỉ đồng.
L.THANH
T.LONG – A.HỒNG