Sử dụng cát nhân tạo để thay thế với mức giá rẻ hơn so với cát thiên nhiên gần 30% đang được nhiều doanh nghiệp tính đến khi giá cát tăng phi mã thời gian gần đây.
Thay thế bằng cát nhân tạo
Sử dụng cát nhân tạo để thay thế với mức giá rẻ hơn so với cát thiên nhiên gần 30% đang được nhiều doanh nghiệp tính đến khi giá cát tăng phi mã thời gian gần đây.
Cát nhân tạo đã xuất hiện tại VN khoảng 10 năm trở lại đây, được sản xuất bằng cách nghiền các loại đá có sẵn trong tự nhiên. Tùy vào mục đích sử dụng như san nền, làm vữa xây dựng hay chế tạo bê tông tươi mà máy nghiền sẽ nghiền đá thành các loại cát với kích cỡ khác nhau. Hiện trên cả nước có khoảng 50 nhà máy sản xuất cát nhân tạo, đáp ứng khoảng 20 triệu tấn/năm, bằng 2/3 lượng cát tiêu thụ hiện nay trên thị trường.
Hiện nay nhà nước vẫn chưa có một quy định, quy chuẩn cụ thể nào về chất lượng, mới chỉ dừng lại ở khái niệm còn thực tế thì cũng chưa có đơn vị nào được cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm, vì thế rất khó để các nhà thầu đưa vào sử dụng
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Công ty CP VLXD Sư Tử Biển
So với cát tự nhiên, cát nhân tạo có những ưu điểm lớn như có thể sản xuất ở các khu vực gần địa điểm xây dựng dẫn tới giảm chi phí vận chuyển và đảm bảo nguồn cung phù hợp. Cát nhân tạo cũng có ít tạp chất, hạt dày hơn, có độ bền uốn cao hơn, chống mài mòn tốt hơn, tính thẩm thấu thấp hơn và đặc biệt là thân thiện với môi trường. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Công ty CP vật liệu xây dựng Sư Tử Biển, cho biết số cát nhân tạo công ty sản xuất ra ít được khách hàng mua, nhất là khách hàng cá nhân, chỉ có một số ít công ty mua về đúc bê tông.
“Giá cát nhân tạo mắc nhất hiện nay khoảng 550.000 đồng/m3, trong khi giá cát đẹp tự nhiên lên đến gần 700.000 đồng/m3, nhưng do thói quen của người dân nên hiện nay cát nhân tạo chỉ được dùng trong ngành bê tông, chưa được dùng trong các công trình dân dụng. Trong khi đó, hiện nay nhà nước vẫn chưa có một quy định, quy chuẩn cụ thể nào về chất lượng, mới chỉ dừng lại ở khái niệm còn thực tế thì cũng chưa có đơn vị nào được cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm, vì thế rất khó để các nhà thầu đưa vào sử dụng”, ông Tâm nói.
Theo lãnh đạo Công ty xi măng Hà Tiên, VN đã sản xuất được cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên với chất lượng tốt, nhưng đến nay chủ yếu chỉ những dự án, công trình do công ty nước ngoài đầu tư hoặc những dự án có đơn vị giám sát, tư vấn nước ngoài mới dùng cát nhân tạo. Thói quen, cộng với việc nhà nước chưa đưa ra một quy chuẩn nào, quy định nào bắt buộc việc sử dụng cát nhân tạo vào các công trình xây dựng nên hầu hết các dự án hiện nay của cả nhà nước, doanh nghiệp (DN) tư nhân và người dân đều sử dụng cát tự nhiên.
“Nhà nước cần quy định một công trình tối thiểu phải dùng bao nhiêu phần trăm cát nhân tạo, bởi hiện nay nguồn cát tự nhiên ngày càng khan hiếm, đến một lúc nào đó sẽ cạn kiệt. Hơn thế nữa việc khai thác cát tự nhiên đã để lại nhiều hệ lụy về môi trường, gây sạt lở đất, ảnh hưởng rất lớn đến thiên nhiên, cuộc sống người dân”, vị này đề xuất.
Nhiều nước đã dùng
Hiện ở Trung Quốc, cát nhân tạo đã chiếm 70% lượng cát sử dụng trong xây dựng; tại Nhật Bản từ 1990 đã ban hành lệnh hạn chế khai thác cát tự nhiên thay vào đó dùng cát nhân tạo. Đến nay quốc gia này đã sử dụng cát nhân tạo hoàn toàn. Thuỵ Điển hay Úc từ lâu cũng đã đưa ra những chính sách khuyến khích sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên.
Tại VN, nguồn nguyên liệu để sản xuất cát nhân tạo khá dồi dào là đá vôi và đá bazan trong khi dự báo trong vòng 10 năm tới nguồn cát tự nhiên sẽ cạn kiệt. Do đó, cát nhân tạo là một lối ra để giảm bớt phụ thuộc vào cát tự nhiên vốn hữu hạn và nếu tận thu thì sẽ gây nhiều hệ lụy tới môi trường.
Theo ông Nguyễn Vũ Thịnh – chuyên gia về vật liệu xây dựng, nhà nước nên đưa ra định mức cũng như cách sử dụng cát nhân tạo trong các công trình xây dựng để người dân, DN yên tâm sử dụng. Trong khi đó, các công trình trọng điểm của nhà nước cũng có thể dùng cát nhân tạo thay vì phải “đình đốn” và phải mua cát với giá cao như thời gian gần đây.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng VN, lại cho rằng các DN sản xuất cát nhân tạo không nên quá trông chờ vào chính sách của nhà nước. Bởi nếu sản phẩm tốt, giá thành rẻ thì thị trường sẽ chấp nhận. Do đó, các DN sản xuất cát nhân tạo cần tìm hiểu nhu cầu thị trường, từ đó đầu tư dây chuyền sản xuất chuẩn, lựa chọn thiết bị để sản xuất sản phẩm chất lượng tốt, giá thành hạ.
Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn nhận định ngay từ bây giờ, nhà nước cần nghiên cứu, đánh giá xem nguồn cung cát tự nhiên còn bao nhiêu và có thể sử dụng được bao lâu nữa là hết. Từ đó có phương án sử dụng như thế nào cho có lợi nhất, hiệu quả. Bên cạnh đó, nên có chính sách pha trộn thêm cát nhân tạo vào để điều tiết nguồn cung cát tự nhiên dùng vào những việc có lợi hơn. Bộ Xây dựng cần có chính sách khuyến khích người dân sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên.