Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa liên lục địa
Trong một tuyên bố có thể làm thay đổi tình hình chiến lược khu vực, Triều Tiên khẳng định thử thành công tên lửa “có thể vươn khắp thế giới”.
Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa liên lục địa
Trong một tuyên bố có thể làm thay đổi tình hình chiến lược khu vực, Triều Tiên khẳng định thử thành công tên lửa “có thể vươn khắp thế giới”.
Chiều 4.7, CHDCND Triều Tiên thông báo phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14, dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Theo Hãng thông tấn KCNA, Hwasong-14 đạt độ cao 2.802 km và bay 933 km trong 39 phút trước khi trúng mục tiêu ở vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Sáng cùng ngày, quân đội Hàn Quốc cho hay Triều Tiên phóng tên lửa vào lúc 9 giờ 40 phút (giờ địa phương) tại khu vực Banghyon thuộc tỉnh Bắc Pyongan, gần biên giới với Trung Quốc.
“Sự kiện phi thường”
“Sự thành công của việc phóng ICBM ở đợt thử đầu tiên là cánh cửa cuối cùng dẫn tới hoàn thiện lực lượng hạt nhân của chúng ta. Đây là một sự kiện phi thường trong lịch sử CHDCND Triều Tiên trong bối cảnh chúng ta đang theo đuổi chính sách phát triển kinh tế song song với hạt nhân”, KCNA viết. Một nữ phát thanh viên còn tuyên bố trên truyền hình rằng Triều Tiên là “nhà nước hạt nhân hùng mạnh” sở hữu “ICBM rất mạnh có thể tấn công mọi nơi trên thế giới”.
Cũng trong ngày 4.7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in triệu tập cuộc họp khẩn cấp với Hội đồng an ninh quốc gia và kêu gọi miền Bắc dừng “hành động khiêu khích” ngay lập tức. Yonhap dẫn lời ông Moon nhấn mạnh những hậu quả khó lường nếu Bình Nhưỡng vượt “lằn ranh đỏ”. Nhật Bản tuyên bố tên lửa Triều Tiên rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của nước này và cực lực phản đối hành động “vi phạm các nghị quyết của LHQ”. Kyodo News dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Tomomi Inada cho biết giới hữu trách đang phân tích tuyên bố của Triều Tiên về phóng thử thành công ICBM. Theo bà, Hwasong-14 đạt độ cao lớn hơn so với bất kỳ tên lửa nào được Bình Nhưỡng phóng thử trước đó. Phản ứng về vụ thử, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng “Bộ Kim Jong-un không còn chuyện gì khác để làm hay sao?” và “có lẽ Trung Quốc sẽ có động thái mạnh đối với Triều Tiên để chấm dứt chuyện vô lý này”.
Trong khi đó, dù nhất trí phản đối Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của LHQ nhưng Nga và Trung Quốc cho rằng cần phải quan tâm thích đáng đến những lo ngại về an ninh của nước này. Reuters dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết Tổng thống Vladimir Putin nhất trí với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng cần đóng băng chương trình hạt nhân – tên lửa của Triều Tiên lẫn các cuộc tập trận chung Hàn – Mỹ.
TIN LIÊN QUAN
Nga, Trung Quốc hợp tác giải quyết căng thẳng Triều Tiên
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng bắt tay giải quyết vấn đề căng thẳng leo thang tại bán đảo Triều Tiên.
“Thay đổi cuộc chơi”
Nếu tuyên bố của Triều Tiên là chính xác, nước này sẽ trở thành quốc gia thứ sáu trên thế giới sở hữu ICBM, sau Ấn Độ, Israel, Mỹ, Nga và Trung Quốc, theo Yonhap. Truyền thông Triều Tiên tuyên bố trong cuộc thử nghiệm hôm qua, tên lửa Hwasong-14 được phóng ở góc bắn cao nhất có thể để không gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nước láng giềng. Cựu Phó chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Shin Won-shik cho rằng nếu được phóng theo quỹ đạo chuẩn, Hwasong-14 có thể đạt tầm xa khoảng 10.000 km trong khi khoảng cách từ Triều Tiên đến bang California của Mỹ là khoảng 9.000 km.
Chuyên gia David Wright thuộc tổ chức nghiên cứu UCS (Mỹ) nhận định tên lửa Bình Nhưỡng vừa phóng có thể đạt tầm bắn tối đa khoảng 6.700 km, đủ vươn tới mọi khu vực của bang Alaska. Trong khi đó, quân đội Mỹ hôm qua tuyên bố đây chỉ là tên lửa tầm trung và không có nguy cơ đe doạ Bắc Mỹ. Bộ Quốc phòng Nga cũng có nhận định tương tự và cho biết tên lửa chỉ bay xa khoảng 510 km. Tuy nhiên, chính Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc đã xác nhận Hwasong-14 đạt tầm xa khoảng 930 km.
TIN LIÊN QUAN
Tên lửa Triều Tiên đạt tầm bắn của ICBM?
Nếu được phóng theo quỹ đạo tiêu chuẩn, tên lửa Triều Tiên vừa phóng sáng ngày 4.7 có thể bay xa 6.700 km – tầm bắn của một tên lửa xuyên lục địa (ICBM).
Chuyên gia tên lửa Moon Geun-sik thuộc Diễn đàn An ninh và quốc phòng Hàn Quốc dự đoán Triều Tiên sẽ gia tăng áp lực lên Mỹ bằng cách tiến hành phóng Hwasong-14 theo định kỳ. Ngoài ra, theo giới quan sát, có thể chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ phải tìm kiếm định hướng mới để đối phó Bình Nhưỡng và xem xét tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan để gây áp lực lên Trung Quốc. Do đó, tên lửa Triều Tiên có thể trở thành “thứ thay đổi cuộc chơi” tiềm năng trong môi trường an ninh Đông Bắc Á và xa hơn nữa.
Văn Khoa