Thông minh lựa chọn tổ hợp xét tuyển
Làm sao để tránh ‘hoa mắt’ với số lượng tổ hợp xét tuyển quá nhiều; làm sao lựa chọn tổ hợp xét tuyển thông minh nhất với ngành mà mình muốn trúng tuyển?
Thông minh lựa chọn tổ hợp xét tuyển
Làm sao để tránh ‘hoa mắt’ với số lượng tổ hợp xét tuyển quá nhiều; làm sao lựa chọn tổ hợp xét tuyển thông minh nhất với ngành mà mình muốn trúng tuyển?
Thí sinh chờ đến giờ thi môn Toán tại điểm thi trường THPT Lê Quý Đôn – Ảnh: Hữu Khoa |
>> Danh sách những tổ hợp các trường thường dùng để xét tuyển thí sinh
Dưới đây là lời khuyên của các chuyên gia tuyển sinh:
PGS.TS Nguyễn Phong Điền (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội): Nên ưu tiên các tổ hợp xét tuyển có điểm thi cao
Nhìn tổng thể thì thấy rõ các trường ĐH tốp trên thường chỉ xét tuyển theo 2-4 tổ hợp xét tuyển. Tuy nhiên, các trường tốp giữa và tốp dưới có số lượng tổ hợp xét tuyển nhiều hơn với mong muốn nguồn tuyển đa dạng, mở rộng hơn.
Với các trường, ngành có nhiều tổ hợp xét tuyển thì thí sinh nên ưu tiên chọn tổ hợp xét tuyển gồm các môn thi mà thí sinh đạt điểm cao hơn sẽ có ưu thế hơn trong xét tuyển.
Tuy nhiên, thí sinh cần phải lưu ý nguyên tắc xét tuyển của các trường. Trong đó nhiều trường đặt quy tắc cùng ngành xét tuyển nhưng điểm chuẩn các tổ hợp khác nhau là khác nhau. Nhưng cũng có trường xác định một điểm chuẩn chung ở một ngành với tất cả các tổ hợp xét tuyển.
Kinh nghiệm cho thấy kể cả các trường quy định các mức điểm chuẩn khác nhau giữa các tổ hợp xét tuyển khác nhau thì mức điểm chênh lệch này cũng không quá 1,5 điểm.
“Để tránh rơi vào “bẫy tuyển sinh” năm nay, thí sinh cần bình tĩnh. Không chỉ đánh giá dựa vào mức điểm của mình, phải căn cứ trên phổ điểm chung của từng môn Bộ GD-ĐT sẽ công bố để biết điểm thi mình đạt được ở mức nào trong so sánh chung với các thí sinh khác” TS Nguyễn Đào Tùng (trưởng phòng quản lý đào tạo Học viện Tài chính) |
PGS.TS Cao Quốc An (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam): Chọn thêm tổ hợp sẽ thêm cơ hội trúng tuyển
Năm nay, Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam mở rộng tổ hợp xét tuyển ở một số ngành đào tạo, nâng tổng số tổ hợp xét tuyển của hơn 30 ngành, chuyên ngành đào tạo của trường lên hơn 10 tổ hợp.
Trong đó lần đầu tiên tổ hợp C15 (ngữ văn, toán, khoa học xã hội) được dùng làm căn cứ xét tuyển cho một loạt ngành, chuyên ngành như quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, kiến trúc cảnh quan, thiết kế nội thất, kế toán, kinh tế… Với những trường mở rộng tổ hợp xét tuyển thì thí sinh sẽ tăng cơ hội trúng tuyển khi đăng ký nhiều tổ hợp.
Có thể trước đây ngành kế toán, kinh tế chỉ xét tuyển thí sinh theo tổ hợp các môn thuộc khoa học tự nhiên. Nhưng năm nay thí sinh có điểm thi bài khoa học xã hội tốt cũng có thể đăng ký theo tổ hợp phù hợp.
Ngoài ra, chính thí sinh đã đăng ký theo các tổ hợp truyền thống vào các ngành này nhưng nếu kết quả bài thi khoa học xã hội tốt cũng nên đăng ký bổ sung để tăng cơ hội trúng tuyển.
PGS.TS Nguyễn Minh Hà (Trường ĐH Mở TP.HCM): Hai điều cần lưu ý
Nhiều tổ hợp xét tuyển cũng là thuận lợi cho thí sinh. Tuy nhiên, các em cần lưu ý hai điều sau:
Thứ nhất, nên liệt kê ra những ngành, trường cùng các tổ hợp xét tuyển của ngành đó mà các em muốn chọn. Sau đó, các em bỏ điểm của mình vào tổ hợp nào điểm cao thì lấy điểm ngành đó để đăng ký.
Thứ hai, các em nên lưu ý tiêu chí phụ trong các tổ hợp như yêu cầu về ngoại ngữ, nhân đôi môn nào đó.