28/11/2024

Tranh cãi việc kiểm dịch: Tiểu thương đứng giữa hai làn đạn

Trong khi Chi cục Thú y và Ban ATTP đang tranh cãi nhau về ai sẽ chịu trách nhiệm kiểm dịch thì các tiểu thương buôn bán thịt động vật đang đứng giữa hai làn đạn và chẳng thể bán được đi đâu.

 

Tranh cãi việc kiểm dịch: Tiểu thương đứng giữa hai làn đạn

Trong khi Chi cục Thú y và Ban ATTP đang tranh cãi nhau về ai sẽ chịu trách nhiệm kiểm dịch thì các tiểu thương buôn bán thịt động vật đang đứng giữa hai làn đạn và chẳng thể bán được đi đâu. 

 

 

 

Tranh cãi việc kiểm dịch: Tiểu thương đứng giữa hai làn đạn
Nhân viên thú y kiểm tra thịt heo trước khi vào chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM – Ảnh: Quang Định

Trong thời gian chờ quyết định cuối cùng của UBND thành phố vào ngày 30-6, Chi cục Thú y TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ kiểm tra và cấp giấy kiểm dịch cho các lô hàng thịt động vật đi ngoại tỉnh.

Tuy nhiên, nhiều tiểu thương vẫn lo lắng trước nguy cơ có thể tạm ngưng kinh doanh sản phẩm động vật bất cứ lúc nào, bởi cơ quan có chức năng kiểm dịch kêu thiếu người trong khi cơ quan được phân công nhiệm vụ và có đủ nhân lực lại kêu luật không cho phép.

Thú y bảo đã cấp lại, 
tiểu thương nói chưa

Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 29-6, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, cho biết ngay sau khi nhận được thông tin phản ảnh của các tiểu thương xung quanh chuyện ứ đọng hàng do không được cấp giấy kiểm dịch đưa thịt đi các tỉnh, cơ quan này đã kiểm tra và chỉ đạo Chi cục Thú y phải tiếp tục cấp giấy kiểm dịch cho đến khi có chỉ đạo mới.

 

Cùng ngày, cơ quan thú y đã cấp giấy chứng nhận cho các đơn vị sản xuất kinh doanh thịt động vật đi ngoại tỉnh.

“Chi cục Thú y phải huy động lực lượng cán bộ để đảm bảo công tác kiểm dịch và cấp giấy diễn ra nhanh chóng, không để tình trạng ùn tắc hàng hoá của người dân”, ông Trung nói.

Trong khi đó, theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, đến ngày 29-6 công tác kiểm dịch động vật đã trở lại bình thường. Đơn vị này sẽ tiếp tục kiểm dịch sản phẩm động vật cho đến khi nhận được chỉ đạo mới của thành phố.

“Việc quy định đơn vị nào kiểm dịch sẽ được đưa ra tại cuộc họp giữa các bên vào hôm nay (30-6). Do đó, cơ quan thú y vẫn chịu trách nhiệm này”, ông Thảo nói.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi tại chợ đầu mối Bình Điền (Q.8) rạng sáng 29-6, nhiều tiểu thương vẫn chưa được cấp giấy kiểm dịch cho thịt heo để đưa đi tỉnh, dù trước đó được thông tin sẽ cấp lại từ ngày 28-6.

Ông B., một tiểu thương tại chợ này, cho biết ông đã không thể đưa thịt heo đi các tỉnh do không được cấp giấy kiểm dịch, nhưng cán bộ thú y tại đây không trả lời thoả đáng.

Còn theo một cán bộ thú y tại trạm Bình Điền, việc nhiều tiểu thương tại chợ này không được cấp giấy kiểm dịch cho thịt heo đưa đi tỉnh do bên thú y không đủ nhân sự!

Tại chợ đầu mối Hóc Môn, nhiều tiểu thương cho biết đã được cấp lại giấy kiểm dịch đi tỉnh cho thịt heo vào rạng sáng 29-6, nhưng việc bị tạm ngừng cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho sản phẩm động vật tươi sống đi các tỉnh trong hai ngày trước đó (ngày 27 và 28-6) đã khiến nhiều tiểu thương thua lỗ nặng, bị khách hàng mắng vốn.

Theo ông C., tiểu thương tại chợ đầu mối Hóc Môn, ngoài gần 7 tấn thịt heo bị tồn đọng trong hai ngày không được cấp giấy kiểm dịch, ông cũng bị mất nhiều khách hàng tại các tỉnh do khách hàng phải tìm mối cung cấp khác để đảm bảo việc kinh doanh.

“Chẳng biết sau ngày 30-6, việc cấp giấy kiểm dịch sẽ do ai quản lý, có gặp khó khăn hay trục trặc gì nữa không, chúng tôi rất lo lắng”, ông C. nói.

Chi cục Thú y tự động ra văn bản chỉ đạo các trạm kiểm dịch ngưng cấp giấy kiểm dịch cho những sản phẩm này là không đúng.

Bà Phạm Khánh Phong Lan

“Ai là người kiểm dịch”?

Như Tuổi Trẻ đã thông tin trước đó, vào sáng 27-6, việc cấp giấy kiểm dịch đối với các lô hàng sản phẩm động vật tươi sống tại TP.HCM tạm ngưng khiến hàng trăm tiểu thương, chủ cơ sở kinh doanh không thể vận chuyển thịt heo, gà về các địa phương cung cấp cho các nhà hàng, bếp ăn công nghiệp, điểm bán lẻ.

Lý do là, theo quy định, việc vận chuyển những sản phẩm này ra khỏi địa bàn cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có giấy chứng nhận kiểm dịch kèm theo lô hàng, nếu không sẽ bị coi là bất hợp pháp, bị tiêu huỷ.

Một số nhà hàng có chi nhánh tại các tỉnh cũng không thể đưa thịt tươi sống về nơi chế biến. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thiếu sự thống nhất giữa Chi cục Thú y và Ban quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Tấn Phát , Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho rằng theo quyết định (06/2017) của UBND TP, Ban quản lý ATTP thành phố chịu trách nhiệm trong suốt quá trình sản xuất, vận chuyển, lưu thông, kinh doanh… đối với thịt.

Chi cục Thú y TP.HCM cũng đã chuyển 194 cán bộ sang Ban quản lý ATTP TP, trong đó có 42 cán bộ làm nhiệm vụ cấp giấy kiểm dịch và xuất xứ cho thịt nên nhân sự còn lại rất mỏng để đảm nhận thực hiện công việc trên.

“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Chi cục Thú y cũng nhiều lần gửi văn bản qua ban này, cũng như báo cáo UBND thành phố về việc điều chuyển nhiệm vụ này”, ông Phát cho biết.

Tuy nhiên, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP thành phố, cho rằng thủ tục cấp giấy kiểm dịch sản phẩm động vật vẫn chưa được chuyển giao cho Ban quản lý ATTP thành phố, đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Theo bà Lan, khi thực hiện bàn giao giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hai đơn vị đã thống nhất việc cấp giấy kiểm dịch ngoại tỉnh vẫn do Sở thực hiện bởi theo Luật thú y, giấy kiểm dịch ngoại tỉnh phải do cơ quan thú y cấp.

“Nhưng Chi cục Thú y (thuộc Sở) lại cho biết đang thiếu người do cắt một số nhân sự qua Ban quản lý ATTP nên không tiếp tục cấp giấy này”, bà Lan nói.

Trong thời gian chờ phản hồi của UBND TP liên quan đến những kiến nghị (ngày 5-6) của Sở NN&PTNT về việc giải quyết những vướng mắc trong quá trình bàn giao, theo bà Lan, lẽ ra cơ quan thú y vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ dù gặp khó khăn, thay vì tự ý ngưng cấp giấy kiểm dịch này.

Trên thực tế, các nhân sự của Chi cục Thú y dù đã được Ban quản lý ATTP nhận về vẫn tiếp tục làm công việc cho bên Chi cục Thú y. “Chúng tôi đã có văn bản báo cáo UBND thành phố về việc Chi cục Thú y ngưng cấp giấy chứng nhận kiểm dịch ngoại tỉnh khiến các tổ chức, cá nhân gặp rất nhiều khó khăn” – bà Lan cho biết.

Tranh cãi việc kiểm dịch: Tiểu thương đứng giữa hai làn đạn
Đồ hoạ: Tấn Đạt

TR.MẠNH – L.TH.HÀ – NG.TR