28/11/2024

Làm đề trắc nghiệm: chọn câu hỏi như thế nào?

Sau nhiều ý kiến về thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, phóng viên Tuổi Trẻ đã gặp những người trực tiếp làm đề thi để tìm hiểu quá trình chọn câu hỏi làm đề thi trắc nghiệm.

 

Làm đề trắc nghiệm: chọn câu hỏi như thế nào?

Sau nhiều ý kiến về thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, phóng viên Tuổi Trẻ đã gặp những người trực tiếp làm đề thi để tìm hiểu quá trình chọn câu hỏi làm đề thi trắc nghiệm.

 

 

 

Làm đề trắc nghiệm: chọn câu hỏi như thế nào?
Thí sinh làm thủ tục trước giờ thi bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên tại điểm thi Trường THCS Mạch Kiếm Hùng, Q.5, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Khi làm đề thi trắc nghiệm, để khách quan, người ra đề và người kiểm tra đề không được đưa ý kiến chủ quan của mình vào mà phải có ngân hàng câu hỏi đủ lớn. Nếu có một ngân hàng câu hỏi ổn định, đã được kiểm tra đầy đủ thì việc làm đề thi rất nhanh, và không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người chạy chương trình cũng như ban kiểm tra

TS NGUYỄN KIM QUANG (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG TP.HCM)

“Thực hiện đề thi trắc nghiệm phải mất thời gian khá lâu, có thể là vài tháng hay vài năm. Vì đề thi được thực hiện theo nguyên tắc ngân hàng…” – PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, mở đầu câu chuyện.

Độ phân cách, độ khó…

Theo ông Hồng, quy trình làm đề thi trắc nghiệm khá dài và phức tạp. Để có tính khách quan, đảm bảo độ phủ rộng chương trình khi lấy ngẫu nhiên câu hỏi làm đề thi trắc nghiệm, bắt buộc phải có ngân hàng câu hỏi đủ lớn.

Ông Hồng kể có những câu hỏi được tích luỹ trong vài chục năm đi dạy của thầy cô giáo. Và cũng có những câu mới tinh trong vòng vài chục ngày, một khi đã qua yêu cầu đạt về độ phân cách, độ khó, độ hiệu lực.

“Thường các câu trắc nghiệm có độ khó đạt yêu cầu, có thể phân loại học sinh, đánh giá đúng khả năng hay thành tích (hướng đến năng lực) sẽ được chọn.

Điều này đòi hỏi các câu hỏi phải trải qua phần soạn, phản biện chéo, biên tập nhóm, biên tập hội đồng, biên tập mã số theo yêu cầu ngân hàng câu hỏi rồi thử nghiệm, điều chỉnh và hoàn thiện, cho vào ngân hàng, lấy ra theo khung ma trận…

Nói như thế để nhận ra rằng nếu người ra đề làm đúng quy trình, người tổ chức việc ra đề theo nguyên tắc khoa học nghiêm ngặt thì vấn đề sẽ rất khách quan” – thầy Kim Hồng kể thêm.

Còn PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa – phó giám đốc ĐHQG TP.HCM – cho rằng hình thức thi trắc nghiệm thuận lợi cho việc đánh giá năng lực thí sinh với số đông. Việc ra đề và chấm thi trắc nghiệm đều tiến hành bằng máy.

“Để có đề thi trắc nghiệm này, từ năm 2000 Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP.HCM đã bắt tay xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm các môn thi. Xây dựng ngân hàng câu hỏi thi trắc nghiệm là công việc khó khăn, phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức.

Muốn xây dựng ngân hàng câu hỏi của một môn thi, trước hết phải đặt mục tiêu ngân hàng câu hỏi đó để làm gì. Tuỳ mục tiêu đặt ra mới triển khai tiếp công việc. Sau đó phải lên kế hoạch, trong đó trình bày rõ về đội ngũ ra đề, thời gian, quy trình quản lý và kinh phí thực hiện. Nếu bốn yếu tố này làm càng tốt thì chất lượng ngân hàng đề thi càng cao” – ông Nghĩa kể.

Ít nhất 10 câu hỏi để chọn 1

TS Nguyễn Kim Quang – phó hiệu trưởng ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) – cho rằng trong làm đề thi trắc nghiệm, khâu chuẩn bị ngân hàng câu hỏi rất quan trọng. Mỗi ngân hàng câu hỏi phải có số “vốn” nhiều hơn ít nhất 10 lần số câu hỏi trong một đề thi (ví dụ đề thi có 30 câu hỏi thì ngân hàng câu hỏi phải có 300 câu), để đảm bảo cho việc chọn ngẫu nhiên khi ra đề thi chính thức.

Để có một đề thi trắc nghiệm tốt, phải làm đề khách quan và phải được thử nghiệm.

Theo ông Quang, việc phân tích câu hỏi của ngân hàng đề thi cũng không kém phần quan trọng. Khi phân tích sẽ có các thông tin như độ phân biệt, độ khó, loại câu (hiểu biết, vận dụng suy luận, tính toán…). Điều này đòi hỏi phần mềm phải giúp phân biệt một câu hỏi thí sinh giỏi làm có tỉ lệ trúng nhiều hơn thí sinh kém làm; đánh giá độ khó của các câu hỏi; phân loại đề thi có câu dễ, trung bình, khó…

“Nếu đề thi toàn câu dễ và trung bình sẽ rất khó cho mục đích xét tuyển; hoặc ngược lại nếu câu hỏi quá khó, phần lớn thí sinh không làm được thì cũng không phân loại được thí sinh. Phải có sự phân tích này mới chọn lựa được những câu có giá trị để đưa vào đề thi chính thức.

Vì vậy, cần có chương trình phân tích câu hỏi và đánh giá độ tin cậy của một đề thi trắc nghiệm. Cái hay của thi trắc nghiệm là sau khi có kết quả thi sẽ phân tích, đánh giá được tố chất, năng lực của thí sinh, giúp nhận biết những câu hỏi tốt và loại bỏ những câu hỏi chưa tốt” – ông Quang chia sẻ.

Đối với thi trắc nghiệm dù có ngân hàng câu hỏi nhưng vẫn chưa thành đề thi, mà cần phải có phần mềm xử lý.

“Hiện tại, các phần mềm chọn câu, đề trắc nghiệm khá đa dạng. Có thể đề cập đến nguyên tắc cơ bản: ma trận chọn đề phải cho ra được kết quả các mã đề thi có độ khó tương đương. Ví dụ, khi ra đề thi với 50 câu hỏi chọn từ ngân hàng câu hỏi có 1.000 câu, phần mềm phải xử lý được làm sao đảm bảo các mã đề này có độ khó tương đương” – PGS.TS Nguyễn Kim Hồng cho biết.

Lộ trình thi trắc nghiệm

TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, cho biết ngay từ khi làm đề án về kỳ thi “3 chung” để tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2001, Bộ GD-ĐT đã đặt ra lộ trình năm 2005-2006 bắt đầu thi trắc nghiệm.

Đến năm 2009 hình thức thi trắc nghiệm sẽ được áp dụng cho tất cả các môn thi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia cũng như tuyển sinh ĐH (kể cả môn ngữ văn).

Tuy nhiên, sau đó phương án này không được hiện thực hoá như lộ trình vì còn quá nhiều ý kiến khác nhau.

Thực tế sau năm đầu – năm 2006, chỉ áp dụng trắc nghiệm cho môn ngoại ngữ, nhưng ngay năm sau, năm 2007, thi trắc nghiệm đã áp dụng cho một loạt môn tự nhiên như vật lý, hoá học, sinh học. Tuy nhiên phải sau 10 năm (2017) thi trắc nghiệm mới chính thức được áp dụng tại kỳ thi THPT quốc gia với các môn còn lại (trừ môn ngữ văn).

TRẦN HUỲNH – NGỌC HÀ