Bài thi tổ hợp, làm sao cho bớt mệt?
Bài thi tổ hợp lần đầu tiên được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia năm nay đã khiến thời gian tổ chức kỳ thi kéo dài hơn các năm: 2,5 ngày thi cho 5 bài thi với tổng cộng 9 môn.
Bài thi tổ hợp, làm sao cho bớt mệt?
Bài thi tổ hợp lần đầu tiên được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia năm nay đã khiến thời gian tổ chức kỳ thi kéo dài hơn các năm: 2,5 ngày thi cho 5 bài thi với tổng cộng 9 môn.
Thí sinh dự thi tổ hợp môn khoa học xã hội sáng 24-6 – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Tuy nhiên, nếu tính từng buổi, thời gian trong phòng thi của thí sinh dự bài thi tổ hợp lại dài hơn bất cứ môn thi nào từ trước đến nay.
Lúng túng từ thí sinh cho đến các hội đồng thi
“Mỗi môn thi thành phần trong bài tổ hợp có thời gian làm bài 50 phút, ít hơn các năm trước nhưng cuối cùng thời gian làm bài tổ hợp lại dài nhất trong các môn thi. 6h30 phút vào phòng thi đến gần 11h mới ra khỏi phòng. Thực sự em thấy mệt mỏi” – Thái Minh Anh, thí sinh ở một điểm thi quận Cầu Giấy, Hà Nội than.
Theo quy định của Bộ GD- ĐT, mỗi môn thành phần trong bài thi tổ hợp có thời gian làm bài 50 phút, nhưng thời gian chờ để chuẩn bị cho một thi kế tiếp sau khi môn thi trước kết thúc là 20 phút.
Thầy H. – một giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng việc để thời gian chờ giữa hai môn thi đến 20 phút là quá lãng phí với những phòng thi học sinh thi kín cả ba môn trong bài thi tổ hợp.
“Với những phòng thi có thí sinh chỉ thi 1-2 môn trong bài thi tổ hợp thì có thể cần thời gian chờ nhiều hơn, nhưng chẳng lẽ không có giải pháp nào khác việc bắt tất cả đồng phục một quy định gây lãng phí, mệt mỏi này?”- vị giảng viên này nói.
Thầy H. cũng cho biết thêm trong buổi thi bài khoa học xã hội, nhiều thí sinh làm bài rất nhanh rồi… ngủ. Giám thị đánh thức, nhắc nhở mà các em vẫn vô tư ngủ tiếp.
Sau tìm hiểu mới biết nhiều thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội để “chống điểm liệt” khi xét tốt nghiệp nên thấy làm bài đủ mức “qua” là xong.
Không chỉ giám thị và thí sinh cùng “than” mệt với bài thi tổ hợp mà cả Bộ GD- ĐT cũng không khỏi lo lắng trong tổ chức bài thi này.
Ngày 21-6, ngay sát ngày thi đầu tiên, Bộ GD- ĐT vẫn phải gửi bổ sung hướng dẫn chi tiết hơn về cách sắp xếp phòng thi có ghép các thí sinh dự thi các môn thành phần của bài thi tổ hợp khác nhau, rồi yêu cầu giám thị có trách nhiệm nhắc thí sinh trả lời đúng với thứ tự câu hỏi…
Ngày 23-6, sau buổi thi bài khoa học tự nhiên, Bộ vẫn phải tiếp tục có thông báo đến các giám đốc sở GD- ĐT yêu cầu giám thị coi thi chặt chẽ, không được để thí sinh chép đề ra thẻ dự thi hay bất cứ vật gì mang theo.
Thông báo này được đưa ra sau khi bộ tiếp nhận phản ánh nhiều thí sinh “ăn gian” giờ thí, cố tình chép lại đề thi môn thành phần thứ nhất, thứ hai, để dành thời gian môn sau đó quay lại làm bài phía trước.
Chờ “tổ hợp” chuyển thành “tích hợp”
Vậy giải pháp nào sẽ giúp việc tổ chức bài thi tổ hợp nhẹ nhàng hơn?
“Chỉ khi nào tổ chức bài thi tích hợp, không còn tách bạch từng môn thi, thí sinh không phải chờ đợi giữa bài thi thì mới nhẹ nhàng và thí sinh cũng không thể lợi dụng để ăn gian giờ thi được”, ông Nguyễn Phong Điền – trưởng phòng đào tạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Sái Công Hồng – Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD- ĐT cho biết việc thiết kế bài thi tổ hợp là bước khởi động để tiến tới bài thi tích hợp sau này.
Theo kế hoạch Bộ GD- ĐT từng đặt ra, sau khi tổ chức tốt bài thi tổ hợp (gồm các các môn thành phần riêng biệt ghép tuần tự trong một bài thi), sẽ áp dụng bài thi tổng hợp (gộp các câu hỏi của các môn riêng biệt vào chung một đề) và sau đó mới tiến đến bài thi tích hợp (thí sinh có thể phải vận dụng kiến thức của 2-3 môn để trả lời một câu hỏi).
Thực chất, trong dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017 ban đầu, Bộ GD- ĐT đã có ý định tổ chức ngay bài thi tổng hợp.
Tuy nhiên, nhiều trường ĐH vẫn muốn tuyển sinh theo các tổ hợp môn thi, chứ chưa muốn tuyển sinh theo bài thi tổng hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội ngay nên cuối cùng bộ đành chọn phương án bài thi tổ hợp.
Về lâu dài, nếu phương án thi THPT quốc gia tiếp tục được duy trì thì đích cuối cùng vẫn phải hướng đến là bài thi tích hợp.
“Tuy nhiên, bài thi tích hợp chỉ được áp dụng khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới có các môn tích hợp trong trường phổ thông” – ông Hồng nói.
Nhiều chuyên gia cũng tỏ ra băn khoăn: “Tại sao Bộ GD- ĐT không tách ra làm 3 phiếu trả lời trắc nghiệm, hết giờ môn thi nào thì thu luôn phiếu trả lời của môn đó để tạo sự công bằng giữa các thí sinh?”.
“Nếu tách ra làm ba phiếu trả lời trắc nghiệm cho ba môn thi thành phần thì không còn gọi là bài thi tổ hợp được nữa mà sẽ trở lại thành thi các môn độc lập như trước. Trong khi việc đưa bài thi tổ hợp vào là để khởi động cho việc tiến tới bài thi tích hợp sau này nên không thể quay lại điểm xuất phát cũ” – ông Hồng nói.
Ông Hồng cho rằng để khắc phục hiện tượng thí sinh chép đề thi môn trước rồi tranh thủ thời gian môn sau để làm bài, thì trong năm tới, có thể quy chế hóa những vi phạm này.
Theo đó, cả thí sinh cố tình chép đề thi lại để “ăn gian” giờ thi và giám thị không phát hiện và xử lý cũng đều vi phạm quy chế thi.