Chủ thẻ ngân hàng giữa muôn trùng phí
Các chủ thẻ ngân hàng giờ đây đang giữa muôn trùng vây của phí và sắp tới phải còn thêm gánh nặng khi các nhà băng vẫn điệp khúc than lỗ.
Chủ thẻ ngân hàng giữa muôn trùng phí
Các chủ thẻ ngân hàng giờ đây đang giữa muôn trùng vây của phí và sắp tới phải còn thêm gánh nặng khi các nhà băng vẫn điệp khúc than lỗ.
Nhiều ngân hàng đầu tư hệ thống ATM lớn cho rằng đang bị lỗ vì giá gốc cho mỗi giao dịch ngoại mạng là 7.000 đồng nhưng ngân hàng chỉ thu được thực tế có 1.500 đồng – Ảnh: T.T.D. |
Cho rằng mức 3.300 đồng trên mỗi dao dịch của chủ thẻ ngoại mạng, tức dùng thẻ ngân hàng này rút tiền tại ATM ngân hàng khác, là quá thấp nên một số nhà băng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tăng mức phí này để bù đắp một phần chi phí cho hoạt động phát hành thẻ nội địa.
Càng nhiều cây ATM càng lỗ?
Mức 3.300 đồng nói trên là giao dịch rút tiền ngoại mạng, còn phí rút tiền nội mạng thì phổ biến ở 1.100 đồng/giao dịch, tức 1/3 mức cho phép.
Sở dĩ mức thu này thấp là vì, theo giám đốc trung tâm thẻ một ngân hàng lớn tại TP.HCM, nếu tăng, các nhà băng sợ khách hàng sẽ bỏ đi.
Điều đáng nói là các nhà băng tính toán rằng giá vốn của một giao dịch rút tiền hiện tại đã lên đến 7.000 đồng.
Vậy là, với 3.300 đồng mỗi giao dịch thu được, 300 đồng phải đóng thuế giá trị gia tăng, 1.500 chia cho đơn vị chuyển mạch, vậy ngân hàng chỉ còn 1.500 đồng. Vì giá vốn đến 7.000 đồng cho nên cứ mỗi giao dịch là nhà băng chịu lỗ 5.500 đồng.
“Các ngân hàng nhỏ rất ít đầu tư cho hệ thống ATM, có nhà băng chỉ có vài chục máy, trong khi các ngân hàng lớn đầu tư hàng ngàn máy phải gánh khách hàng của ngân hàng nhỏ, lại phải chịu lỗ nên muốn tăng phí giao dịch ngoại mạng để bù đắp”, vị này nói.
Một số đề nghị rằng nếu chưa tăng phí người dùng thì cần phải bắt các ngân hàng phát hành thẻ mà không đầu tư hệ thống ATM phải bỏ tiền ra bù đắp cho các khoản thanh toán.
Tăng phí giao dịch ngoại mạng, theo một số ngân hàng, cũng chỉ là “bù đắp” chứ không dư dả gì.
Chưa tăng phí ATM thì tăng phí ngân hàng điện tử
Nhiều nhà băng đã âm thầm tăng phí với dịch vụ điện tử. Chẳng hạn, theo biểu phí mới đối với dịch vụ ngân hàng điện tử của BIDV, phí chuyển khoản dưới 10 triệu đồng tăng từ 6.600 đồng lên 7.000 đồng. Mức phí cho số tiền chuyển khoản đến 500 triệu đồng cũng tăng từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng…
Tương tự, TP Bank tăng phí dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn SMS Banking lên 11.000 đồng/tháng từ mức 8.800 đồng trước đó. Tại Eximbank, phí phải đóng là 50.000 đồng/quý, tức hơn 16.000 đồng/tháng. Sacombank cũng tăng phí Internet Banking áp dụng với khách hàng cá nhân từ mức 33.000 đồng lên 44.000 đồng/quý.
Vietcombank cũng thay đổi mức phí dịch vụ VCB-Mobile B@nking và Mobile Bankplus, không áp dụng chính sách miễn phí duy trì dịch vụ trong 3 tháng đầu cho khách hàng lần đầu tiên đăng ký dịch vụ mà thu ngay mức phí là 11.000 đồng/tháng. Ngân hàngnày cũng ngừng chính sách chiết khấu 2% khi thực hiện giao dịch nạp tiền điện thoại di động qua VCB-Mobile B@nking.
Theo lý giải của Vietcombank, việc tăng phí nhằm hướng tới đầu tư, phát triển thêm nhiều tính năng, tiện ích mới. Trong khi đó, TP Bank cho rằng họ đang phải trả nhà mạng 800 đồng trên mỗi tin nhắn, chưa kể ngân hàng này mới đưa vào ứng dụng eToken có tính bảo mật hơn để thay thế nên nếu khách hàng nào vẫn dùng SMS OTP thì phải trả thêm phí để bù đắp.
Khách hàng giữa muôn nẻo phí
Dù ngân hàng đưa ra nhiều lý do để giải thích cho việc tăng phí, nhưng nhiều khách hàng cho rằng mức phí hiện nay thực chất không thấp và ngân hàng đã thu bằng nhiều cách khác nhau.
Chị Hằng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết khi chuyển tiền qua mạng với món tiền rất nhỏ, chỉ khoảng 300.000 đồng cũng trả phí chuyển khoản liên ngân hàng với mức 11.000 đồng, tính ra mức phí lên đến 3,7% món tiền chuyển.
“Nếu ngân hàng có chính sách phí thấp hơn cho những món tiền nhỏ sẽ khuyến khích khách hàng giao dịch qua mạng”, chị Hằng đề nghị.
Anh Tài (Q.Gò Vấp) cũng cho biết trước đây khi vay vốn tại một ngân hàng cổ phần, anh được đề nghị mở tài khoản thanh toán nhưng không quy định phải nộp tiền vào tài khoản này để trả gốc và lãi hằng tháng mà có thể đến chi nhánh bất kỳ để đóng.
Nhưng khi vay một khoản tại một ngân hàng mới đây, anh Tài được yêu cầu phải nộp tiền vào tài khoản thanh toán để hệ thống tự động trừ và phải duy trì số dư không dưới 50.000 đồng. Việc giải ngân cũng thông qua tài khoản và có tính phí.
Hằng tháng anh Tài phải tốn thêm 8.800 đồng phí thông báo số dư qua tài khoản, 6 tháng một lần NH lại thu phí quản lý tài khoản với mức thu 13.200 đồng. “Rõ ràng khách hàng đã phải tốn thêm một khoản phí mà với từng khách hàng riêng lẻ là nhỏ nhưng tính trên hàng ngàn khách hàng, khoản thu này rất lớn” – anh Tài nói.
Trong khi đó, anh Trung (Phú Nhuận) – chủ thẻ tín dụng một ngân hàng nước ngoài – bức xúc vì “chiêu” miễn phí thường niên năm đầu để mời gọi mở thẻ. Sau khi hết năm đầu tiên, ngân hàng không gửi email hay điện thoại thông báo xem khách hàng còn có nhu cầu sử dụng nữa hay không mà bất ngờ gửi thông báo yêu cầu đóng tiền.
“Tôi nói muốn ngưng sử dụng, nhưng nhân viên NH này cho rằng phải thông báo trước ngày hết năm, chứ bây giờ NH đã ra thông báo thì anh bắt buộc phải nộp. Điều này quá vô lý, lẽ ra ngân hàng phải ra thông báo khi sắp hết hạn để quyết định có đăng ký tiếp hay không chứ” – anh Trung nói.
Tuy nhiên, sau khi anh Trung và nhiều chủ thẻ khác phản ảnh, ngân hàng đã ra thông báo là phí thường niên thẻ sẽ được tự động phát sinh sau mỗi năm kể cả với thẻ chưa kích hoạt.